Phú Thọ: “Giữ hồn” nhạc cụ truyền thống
01/09/2021 | 10:45Phú Thọ là đất cội nguồn dân tộc. Nơi đây lưu giữ những giá trị di sản văn hóa truyền thống phong phú, đa dạng với những nhạc cụ dân gian độc đáo gắn liền với đời sống sinh hoạt của cộng đồng. Tuy nhiên, trong dòng chảy của xã hội hiện đại, một số nhạc cụ truyền thống đang đứng trước nguy cơ mai một nếu không có sự quan tâm gìn giữ của cả cộng đồng.
Độc đáo trống đất
Trống đất của người Mường xã Tân Lập, huyện Thanh Sơn có từ rất lâu đời. Theo truyền thuyết, một trong các Vua Hùng sau khi thắng trận, trên đường trở về đã cho quân sĩ hạ trại tại xã Tân Lập để khao quân, ăn mừng chiến thắng. Trong quá trình đào đất, chôn cọc dựng trại, Vua Hùng nằm nghỉ thì nghe được âm thanh của tiếng đào đất chôn cọc “thình thình” dội lại thật lạ tai nên đã nghĩ tới việc làm trống đất. Từ đó trống đất đã trở thành nhạc cụ cho ngày hội ăn mừng khao quân thắng trận.
Trải qua nhiều thăng trầm, biến cố, hiện nay trống đất chủ yếu chỉ được dùng trong các dịp hội làng hoặc biểu diễn tại một số lễ hội truyền thống. Tại xã Tân Lập, ngoài ông Đinh Hữu Tự - khu Nưa Thượng thì không còn nhiều người biết làm hay chơi loại trống đặc biệt này.
Ông Tự cho biết: Cách làm trống đất cầu kỳ, với nhiều công đoạn. Trước tiên, người làm trống cần tuyển chọn mo cau với các tiêu chuẩn như: Mo cau già, bản rộng, dai vì khi nếu ép mới có độ căng, khi khô mo cau không giãn và không ảnh hưởng tới âm thanh của trống. Thứ hai là tìm dây làm trống, nhất thiết phải là dây dò dọ (một loại cây rừng thường mọc trên các cây cọ, cây nhội và trên núi đá) mới đạt độ chắc, dai cần thiết, khi đánh dây không quá trùng hay quá căng mà tạo được âm thanh mình muốn. Tùy theo độ dài, rộng của mo cau mà điều chỉnh kích cỡ bầu hố cho phù hợp, có thể đào sâu khoảng 35 – 40cm, rộng khoảng 25 – 30cm. Hố được đào loe dưới đáy để tạo âm thanh, có tiếng vọng. Mo cau được khoan một lỗ chính ở giữa để luồn dây gõ trống. Mặt trống được ghim xuống đất bằng bốn cọc ở bốn góc, sau đó được ép phẳng kín với mặt đất. Phía trên mặt trống đóng hai que tre hoặc bương ở hai bên, cách tâm trống khoảng 1m và buộc dây dò dọ vào hai đầu que vừa đóng. Âm thanh trầm hay bổng sẽ tùy thuộc vào độ dài hay ngắn của hai bên dây với dây nối tâm trống cũng như chiều rộng hay sâu của hố đào…
Ngoài ra, đặc điểm của khu vực đất đào trống cũng tác động lên âm thanh trống. Theo đó, đất càng khô càng kêu to, chất đất cũng cần phải chặt và dẻo mịn. Nếu đất nhão hoặc đất pha cát thì không làm được trống.
Hiện nay tại xã Tân Lập, trống đất thường được biểu diễn trong các dịp lễ hội của làng: Lễ chính tiệc đình Nưa Thượng (ngày 2/2 âm lịch) và ngày lễ cúng xôi mới (10/10 âm lịch). Tại sân đình Nưa Thượng, hòa cùng âm thanh cồng chiêng, đâm đuống… người đánh trống dùng hai đũa tre gõ lên sợi dây rồi truyền qua mặt trống xuống đất tạo nên những âm thanh trầm bổng rộn ràng.
Ông Đinh Tiến Thanh – Chủ tịch UBND xã Tân Lập cho biết: Trống đất mang giá trị văn hóa độc đáo của người Mường xã Tân Lập. Tuy nhiên, do việc làm trống khá cầu kỳ, cần có không gian rộng, mặt đất bằng phẳng, âm thanh và cách biểu diễn phù hợp với các lễ hội của người Mường nên hiện nay trống đất không được phổ biến rộng rãi. Chính quyền địa phương đã triển khai một số biện pháp nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo này nhưng do nguồn kinh phí hạn hẹp nên mức lan tỏa chưa cao. Trống đất đang có nguy cơ mai một khi trong xã chỉ còn một số ít người biết làm và chơi loại nhạc cụ này.
