Phú Yên: Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa phát triển sâu rộng
02/11/2020 | 14:30Năm 2020, tròn 20 năm phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"(TDÐKXDÐSVH) đi vào thực tiễn. Phong trào đã thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia, tạo nên sự chuyển biến sâu rộng, hiệu quả trên địa bàn tỉnh.
Phong trào TDĐKXDĐSVH có độ bao phủ rộng, gắn với 5 nội dung và 7 phong trào lớn. Qua các hoạt động của phong trào này và các cuộc vận động, xã hội ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương "Người tốt - việc tốt", các điển hình tiên tiến, tỉ lệ gia đình văn hóa, thôn, buôn, khu phố văn hóa ngày càng tăng cả về lượng và chất.
Thay đổi tích cực
Đến với thôn Xuân Thạnh 2, xã Hòa Tân Tây, huyện Tây Hòa, nhiều tuyến đường được bê tông hóa, sạch đẹp, trải những thảm hoa. Nối liền với khu dân cư là những cánh đồng rộng. Sự khởi sắc đó chính là kết quả của sự đồng thuận giữa "ý Đảng, lòng dân", sự đoàn kết, chung sức chung lòng của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và nhân dân trong thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH gắn với xây dựng nông thôn mới.
Chị Bùi Thị Đặng, người dân thôn Xuân Thạnh 2, chia sẻ: "Hàng ngày, gia đình tôi luôn dành thời gian để chăm sóc những cây hoa trước nhà. Nhìn những tuyến đường thôn, xóm trải đầy cây xanh và hoa, tôi thấy tinh thần thoải mái và sống khỏe mạnh hơn".
Bà Huỳnh Thị Thu, Phó Trưởng Phòng VH-TT huyện Tây Hòa, cho biết: "Không chỉ vận động nhân dân tham gia giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an toàn giao thông; trồng cây xanh, xây dựng đường làng ngõ xóm, khu phố xanh - sạch - đẹp; thi đua xây dựng tuyến đường hoa nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu, huyện Tây Hòa còn đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao từ huyện đến xã, thị trấn. Qua đó góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân; mở rộng khối đoàn kết toàn dân, góp phần xây dựng huyện nhà ngày càng phát triển".
Còn tại TX Đông Hòa, qua nhiều năm triển khai vận động, đến nay có 70% hộ gia đình đã bỏ lệ rải vàng mã trên các tuyến đường khi đưa tang. Nhiều hộ gia đình ở các xã, phường như Hòa Thành, Hòa Vinh, Hòa Hiệp Trung, Hòa Xuân Tây, Hòa Hiệp Nam... thực hiện khá tốt việc này. Đặc biệt, 6/6 thôn tại xã Hòa Tân Đông và 100% gia đình tại các thôn này luôn đi đầu và thực hiện tốt việc không đốt, rải vàng mã trên các tuyến đường khi đưa tang.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Trưởng Phòng VH-TT TX Đông Hòa, cho biết: "Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn TX Đông Hòa trong thời gian qua đã thực sự đi vào cuộc sống, có ý nghĩa thiết thực trong việc định hướng giữ gìn bản sắc văn hóa, truyền thống tập quán tốt đẹp của dân tộc. Qua đó tạo sức lan tỏa và có giá trị thực tiễn đối với cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình, là cơ sở nền tảng để xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị văn minh của TX Đông Hòa".
Nâng cao chất lượng phong trào
Phong trào TDĐKXDĐSVH ngày càng phát triển theo hướng nâng cao chất lượng đã góp phần tạo nên động lực quan trọng thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - văn hóa - xã hội trên địa bàn tỉnh qua từng năm và từng nhiệm kỳ đại hội đảng các cấp. Đến cuối năm 2019, tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn toàn tỉnh là 3,8%, giảm 15,4% so với năm 2005; gần 241.000 hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa, chiếm 94,3%. Việc xây dựng công sở văn minh - sạch đẹp - an toàn; đơn vị văn hóa; khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố và mở rộng, tạo mối quan hệ gắn bó giữa Đảng, chính quyền, các đoàn thể với nhân dân.
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, theo bà Nguyễn Thị Hồng Thái, Phó Giám đốc Sở VHTTDL, phong trào TDĐKXDĐSVH vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: công tác tuyên truyền, vận động thực hiện phong trào ở một số nơi chưa thường xuyên, liên tục nên phong trào phát triển chưa đồng đều, thiếu chiều sâu; một số địa phương chưa khai thác hết công năng các thiết chế văn hóa, thể thao gây tình trạng lãng phí; cán bộ làm công tác ở cơ sở còn thiếu và yếu về kỹ năng nghiệp vụ lại thường xuyên thay đổi nên gặp không ít khó khăn trong công tác tham mưu, tổ chức triển khai thực hiện; các văn bản quy định của Nhà nước trong lĩnh vực phong trào còn nhiều bất cập gây khó khăn cho cơ sở trong quá trình triển khai thực hiện; kinh phí để triển khai thực hiện phong trào còn hạn chế, chưa tương xứng với các yêu cầu, nhiệm vụ được giao...
Để phong trào TDĐKXDĐSVH lan tỏa hơn nữa, đạt hiệu quả cao hơn nữa, tại hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện phong trào này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Đình Phùng, Trưởng Ban chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH tỉnh, lưu ý ngành Văn hóa và các địa phương, cần tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền và nâng cao trách nhiệm của ban ngành, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, ban chỉ đạo các cấp để tham mưu, chỉ đạo thực hiện phong trào từ tỉnh đến cơ sở. Tiếp tục đẩy mạnh, đổi mới nội dung và phương thức trong công tác tuyên truyền, vận động ở cơ sở với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, vận động quần chúng tham gia, làm cho mọi người dân, từng gia đình, từng cộng đồng dân cư và cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức hiểu rõ ý nghĩa, nội dung và tác dụng thiết thực của phong trào, từ đó tự nguyện, tự giác thực hiện.
"Phải thực sự xem phong trào TDĐKXDĐSVH là động lực để thúc đẩy toàn diện việc phát triển kinh tế - xã hội; kịp thời biểu dương, khen thưởng cho những gương tốt, việc tốt vào dịp tổng kết cuối năm của địa phương, đồng thời nhân rộng mô hình điển hình tiên tiến để phong trào ngày càng có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng dân cư", ông Phan Đình Phùng nhấn mạnh.
Thực hiện tốt phong trào TDĐKXDĐSVH là động lực quan trọng để thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Đây là cuộc vận động lớn mang tính toàn dân, toàn diện, với mục đích nâng cao ý thức và trách nhiệm của mỗi người dân trong quan hệ với gia đình và cộng đồng, môi trường tự nhiên và xã hội, theo những tiêu chí hướng tới nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân cả về vật chất lẫn tinh thần - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ðình Phùng.