Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Phú Thọ: Tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa - Gìn giữ và phát huy giá trị di sản

20/04/2021 | 14:09

“Để giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng, tỉnh đã chú trọng, quan tâm tới công tác bảo tồn, trùng tu, tôn tạo di tích. Ngoài nguồn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, tỉnh cũng tích cực thực hiện xã hội hóa trong hoạt động bảo vệ di sản văn hóa nhằm khơi dậy những tiềm năng, thu hút sự tham gia đóng góp của các tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước. Tính đến nay, có 180/316 di tích đã xếp hạng được thực hiện tu bổ, tôn tạo”- Ông Nguyễn Đắc Thủy - TUV, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) khẳng định.

Phú Thọ: Tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa - Gìn giữ và phát huy giá trị di sản - Ảnh 1.

Đình An Thái có kiến trúc độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc

Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh di tích lịch sử cấp Quốc gia Đình An Thái (xã Phượng Lâu, thành phố Việt Trì), cụ Nguyễn Tiến Tường - Thủ từ Đình An Thái cho biết: Đình An Thái là ngôi làng cổ nằm trên địa bàn Kinh Đô Văn Lang xưa, nơi có phường Xoan An Thái, một trong 4 phường Xoan gốc của tỉnh Phú Thọ. Đình thờ Tam vị Đại vương là Ất sơn Đại vương, Viễn sơn Đại vương và Áp đạo quan Đại vương. Đình được xây dựng theo kiến trúc cổ, hiện còn lưu giữ được nhiều di vật, cổ vật có giá trị lịch sử, đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa Quốc gia vào năm 2006.

Những dịp lễ lớn của làng đều được tổ chức tại đình, thu hút đông đảo nhân dân trong làng, các xã lân cận tham gia. Đặc biệt, trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm, Đình An Thai đều tổ chức hát Xoan để tỏ lòng thành kính, biết ơn các vị Vua Hùng đã có công dựng nước và cầu mong cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, con dân được hưởng bình an.

Năm 2015, đình An Thái được Nhà nước quan tâm, ưu tiên đầu tư kinh phí tu bổ, tôn tạo. Công trình có tổng mức đầu tư trên 21 tỷ đồng gồm các hạng mục: tòa đại đình, 2 nhà tả vu, hữu vu, sân vườn, quy mô kết cấu đồng bộ và giữ được những nét kiến trúc, bố cục cũ. Với sự đầu tư của chính quyền và sự tham gia đóng góp của cộng đồng, di tích Đình An Thái với đầy đủ các công trình kiến trúc độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ đã trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách và là điểm nhấn trong các chương trình văn hóa về với cội nguồn đất Tổ, góp phần quảng bá di sản Hát Xoan gắn với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng trong cộng đồng.

Phú Thọ: Tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa - Gìn giữ và phát huy giá trị di sản - Ảnh 2.

Trình diễn Hát Xoan tại Đình An Thái

Là địa phương làm tốt công tác xã hội hóa trong tu bổ, tôn tạo di tích, xã Tu Vũ, huyện Thanh Thủy có 1 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia và 4 di tích cấp tỉnh. Thời gian qua, một số di tích bị xuống cấp, chính quyền xã tích cực huy động nguồn đóng góp từ người dân, các nhà hảo tâm, các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn kịp thời tu bổ, tôn tạo di tích. Không chỉ đóng góp tiền của, nhiều người dân còn đóng góp ngày công theo các phần việc được giao, góp phần gìn giữ di sản cho thế hệ mai sau.

Ông Bùi Văn Đông - Chủ tịch UBND xã Tu Vũ cho biết: Năm 2017, UBND tỉnh đồng ý cho UBND xã Yến Mao (cũ) nay là xã Tu Vũ làm chủ đầu tư để xây dựng Đền Nhà Bà bằng nguồn vốn xã hội hóa với tổng mức đầu tư là 5,3 tỷ đồng. Di tích đã được trùng tu, tu bổ đúng với bố cục kiến trúc ban đầu với thiết kế 3 gian nhìn theo hướng ngôi đền cổ. Quá trình tôn tạo được thực hiện theo đúng quy định, với sự giám sát của người dân.

