Phú Thọ: Lan tỏa Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”
12/04/2023 | 08:43Nhất quán quan điểm “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội”, những năm qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng tích cực của người dân, cùng với cả nước, Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) trên địa bàn tỉnh đã phát huy hiệu quả thiết thực, tạo sự đồng thuận, tiếp tục khơi dậy tinh thần đoàn kết, duy trì và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh...
Chung sức, đồng lòng
Hiện có 246 hộ với 820 nhân khẩu, khu dân cư số 3, xã Đồng Xuân là một trong các khu dân cư tiêu biểu của huyện Thanh Ba trong thực hiện Phong trào TDĐKXDĐSVH. Nhiều năm liền, khu đạt danh hiệu khu dân cư văn hóa, trên 99% gia đình được công nhận gia đình văn hóa. Những năm qua, Chi bộ Đảng, lãnh đạo khu đã tập trung chỉ đạo tuyên truyền, vận động nhân dân giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Năm 2022, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, nhân dân trong khu đã đồng thuận đóng góp 220 triệu đồng để xây dựng nhà văn hóa và sân chơi thể thao.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Dũng - Bí thư Chi bộ khu 3 cho biết: “Người dân trong khu đã phát huy tinh thần dân chủ, chủ động tham gia các hoạt động xây dựng đời sống văn hóa. Qua thực hiện Phong trào TDĐKXDĐSVH, vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên được phát huy, đồng thời khu đã xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình, điển hình tiên tiến như: Tuyến đường thắp sáng làng quê, camera giám sát an ninh, mô hình 5 không 3 sạch… mỗi mô hình là một bước tiến, mang lại hiệu quả thiết thực cho cuộc sống người dân”.
Tập trung nguồn lực thực hiện Phong trào TDĐKXDĐSVH và xây dựng nông thôn mới với nhiều giải pháp đồng bộ, hữu hiệu, đến nay, huyện Thanh Ba có 89,8% số hộ đạt gia đình văn hóa; 96,5% khu dân cư đạt văn hóa, 75% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa. Phong trào TDĐKXDĐSVH đã thực sự trở thành động lực, mục tiêu phấn đấu, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân hưởng ứng. Các phong trào xây dựng gia đình văn hóa; người tốt, việc tốt, nhân rộng các điển hình tiên tiến; xây dựng thôn, xóm, khu dân cư văn hóa; xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; lao động, học tập sáng tạo; rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại, đặc biệt là các nội dung gắn kết với Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh” đã tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng.
Cùng với đó, cơ sở hạ tầng, hệ thống thiết chế văn hóa được các cấp, ngành quan tâm đầu tư xây dựng, từng bước đáp ứng nhu cầu và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Ý thức giữ gìn, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc được nâng lên. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao được đông đảo nhân dân hưởng ứng tham gia.
Đồng chí Đỗ Văn Tụ - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện khẳng định: “Để Phong trào TDĐKXDĐSVH lan toả, phát triển sâu rộng hơn nữa, đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần xây dựng thành công NTM, thời gian tới, Mặt trận Tổ quốc huyện tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức, củng cố các tổ chức đoàn thể, vận động đoàn viên, hội viên tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, tiếp tục xây dựng các mô hình tự quản ở khu dân cư. Qua các phong trào quần chúng, phong trào thi đua, nhân rộng các tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu, tác động tích cực đến Phong trào TDĐKXDĐSVH ở cơ sở”.
Toàn tỉnh hiện có 364.798/410.809 gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa, đạt 88,8%; có 2.048/2.328 khu dân cư đạt danh hiệu khu dân cư văn hóa, đạt 87,9%; tỉ lệ cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa trên địa bàn tỉnh đạt 70%. Đặc biệt, chất lượng các danh hiệu văn hóa tại cơ sở ngày càng được nâng lên. Các khu dân cư phát huy hiệu quả hoạt động của các tổ tự quản phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Người dân tích cực quan tâm, chia sẻ, tham gia hiến kế, đóng góp ý kiến, góp phần phát triển kinh tế- xã hội địa phương.
Thông qua các hoạt động thi đua lao động sản xuất, học tập, nghiên cứu, sáng tạo... tại các cơ quan, đơn vị, đoàn thể đều xuất hiện những tấm gương tiêu biểu “Người tốt, việc tốt”, những điển hình tiên tiến có khả năng nêu gương thuyết phục, hiệu quả như: Ông Nguyễn Khắc Hiếu ở xã Lương Lỗ, huyện Thanh Ba có cơ sở sản xuất gạch, tạo việc làm cho 40 - 50 lao động, thu nhập ổn định từ 8 - 10 triệu đồng/người/tháng, tham gia ủng hộ xây dựng NTM hơn 200 triệu đồng; ông Nguyễn Kim Đức - Trưởng khu 14, phường Thanh Miếu, thành phố Việt Trì là điển hình tiên tiến, gương mẫu trong các phong trào ở khu dân cư, nhất là trong Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”...Những kết quả đạt được trong xây dựng đời sống văn hóa là thành quả từ sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, trở thành sức mạnh nội sinh, tạo động lực to lớn để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh theo hướng bền vững.
