Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Phú Thọ: Miền quê di sản

30/08/2021 | 10:00

Phú Thọ - vùng đất cội nguồn dân tộc hiện còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa truyền thống gắn với thời đại Hùng Vương dựng nước và giữ nước. Với những giá trị độc đáo, các di sản văn hóa phi vật thể ở Phú Thọ đã vượt ra khỏi biên giới Quốc gia, trở thành di sản chung của nhân loại, báu vật trong kho tàng di sản văn hóa Quốc gia và thế giới.

Báu vật từ ngàn xưa…

Theo thống kê của ngành văn hóa, toàn tỉnh hiện có 967 di tích, trong đó có 320 di tích lịch sử - văn hóa được Nhà nước xếp hạng; 345 di tích thờ Hùng Vương và các nhân vật thời Hùng Vương, 30 di tích liên quan đến Hát Xoan, bốn bảo vật Quốc gia. Hiện còn lưu giữ 870 di sản văn hóa phi vật thể, Phú Thọ vinh dự là địa phương duy nhất trong cả nước có hai Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại: Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan Phú Thọ.

Đặc biệt, với những giá trị nổi bật toàn cầu, di sản Hát Xoan Phú Thọ đã được UNESCO đưa ra khỏi tình trạng di sản cần bảo vệ khẩn cấp và ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là trường hợp đầu tiên trong lịch sử của UNESCO; là sự kiện đánh dấu thành công trong việc thực hiện các biện pháp bảo vệ một di sản cần bảo vệ khẩn cấp của tỉnh Phú Thọ nói riêng và của Việt Nam trên trường quốc tế. Trải qua tiến trình phát triển của lịch sử, từ thời đại các Vua Hùng dựng nước, Hát Xoan có bề dày lịch sử, có sức lan tỏa mạnh mẽ được tồn tại với nghệ thuật biểu diễn đặc sắc riêng biệt gắn với những câu chuyện truyền thuyết của thời đại Hùng Vương. Các phường Xoan gốc đều hình thành và phát triển từ những ngôi làng cổ nằm trên địa bàn trung tâm Nhà nước Văn Lang xưa nên bảo lưu được nhiều yếu tố cổ thuộc tầng sâu của văn hóa dân gian thời đại bình minh lịch sử dựng nước của dân tộc ta.

Cùng với đó, nhiều thế kỷ nay, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã trở thành điểm hội tụ của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo nên sức mạnh Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã lan tỏa và trở thành điểm tựa tinh thần của cộng đồng, tiếng nói chung, là sự tự ý thức về nguồn cội của các thế hệ người Việt. Tất cả đều là đồng bào, là người cùng một nước, chung một Tổ, chung cội, chung giàn. Quan hệ đó đã đem lại tâm lý yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, tạo nên sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc cùng nhau dựng nước và giữ nước mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết và khái quát thành chân lý thời đại: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Phát huy truyền thống quý báu của dân tộc, cho đến tận ngày nay, bất cứ ở đâu có người Việt sinh sống thì ở đó có thực hành Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.

Phú Thọ: Miền quê di sản - Ảnh 1.

Dâng hương ngày giỗ Tổ-nghi thức quan trọng thực hành Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.

Nỗ lực bảo tồn, phát huy

Với chuỗi di sản văn hóa phong phú, đa dạng, vấn đề phát huy bảo tồn giá trị di sản văn hóa được tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời cũng là tiềm năng, thế mạnh để du lịch có những bước đột phá, góp phần tích cực phát triển kinh tế-xã hội. Chính vì vậy, thời gian qua Phú Thọ đã có nhiều nỗ lực làm tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống, được các tổ chức quốc tế, Trung ương và các tỉnh bạn ghi nhận và đánh giá cao. Cụ thể, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước được tăng cường rõ rệt. Chủ trương xã hội hóa hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa được triển khai sâu rộng, thu hút đáng kể nguồn lực xã hội tham gia. Cùng với Hát Xoan Phú Thọ, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, tỉnh cũng tiến hành kiểm kê di sản văn hóa trên địa bàn toàn tỉnh. Đến nay đã xây dựng và bảo vệ thành công 10 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia gồm: Lễ hội Trò Trám, Lễ hội Đào Xá, Lễ hội Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ, Lễ hội Đền Lăng Sương, Nghi lễ cấp sắc của người Dao Quần Chẹt, Lễ hội Đền Tam Giang, Lễ hội Đền Chu Hưng, Lễ cấp sắc của người Dao Tiền, Nghề làm nón lá Sai Nga, Tết nhảy của người Dao.

