Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Phú Thọ: Phát triển du lịch học đường

27/04/2022 | 09:49

Sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID- 19, ngành du lịch trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm từng bước phục hồi, kích cầu, mở cửa hoạt động du lịch Phú Thọ “thích ứng, an toàn, linh hoạt” trong điều kiện bình thường mới. Trong đó, khai thác tài nguyên du lịch gắn với sản phẩm du lịch học đường đã và đang mở ra hướng tiếp cận mới trong hoạt động giáo dục di sản, văn hóa truyền thống cho học sinh, sinh viên.

Phú Thọ: Phát triển du lịch học đường - Ảnh 1.

Tại điểm sinh hoạt cộng đồng Hùng Lô, thành phố Việt Trì, học sinh có dịp được thăm quan đình cổ Hùng Lô, nghe và xem trình diễn Hát Xoan.

Phú Thọ được biết đến là vùng đất lưu giữ nhiều giá trị di sản văn hóa phong phú, là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, nơi vinh dự 9 lần được đón Bác Hồ về làm việc, thăm động viên nhân dân, nơi ghi dấu những chiến thắng oanh liệt trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước như: Chiến thắng Sông Lô, Chiến thắng Tu Vũ, chiến thắng Chân Mộng – Trạm Thản… và là nơi có đa dạng các làng nghề sản xuất.

Phú Thọ: Phát triển du lịch học đường - Ảnh 2.

Giáo viên và học sinh trường Tiểu học Đông Cửu thăm quan đồi chè Long Cốc, xã Long Cốc, huyện Tân Sơn.

Đây không chỉ là những địa điểm mang giá trị quý báu để tuyên truyền, giáo dục cho học sinh hiểu, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của người Việt, mà còn là những địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ tiếp bước cha ông, xây dựng đất nước và bảo vệ chủ quyền quốc gia cũng như là cơ hội để học sinh được học tập, trải nghiệm thực tế giúp các em hiểu sâu sắc hơn về đời sống lao động để thêm yêu và trân quý giá trị cuộc sống.

Hầu hết các chương trình du lịch học đường hiện nay đều được xây dựng phù hợp với các lứa tuổi nhằm mang lại sự hứng thú cho học sinh. Các cơ sở giáo dục có thể chủ động liên hệ với điểm thăm quan để sắp xếp thời gian, địa điểm hoặc phối hợp với doanh nghiệp lữ hành tổ chức tour thăm quan phù hợp với chương trình học và khả năng tiếp nhận của học sinh. Với lứa tuổi mẫu giáo, nhiều trường chọn các điểm thăm quan gần gũi với cuộc sống hằng ngày, với học sinh từ tiểu học, đến THCS, THPT thường lựa chọn thăm quan các di tích lịch sử, các làng nghề truyền thống... trên địa bàn tỉnh giúp các em hiểu rõ nét hơn và tự hào về nơi mình sinh sống.

Là học sinh Trường Tiểu học Đông Cửu, được tham gia buổi thăm quan, trải nghiệm tại đồi chè Long Cốc, huyện Tân Sơn, em Lê Thị Kim Huệ chia sẻ: “Em và các bạn rất vui vì được tận mắt thấy đồi chè đẹp, xanh mướt, rộng bát ngát, thích thú nhất là được cùng người dân hái chè và xem các công đoạn chế biến và làm ra chè khô”.

Phú Thọ: Phát triển du lịch học đường - Ảnh 3.

Học sinh Trường THPT Phong Châu, huyện Lâm Thao thăm quan Bảo tàng Hùng Vương, Khu di tích lịch sử Đền Hùng.

Chương trình thăm quan, trải nghiệm thực tế gắn với các điểm du lịch được các cơ sở giáo dục tổ chức với quy mô rộng, nội dung đa dạng, phong phú. Là một trong những trường thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho học sinh, Trường THPT Phong Châu, huyện Lâm Thao cũng đã từng bước đổi mới, đa dạng các hoạt động ngoại khóa, trong đó có hoạt động giáo dục di sản cho học sinh, giúp các em thêm hứng thú, hăng say trong học tập, cũng như tìm hiểu, khám phá những điều thú vị ngay trên chính mảnh đất quê hương. Lãnh đạo nhà trường đã phối hợp với cán bộ, giáo viên tổ chức buổi ngoại khóa “Giáo dục di sản gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” và Hội thi “Em tập làm hướng dẫn viên du lịch giới thiệu về Đền Hùng”, trong khuôn khổ hoạt động ngoại khóa, học sinh được thăm quan Khu di tích lịch sử Đền Hùng, Bảo tàng Hùng Vương, tìm hiểu về lịch sử thời đại Hùng Vương dựng nước, thông qua các buổi thăm quan thực tế đã giúp các em tiếp thu kiến thức một cách sinh động, dễ hiểu, dễ nhớ hơn.

Mặc dù chương trình giáo dục di sản đã thổi một luồng gió mới vào việc học tập của học sinh tuy nhiên việc khai thác tài nguyên du lịch gắn với sản phẩm du lịch học đường trên địa bàn tỉnh vẫn còn hạn chế, tỉ lệ các cơ sở giáo dục cho học sinh tham gia các hoạt động giáo dục trải nghiệm tại các điểm trong tỉnh chưa thường xuyên, liên tục; điều kiện về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ tại các di tích lịch sử, văn hóa, làng nghề chưa đồng đều, kịch bản cho hoạt động trải nghiệm còn chưa thực sự mới mẻ, hấp dẫn…Vì vậy, các điểm thăm quan, du lịch, các công ty lữ hành cần tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá giới thiệu về ý nghĩa, giá trị nội dung sản phẩm du lịch học đường trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, kích cầu du lịch nội tỉnh, thu hút sự quan tâm của các cơ sở giáo dục trong và ngoài tỉnh, để Phú Thọ trở thành nơi được các công ty lữ hành hướng đến.

Theo Báo Phú Thọ

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×