Nền tảng vững chắc
Qua hơn hai thập niên, Phong trào TDĐKXDĐSVH ngày càng phát triển cả về số lượng, chất lượng và đi vào chiều sâu, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cộng đồng trong tuyên truyền, vận động nhân dân các dân tộc đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cùng với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Nếp sống văn hóa, kỷ cương pháp luật có nhiều chuyển biến tích cực. Các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh được quán triệt, triển khai sâu rộng và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, Nhân dân đoàn kết, hỗ trợ, giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng nếp sống văn hóa; tích cực tham gia phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn.
Đến nay, 100% khu dân cư trong tỉnh xây dựng và tổ chức hiệu quả mô hình tự quản (mô hình “Khu dân cư phòng, chống tội phạm”, “Khu dân cư nói không với ma túy”, “Khu dân cư ba không: Không tội phạm, không ma túy, không tệ nạn xã hội”...); hàng năm có trên 90% hộ gia đình, khu dân cư đăng ký và cam kết thực hiện các tiêu chí đảm bảo an ninh, thực hiện tốt quy ước, hương ước tại cộng đồng. Chất lượng môi trường văn hóa được nâng lên, các hủ tục lạc hậu từng bước được đẩy lùi; 95% hộ gia đình, khu dân cư thực hiện nghiêm túc quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Tổ chức lễ hội ở các địa phương diễn ra đảm bảo văn minh, lành mạnh, an toàn cho mọi người.
Các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở được quan tâm đầu tư. 100% khu dân cư trên địa bàn tỉnh đã có nhà văn hóa, trên 4.760 công trình thể thao gồm 11 sân vận động có khán đài, 22 sân vận động không có khán đài, 65 sân bóng đá 11 người, 432 sân bóng đá mini, 1.659 sân cầu lông, 1.752 sân bóng chuyền, 600 điểm vui chơi thể thao công cộng… Trong năm 2022, tỉnh đã khởi công xây dựng công trình Nhà Văn hóa Nghệ thuật tỉnh với tổng mức đầu tư gần 400 tỉ đồng.
Nội dung xây dựng tư tưởng chính trị lành mạnh được coi trọng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Ban Tuyên giáo các cấp đóng vai trò nòng cốt trong việc tham mưu cấp ủy chỉ đạo, định hướng triển khai đồng bộ các biện pháp công tác giáo dục chính trị tư tưởng; chủ động đấu tranh, phản bác âm mưu “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa của các thế lực thù địch. Đến nay, 100% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, khu dân cư; cán bộ, đảng viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân cơ bản nắm vững, tích cực thực hiện các nội dung về xây dựng tư tưởng chính trị; thể hiện sự nhất trí cao, thực hiện nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Tư tưởng, đạo đức và lối sống văn hóa lành mạnh từng bước được khơi dậy; các truyền thống tốt đẹp của dân tộc như “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, ý chí tự lực, tự cường... ngày càng được phát huy, nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao hướng về cơ sở được tổ chức với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, hấp dẫn. Đặc biệt, quá trình triển khai phong trào, nhiều giá trị văn hóa mới, tiên tiến được chọn lọc, tiếp thu và bồi đắp, trên cơ sở gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Đồng chí Nguyễn Việt Trung - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Để Phong trào TDĐKXDĐSVH phát triển sâu rộng, thực chất và bền vững hơn nữa, thời gian tới, cần tiếp tục tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong tổ chức thực hiện Phong trào. Mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cần coi trọng việc gắn các nội dung của Phong trào với thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh hàng năm. Đồng thời đẩy mạnh, đa dạng hóa công tác tuyên truyền để người dân nhận thức đầy đủ ý nghĩa, mục tiêu, nội dung Phong trào, từ đó phát huy tinh thần tự nguyện, tự giác và năng lực tự quản, tự làm chủ đối với những thành quả của Phong trào. Cùng với đó, tiếp tục huy động mọi nguồn lực để xây dựng và phát triển đồng bộ hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao ở cơ sở, ưu tiên các xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn của tỉnh.
Sự vào cuộc với tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị cộng hưởng cùng sự hưởng ứng, chung sức, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân đã và đang là sức mạnh, nền tảng vững chắc, tạo chuyển biến mạnh mẽ, nâng cao chất lượng Phong trào TDĐKXDĐSVH, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.