Theo thống kê của Sở VH,TT&DL, toàn tỉnh có 967 di tích. Trong đó có 316 di tích được Nhà nước xếp hạng (Khu Di tích lịch sử Đền Hùng là di tích Quốc gia đặc biệt, 73 di tích Quốc gia, 242 di tích cấp tỉnh); 345 di tích thờ Hùng Vương và các nhân vật thời Hùng Vương; 30 di tích liên quan Hát Xoan.

Từ nguồn ngân sách nhà nước và nguồn xã hội hóa, trong 10 năm qua đã có gần 200 di tích của tỉnh được xếp hạng, tu bổ, tôn tạo với tổng mức đầu tư gần 600 tỷ đồng, trong đó phần lớn nguồn lực từ nguồn xã hội hóa. Trong đó nhiều di tích quan trọng, là không gian diễn xướng, gắn liền với 2 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan Phú Thọ.

Phú Thọ: Tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa - Gìn giữ và phát huy giá trị di sản - Ảnh 3.

Đền Nhà Bà, xã Tu Vũ, huyện Thanh Thủy đang được tu bổ, tôn tạo bằng 100% nguồn vốn xã hội hóa

Các di tích sau khi được tu bổ, tôn tạo đã cơ bản khắc phục được tình trạng xuống cấp, đảm bảo an toàn lâu dài cho công trình, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hoá, tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân. Nhiều di tích sau khi được tu bổ đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn, thu hút khách tham quan trong và ngoài tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tiêu biểu như: Đình Thét - xã Kim Đức, Đình An Thái - xã Phượng Lâu, đàn Tịch điền - phường Minh Nông (thành phố Việt Trì); Đền Du Yến - xã Chí Tiên, Đền Thượng - xã Ninh Dân (huyện Thanh Ba); Đình Thạch Khoán - xã Thạch Khoán (huyện Thanh Sơn); tượng đài chiến thắng Tu Vũ, Đền Lăng Sương (huyện Thanh Thủy); Đình Hạ Mạo, chùa Long Khánh (thị xã Phú Thọ)… với tổng mức đầu tư gần 600 tỷ đồng, trong đó phần lớn nguồn lực từ nguồn xã hội hóa.

Để gìn giữ và phát huy giá trị của di sản, song song với việc bố trí ngân sách để trùng tu, tôn tạo di tích, tỉnh còn tăng cường quảng bá tuyên truyền để nhân dân trong tỉnh, khách tham quan du lịch trong nước và bạn bè quốc tế biết đến các di tích lịch sử ngày một đông đảo hơn. Tại các địa điểm có di tích, hàng năm mỗi dịp xuân về hay trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương luôn diễn ra các hoạt động tín ngưỡng dân gian và văn hóa dân gian rất đa dạng, phong phú như các lễ hội, diễn xướng dân gian, trình diễn các làn điệu dân ca Xoan, Ghẹo; các điệu múa, trò chơi dân gian, trình diễn nghề thủ công của các làng thủ công truyền thống và các hoạt động thể thao dân tộc truyền thống nhằm gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các di tích lịch sử.

Cùng với đó, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách kết nối di sản văn hóa với phát triển du lịch; triển khai nhiều hoạt động quảng bá, tôn vinh, phát huy giá trị của di sản thông qua xây dựng, tổ chức các tour du lịch: Hát Xoan làng cổ; Phú Thọ - Về miền Đất Tổ Hùng Vương; City tour Việt Trì; tour du lịch đêm Đền Hùng… góp phần không nhỏ trong quảng bá, giới thiệu di sản văn hóa cũng như bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vùng đất Tổ đến bạn bè trong nước và quốc tế.

Phú Thọ: Tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa - Gìn giữ và phát huy giá trị di sản - Ảnh 4.

Du khách trải nghiệm Hát Xoan tại làng cổ Hùng Lô trong tour du lịch Hát Xoan làng cổ

Để bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, Sở VH,TT&DL tiếp tục tham mưu cho tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật trong thực hiện các chế độ chính sách, công tác quản lý, tu bổ tôn tạo, phát huy các giá trị di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn; đẩy mạnh tuyên truyền Luật Di sản cho người dân; tích cực kêu gọi đầu tư kết cấu hạ tầng, giao thông, khuyến khích hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích từ nguồn kinh phí ngoài ngân sách Nhà nước; tạo sự gắn kết giữa bảo tồn phát huy di sản văn hóa với phát triển du lịch của tỉnh - ông Nguyễn Đắc Thủy cho biết thêm.


Theo phutho.gov.vn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×