Phú Thọ: Miền quê di sản - Ảnh 2.

Các “mầm Xoan” biểu diễn Hát Xoan tại Phường Xoan Thét (xã Kim Đức, thành phố Việt Trì). Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021

Trên thực tế, những năm qua hệ thống di sản văn hóa phong phú và đa dạng đã trở thành nguồn tài nguyên du lịch hấp dẫn để xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh đặc trưng vùng Đất Tổ. Sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh được duy trì và phát triển trên cơ sở khai thác giá trị hai di sản văn hóa phi vật thể là Hát Xoan Phú Thọ và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, gắn với giá trị tiêu biểu của Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, di tích văn hóa Miếu Lãi Lèn - thành phố Việt Trì, Đền Mẫu Âu Cơ - huyện Hạ Hòa và các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh… Sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh ngày càng được hoàn thiện đồng bộ, hạ tầng giao thông được nâng cấp, các di tích được cải tạo tu bổ, các hoạt động văn hóa lễ hội được chỉ đạo tổ chức hiệu quả, an toàn, đổi mới, hấp dẫn, các hoạt động dịch vụ thương mại được định hướng nâng cao chất lượng và quản lý chặt chẽ, an ninh trật tự được đảm bảo, thu hút lượng lớn khách du lịch đạt 6,5 - 7,5 triệu lượt mỗi năm, góp phần khẳng định thương hiệu sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh vùng Đất Tổ.

Phú Thọ: Miền quê di sản - Ảnh 3.

Khách du lịch quốc tế trải nghiệm Hát Xoan tại Đình Hùng Lô (TP.Việt Trì) (Ảnh chụp trước khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra)

Đồng chí Nguyễn Đắc Thủy - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: “Di sản văn hóa từng bước xác lập được vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội, góp phần khẳng định vị thế của Phú Thọ không chỉ đối với Quốc gia mà còn cả trên trường quốc tế. Đó là minh chứng cho sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của tỉnh trong việc đầu tư các nguồn lực phát triển văn hóa và sự nỗ lực không ngừng của ngành văn hóa cũng như sự phối hợp của các cấp, ngành, sự đồng thuận, trách nhiệm của cộng đồng trong gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vùng Đất Tổ. Vì thế, thời gian tới tỉnh Phú Thọ sẽ tiếp tục chú trọng bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, đặc biệt là hai di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại “Hát Xoan Phú Thọ” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ”; gắn việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa với các tua, tuyến du lịch trải nghiệm văn hóa tâm linh vùng Đất Tổ, góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững”.

Di sản văn hóa được coi là nguồn tài nguyên giá trị không chỉ về mặt tâm linh mà cả phát triển kinh tế-xã hội. Về với Phú Thọ, du khách được về với miền di sản mang đậm bản sắc vùng đất cội nguồn dân tộc Việt. Những nghi lễ linh thiêng trong thực hành trong Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; những trải nghiệm độc đáo của Hát Xoan Phú Thọ cho đến không khí lễ hội rộn ràng, háo hức với các trò chơi dân gian, ẩm thực đặc sắc gắn liền với truyền thuyết Vua Hùng đã để lại những ấn tượng sâu sắc của hàng triệu du khách khi về Phú Thọ - miền di sản cội nguồn của dân tộc Việt Nam.

Theo Báo Phú Thọ

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×