Phú Thọ: Liên kết để phát triển
16/01/2024 | 08:04Liên kết là xu thế tất yếu trong phát triển du lịch, giúp mở rộng không gian, phát huy thế mạnh của các địa phương, hình thành sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn. Đẩy mạnh liên kết du lịch tám tỉnh Tây Bắc và thành phố Hồ Chí Minh trong những năm qua đã phát huy hiệu quả, nâng cao lợi thế cạnh tranh, tạo sức mạnh quảng bá, xúc tiến điểm đến chung, thu hút đầu tư, thúc đẩy lan tỏa phát triển kinh tế - xã hội liên địa phương, liên vùng.
Phát huy nguồn tài nguyên quý
Phú Thọ có đầy đủ các loại tài nguyên du lịch: Tài nguyên du lịch tự nhiên; tài nguyên du lịch văn hóa, bao gồm di tích lịch sử - văn hóa, di tích cách mạng, khảo cổ, kiến trúc; giá trị văn hóa truyền thống, lễ hội, văn nghệ dân gian và các giá trị văn hóa khác; công trình lao động sáng tạo của con người có thể được sử dụng cho mục đích du lịch.
Với những di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đa dạng, phong phú, mang đậm văn hóa vùng Đất Tổ, Phú Thọ được đánh giá là địa phương có tiềm năng để phát triển du lịch. Đặc biệt, Khu Di tích lịch sử Đền Hùng và hai Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO công nhận là: “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” và “Hát Xoan Phú Thọ” tạo điểm nhấn để Phú Thọ xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù. Bên cạnh đó, Phú Thọ còn được thiên nhiên ban tặng nguồn nước khoáng nóng quý giá, phù hợp với du lịch nghỉ dưỡng hay những cảnh đẹp riêng có của đồi chè Long Cốc, Vườn Quốc gia Xuân Sơn, Đầm Ao Châu và bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Mường, Dao, Mông, Cao Lan... đã tạo nên nguồn tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú, giúp Phú Thọ xây dựng những sản phẩm du lịch đáp ứng với nhu cầu của khách du lịch trong, ngoài nước.
Anh Hà Văn Luận, chủ homestay Tony Luận ở xóm Bông 1, xã Long Cốc, huyện Tân Sơn chia sẻ “Hiện nay đang là mùa đẹp ở Long Cốc, những đám mây luồn xen kẽ những đồi chè xanh mướt tạo nên cảnh đẹp nên thơ, bởi vậy lượng du khách đến đây để “săn” mây, bắt trọn những khoảnh khắc đón bình minh trên đồi chè Long Cốc rất đông, đặc biệt vào những ngày cuối tuần, trong đó có nhiều người yêu nhiếp ảnh từ miền Trung, miền Nam và các nước Nhật, Đức, Singapore, Colombia...”.
Phú Thọ đã tập trung nguồn lực xây dựng mới, nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch, nâng cao công năng phục vụ khách du lịch của các công trình tại trung tâm thành phố Việt Trì, Công viên Văn Lang, Khu Di tích lịch sử Đền Hùng; xây dựng các dự án khu đô thị sinh thái, phố đi bộ; xây dựng điểm đến văn hóa- lịch sử tại Bảo tàng Hùng Vương; tập trung thực hiện các dự án đô thị nghỉ dưỡng, sinh thái nước khoáng nóng tại huyện Thanh Thủy, thúc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án du lịch thể thao sân Golf Tam Nông, Thanh Thủy...
Tạo sức hút từ liên kết
Với xu thế du lịch hiện nay, du khách lựa chọn nhiều điểm đến trong một cung đường chứ không đơn thuần lựa chọn một điểm nên việc liên kết là xu thế tất yếu trong phát triển du lịch. Phú Thọ tham gia nhóm hợp tác phát triển du lịch tám tỉnh Tây Bắc mở rộng (Phú Thọ, Điện Biên, Hà Giang, Hòa Bình, Lai Châu, Lào Cai, Sơn La, Yên Bái) và thành phố Hồ Chí Minh để cùng khai thác những lợi thế cạnh tranh, đa dạng hóa sản phẩm du lịch mang tính đặc thù, độc đáo nhằm thu hút sự quan tâm, đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách trong và ngoài nước.
Trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch các tỉnh, thành phố, nhóm hợp tác đã xác định rõ sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương để tập trung nguồn lực xây dựng, nâng cao chất lượng điểm đến, tạo sức hấp dẫn để thu hút các doanh nghiệp lữ hành, du khách đến tham quan, trải nghiệm, nghiên cứu phát triển thị trường với một số sản phẩm du lịch nổi bật tại các địa phương. Đến nay, các tỉnh, thành phố nhóm hợp tác đã từng bước đưa vào khai thác hiệu quả tour du lịch kết nối các tỉnh Tây Bắc mở rộng và thành phố Hồ Chí Minh như: Về miền Đất Tổ - Cội nguồn dân tộc: Thành phố Hồ Chí Minh - Hà Nội - Phú Thọ - Lai Châu - Sa Pa, Bảo Yên (Lào Cai) - Quảng Bình, Đồng Văn (Hà Giang); tour “Bản Hùng ca Tây Bắc” kết nối thành phố Hồ Chí Minh- Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La- Điện Biên - Lai Châu - Sa Pa (Lào Cai) - Hà Giang; tour “Hương sắc vùng cao” kết nối thành phố Hồ Chí Minh - Hà Nội - Bắc Hà (Lào Cai) - Xín Mần, Hoàng Su Phì, Đồng Văn (Hà Giang).
Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Đắc Thủy, tỉnh Phú Thọ đã và đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, trong đó chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị di sản, đẩy mạnh quảng bá, liên kết để phát triển du lịch. Trong bối cảnh hiện nay, các tỉnh, thành phố trên cả nước vừa cạnh tranh, vừa hợp tác với các tỉnh lân cận để thu hút khách du lịch đến khu vực, đến tỉnh mình, các đơn vị kinh doanh dịch vụ nhà hàng, khách sạn, lữ hành, các khu, điểm du lịch cần cam kết tham gia có trách nhiệm, thực chất vào Chương trình kích cầu du lịch Phú Thọ, thực hiện giảm giá - không giảm chất lượng, tạo tiền đề để xây dựng sản phẩm du lịch Phú Thọ ngày càng hấp dẫn, chuyên nghiệp trong tương lai.
Các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch được tiến hành song song trên nền tảng số ở nhiều trang Facebook như: Du lịch Phú Thọ, Hát Xoan Phú Thọ, Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Phú Thọ, Chi hội Hướng dẫn viên du lịch Phú Thọ; các Fanpage Du lịch Phú Thọ, Sản phẩm Du lịch Phú Thọ, Sắc màu Tây Bắc - thành phố Hồ Chí Minh, Zalo Du lịch Phú Thọ và App Du lịch thông minh Myphutho.vn với nội dung phong phú, hấp dẫn, thu hút, tham gia các hoạt động hội nghị, hội thảo, hội chợ du lịch tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Tây Bắc và các tỉnh khác...
Tỉnh Phú Thọ đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để phát triển du lịch như: Đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, làm mới các sản phẩm du lịch gắn với văn hóa tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, nghỉ dưỡng nước khoáng nóng Thanh Thủy và Vườn Quốc gia Xuân Sơn; triển khai mô hình du lịch văn hóa tâm linh gắn với trải nghiệm nghi lễ rước nước tại ngã ba Bạch Hạc, hình thành sản phẩm du lịch mới trên địa bàn thành phố Việt Trì; xây dựng và công nhận Điểm du lịch văn hóa cộng đồng Bạch Hạc, Điểm du lịch văn hóa Đền Mẫu Âu Cơ; xây dựng Điểm du lịch văn hóa cộng đồng Hùng Lô gắn với trải nghiệm hoạt động nông nghiệp và sản xuất sản phẩm làng nghề; hướng dẫn Trường Đại học Hùng Vương triển khai sản phẩm du lịch “Study tour” kết hợp cho sinh viên học tập và tham quan, trải nghiệm trên địa bàn tỉnh; xây dựng Điểm du lịch văn hóa Bảo tàng Hùng Vương đạt tiêu chí công nhận Điểm du lịch cấp tỉnh; Hội Văn hóa ẩm thực và Hiệp hội Du lịch phối hợp tổ chức Điểm tham quan mua sắm sản phẩm OCOP, sản vật đặc trưng tỉnh Phú Thọ gắn với trải nghiệm nông nghiệp tại chợ thành phố Việt Trì; xây dựng mô hình trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa đặc thù các dân tộc thiểu số phục vụ nhân dân và du khách tại Bản Dù, Vườn Quốc gia Xuân Sơn, xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn.
Bên cạnh đó, tổ chức và tham gia các chương trình Famtrip, Presstrip: “Xuân Sơn kỳ thú”, “Về miền Đất Tổ - Cội nguồn dân tộc”, “Trở về cội nguồn - Linh thiêng Đất Tổ” và “Hành trình du lịch sắc màu Trung du”, “Tour đêm Đền Hùng”, Tour du lịch học đường... khảo sát điểm đến, trải nghiệm các sản phẩm dịch vụ, du lịch đặc trưng, tìm hiểu di sản độc đáo vùng Đất Tổ. Tổ chức các chương trình kích cầu Du lịch tại tỉnh Phú Thọ thu hút du khách. Tham gia các sự kiện xúc tiến, liên kết phát triển du lịch Phú Thọ với cả nước: Các sự kiện quảng bá, giới thiệu du lịch Phú Thọ với nhiều hình thức, nội dung phong phú như Festival “Tinh hoa Tây Bắc - Kết nối khát vọng xanh” gắn với Ngày hội Du lịch thành phố Hồ Chí Minh, Tuần Du lịch - Văn hóa Tây Bắc tại Cần Thơ, Hội nghị xúc tiến du lịch tám tỉnh Tây Bắc mở rộng tại Cần Thơ, Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam-VITM, Festval mùa Thu Hà Nội 2023, Liên hoan các Làng Du lịch cộng đồng tám tỉnh Tây Bắc mở rộng...
Sau các chương trình xúc tiến hợp tác nhằm phục hồi du lịch hậu COVID-19, lượng khách du lịch theo tour từ các tỉnh miền Trung, miền Nam về Phú Thọ ước đạt trên 200 nghìn lượt khách lưu trú và sử dụng dịch vụ ăn uống tại tỉnh. Năm 2023, khách lưu trú tại tỉnh ước đạt 776.000 lượt, trong đó khách quốc tế đạt 8.860 lượt, tổng doanh thu từ dịch vụ du lịch ước đạt 3.365 tỉ đồng, tăng 27% so với năm 2022.
Liên kết trong phát triển du lịch đã góp phần thúc đẩy việc bảo tồn văn hóa bản địa, tạo động lực cho tăng trưởng, giúp du lịch phát triển bền vững, đóng góp vào phát triển kinh tế- xã hội của mỗi địa phương.