Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Phú Yên: Bảo tồn di tích lịch sử gắn với xây dựng đời sống văn hóa

18/03/2021 | 17:30

Bảo tồn và phát huy giá trị di tích không chỉ gìn giữ được những sản phẩm vật thể mà còn góp phần làm thăng hoa di sản văn hóa phi vật thể, từ đó truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc được nuôi dưỡng, lưu truyền, trở thành những nhân tố không thể thiếu của sự phát triển bền vững.

Phú Yên: Bảo tồn di tích lịch sử gắn với xây dựng đời sống văn hóa - Ảnh 1.

Đình Phong Niên - một trong những di tích lịch sử cấp tỉnh.

Nhận thức việc bảo tồn các di sản, di tích là nhiệm vụ quan trọng và cần thiết, những năm qua, Phú Yên luôn quan tâm, chú trọng đến công tác quản lý bảo vệ, trùng tu, tôn tạo các di tích.

Giữ gìn và phát triển di tích, danh thắng

Tại TX Sông Cầu, việc tuyên truyền bảo vệ môi trường tại các di tích văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn thị xã luôn được quan tâm. Trong đó vấn đề tuyên truyền bảo vệ môi trường Danh thắng cấp quốc gia Vịnh Xuân Đài được chú trọng. Vịnh Xuân Đài nằm chủ yếu trên địa bàn TX Sông Cầu và một phần huyện Tuy An, cách TP Tuy Hòa khoảng 45km về phía bắc. Bờ vịnh dài 50km, được tạo thành nhờ dãy núi Cổ Ngựa chạy dài ra biển, từ đó hình thành bán đảo Xuân Thịnh.

Theo ông Mai Thanh Hồng, Trưởng Phòng VH-TT TX Sông Cầu, để đảm bảo vệ sinh môi trường tại danh lam thắng cảnh, phường Xuân Yên đã triển khai mô hình thu gom chất thải trong nuôi trồng thủy sản trên địa bàn từ cuối năm 2018 và chính thức hoạt động từ tháng 11/2019 cho đến nay.

Bên cạnh đó, phường Xuân Yên đã đặt 6 bảng "Điểm tập kết và thu gom chất thải nuôi trồng thủy sản" để người dân dễ dàng nhận biết các điểm tập kết và mang chất thải từ bè vào trong bờ đúng vị trí.

Đồng thời thành lập đội trung chuyển chất thải nuôi trồng thủy sản gồm 3 người; thông báo cho các hộ nuôi trồng thủy sản về vị trí, thời gian và giá dịch vụ thu gom chất thải nuôi trồng thủy sản... "Nhờ tuyên truyền thường xuyên với nhiều hình thức đa dạng, ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường ở khu vực vịnh Xuân Đài được nâng cao. Tuy nhiên, tình trạng rác thải nuôi trồng thủy sản chưa tập kết đúng nơi quy định vẫn xảy ra; việc vận động thay đổi các tập quán, lối sống, nhận thức về xây dựng môi trường văn hóa còn khó khăn", ông Mai Thanh Hồng nói.

Tương tự, huyện Tuy An cũng là một trong những địa phương có nhiều hoạt động bảo tồn và phát triển các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa như: phục chế bộ đàn đá, kèn đá, xây dựng nhà trưng bày, trùng tu tôn tạo địa đạo Gò Thì Thùng, hàng năm tổ chức các lễ hội gắn liền với các di tích...

Ông Phan Quang Phi, Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT huyện Tuy An cho biết: "Những năm qua, huyện Tuy An đã tích cực thực hiện các văn bản chỉ đạo của cấp trên; đồng thời ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" gắn với bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị di tích; không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng về nội dung và phương thức hoạt động, kết hợp khai thác và phát huy đặc trưng văn hóa của địa phương, đưa văn hóa trở thành một trong những yếu tố tích cực để thúc đẩy phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở".

Nâng cao ý thức của người dân

Theo Sở VHTTDL, từ năm 2016 đến nay, mỗi năm có trung bình 5 di tích được xếp hạng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 90 di tích được xếp hạng (trong đó có 1 di tích quốc gia đặc biệt, 21 di tích quốc gia và hơn 70 di tích cấp tỉnh). Một số di tích đã đưa vào khai thác phục vụ du lịch, hàng năm thu hút nhiều khách đến tham quan như: Gành Đá Đĩa, Mũi Đại Lãnh - Bãi Môn; có 185 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê...

Ông Huỳnh Từ Nhân, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý văn hóa (Sở VHTTDL) cho biết: Công tác quản lý nhà nước về di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là việc bảo vệ, tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa luôn được quan tâm và thực hiện hiệu quả. Tuy nhiên, công tác này hiện còn gặp nhiều khó khăn.

Nguyên nhân do một bộ phận người dân còn tự ý lấn chiếm đất để xây dựng nhà ở trái phép, trồng trọt, nuôi thủy sản... làm thay đổi diện mạo của di tích, thắng cảnh; việc đầu tư nâng cấp các di tích, thắng cảnh trở thành sản phẩm du lịch chưa được triển khai chặt chẽ và toàn diện; đội ngũ cán bộ mỏng, hạn chế trong việc triển khai các văn bản, hướng dẫn của Nhà nước trong công tác quản lý tại các khu di tích; đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn nên việc xã hội hóa trong tu bổ di tích và tổ chức lễ hội còn hạn chế...

Theo ông Huỳnh Từ Nhân, bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh phải luôn gắn liền với phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa". Việc bảo tồn, gìn giữ phải đi đôi với việc khai thác di tích lịch sử để phục vụ cho phát triển du lịch - dịch vụ. Đây không chỉ là một cách để quảng bá, mà còn là tài liệu để truyền dạy cho con cháu sau này, giáo dục truyền thống đạo lý "uống nước nhớ nguồn", góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Việc bảo tồn, gìn giữ phải đi đôi với việc khai thác di tích lịch sử để phục vụ cho phát triển du lịch - dịch vụ. Đây không chỉ là một cách để quảng bá, mà còn là tài liệu để truyền dạy cho con cháu sau này, giáo dục truyền thống đạo lý "uống nước nhớ nguồn", góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.


Theo baophuyen.com.vn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×