Phú Thọ: Mô hình trường học gắn với bảo tồn di sản văn hóa
24/03/2022 | 11:00Mô hình trường học gắn bảo vệ các di sản văn hóa đã được ngành giáo dục Phú Thọ triển khai sâu rộng đến tất cả cấp học, trong đó có 47 mô hình điểm phù hợp từng địa phương. Nhiều mô hình tiêu biểu, có cách làm sáng tạo, giúp học sinh hiểu hơn về các giá trị truyền thống, giá trị trường tồn của các di sản văn hóa vùng Đất Tổ, đặc biệt là di sản hát Xoan và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Các nhà trường đã đổi mới phương pháp dạy học, gắn lý thuyết với thực tiễn, giúp học sinh biết trân quý những giá trị truyền thống của dân tộc.
Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, thành phố Việt Trì, một trong những đơn vị đi đầu trong triển khai mô hình trường học gắn với thực tiễn. Cô giáo Trần Thị Ánh Nguyệt - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Ngay từ khi triển khai, trường đã chọn việc bảo tồn, phát huy di sản hát Xoan làm chủ đề chính của mô hình. Để các em học sinh tiếp cận với hát xoan, nhà trường đã tăng cường tuyên truyền, quảng bá hát Xoan dưới nhiều hình thức, như truyền dạy, treo pa-nô, áp-phích trong và ngoài trường; thành lập câu lạc bộ hát Xoan tại các lớp. Hàng tuần, hàng tháng, ngoài việc dạy hát trong giờ âm nhạc, trường còn mời nghệ nhân các phường Xoan gốc đến trực tiếp giảng dạy cho học sinh. Đến nay, 100% số học sinh trong trường đã hiểu được nguồn gốc, ý nghĩa, yêu quý của hát Xoan.
Theo cô giáo Hoàng Thúy Liễu - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vân Phú, thành phố Việt Trì từ năm 2011, nhà trường đã thành lập các câu lạc bộ hát Xoan theo từng khối, lớp, đến nay đã đưa hát Xoan vào giảng dạy thông qua bộ môn Âm nhạc, nhiều giáo viên và học sinh đã biết trình diễn hát Xoan. Trường đã thành lập câu lạc bộ hát Xoan và đội văn nghệ tích cực tham gia luyện tập, biểu diễn.
Nhà giáo Ưu tú Phùng Quốc Lập- Phó giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Trong chương trình giáo dục địa phương (GDĐP) của tỉnh thời kỳ Hùng Vương đã được đề cập đến với chủ đề xuyên suốt từ cấp tiểu học đến THCS, THPT. Ngay từ bậc tiểu học, các em học sinh lớp hai được tham gia các hoạt động khởi động về tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thông qua video giới thiệu. Tiếp đến cấp THCS, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được đề cập ở lớp 7 với chủ đề tín ngưỡng tiêu biểu của Phú Thọ, trong đó tập trung giới thiệu chi tiết về tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương biểu trưng của lòng thành kính, sự biết ơn, tri ân công đức các vua Hùng đã có công dựng nước.
Để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh, ngành GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục xây dựng mô hình “Trường học gắn với di sản văn hóa” để đẩy mạnh công tác giáo dục trong nhà trường về giá trị hai di sản: Hát Xoan và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ. Ngành cũng tổ chức các lớp bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên về kiến thức các di sản; tăng cường phối hợp với ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các phường Xoan gốc, các nghệ nhân để tranh thủ sự giúp đỡ của các cơ quan liên quan, cộng đồng trong việc truyền dạy hát Xoan ở các cơ sở giáo dục, từ đó, giúp học sinh biết quý trọng, phát huy những giá trị của di sản.