Tiếng trống phường Xoan
Trong các loại nhạc cụ dân tộc, trống xuất hiện sớm, đa dạng về chủng loại và được sử dụng khá phổ biến. Không chỉ trong lễ hội của người Mường, trong biểu diễn Hát Xoan, trống là nhạc cụ không thể thiếu. Trong đó, trống đại hay còn được gọi là trống cầm chầu, dẫn dắt cho tiết mục. Chỉ sau khi tiếng trống nổi lên thì đào với kép mới bắt đầu hát. Trống đại thường cao khoảng 80cm, đường kính mặt trống khoảng 70cm. Trống con thì có kích cỡ nhỏ hơn với chiều cao khoảng 25cm, đường kính mặt trống khoảng 20cm. Trống dùng trong Hát Xoan có cách làm không quá cầu kỳ, hai mặt bịt da và tang trống bằng gỗ mít cùng đôi dùi.Tuy nhiên, trống lại có vai trò vô cùng quan trọng trong việc giữ nhịp cho các kép và đào hát trong toàn bộ cuộc hát. Nếu người đánh trống mà không thuần thục giữ nhịp thì ảnh hưởng rất nhiều đến không khí và chất lượng của cuộc hát…Việc sử dụng trống đại hay trống con tùy theo các chặng hát. Trống đại chỉ sử dụng trong chặng hát thứ ba –chặng hát Hội, còn trống con được sử dụng cho chặng hát cách.
Là lối hát dân gian được bắt nguồn từ tín ngưỡng truyền thống thờ cúng Thần linh, Thành hoàng và các Vua Hùng, Hát Xoan gắn với không gian thiêng là các ngôi miếu cổ và đình làng. Vào các dịp đầu Xuân năm mới, Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng, tiếng trống của các phường Xoan lại vang lên rộn rã như nhắc nhở mỗi người con Đất Tổ tưởng nhớ tổ tiên. Vì vậy, việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị của Hát Xoan luôn được các cấp, các ngành và cả cộng đồng quan tâm, chú trọng. Hiện nay, ngoài bốn phường Xoan gốc, toàn tỉnh có hàng chục câu lạc bộ Hát Xoan cấp tỉnh. Hát Xoan cũng được đưa vào truyền dạy trong các trường học, biểu diễn ở các sân khấu lớn, trở thành điểm du lịch đón các du khách trong và ngoài nước.
Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Thị Lịch – Trùm phường Xoan An Thái, xã Phượng Lâu, thành phố Việt Trì cho biết: Mỗi năm, phường Xoan được tỉnh và thành phố hỗ trợ tổng số tiền là 50 triệu đồng để duy trì hoạt động và truyền dạy. Hoạt động của phường Xoan vì thế cũng thuận lợi và được nhiều người biết đến hơn. Trước khi có dịch COVID-19, phường Xoan thường xuyên đón các đoàn du khách đến thăm quan, tìm hiểu về Hát Xoan, trong đó có đoàn khách lên đến trên 200 người đến từ khắp mọi miền Tổ quốc. Chúng tôi mong rằng, trong thời gian tới các phường Xoan tiếp tục nhận được quan tâm nhiều hơn nữa để Hát Xoan và tiếng trống phường Xoan sẽ luôn vang vọng mãi…
Những điều trăn trở
Có thể thấy, cùng là nhạc cụ truyền thống nhưng mỗi loại trống lại có sự phát triển không giống nhau. Để trống đất nói riêng hay các nhạc cụ dân tộc nói chung có thể trường tồn và phát triển với thời gian, thì sự quan tâm đầu tư của các cấp, các ngành là điều rất quan trọng.
Giảng viên Tạ Thị Thu Hiền – Trưởng Bộ môn âm nhạc – Khoa Nghệ thuật và Thể dục thể thao, Trường Đại học Hùng Vương cho biết: Trong quá trình nghiên cứu, tìm hiểu và giảng dạy về nhạc cụ dân tộc, tôi nhận thấy Phú Thọ có hệ thống các loại nhạc cụ truyền thống đa dạng, phong phú với nhiều loại hình biểu diễn độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa. Trong đó, người Mường có cồng chiêng, đâm đuống, trống đất…; người Cao Lan có trống sành, chũm chọe, kèn…; người Dao có chuông, khèn, sập xèng, trống… Tuy nhiên, các loại nhạc cụ truyền thống hiện nay phát triển khá chậm do những đòi hỏi liên quan đến không gian văn hóa và điều kiện biểu diễn thể loại âm nhạc dân gian. Nhiều nhạc cụ chỉ được dùng biểu diễn trong các dịp lễ hội ở làng, xã, ít có cơ hội giới thiệu tại các sân khấu lớn nên không được nhiều người biết đến…
Ngoài ra, một số nhạc cụ truyền thống được cho là khó làm và khó sử dụng nên không được phổ biến hoặc thương mại hóa, chưa thu hút được sự quan tâm của giới trẻ.Với sự phát triển không ngừng của xã hội đặc biệt là sự giao thoa văn hóa, giới trẻ yêu thích âm nhạc cũng có nhiều sự lựa chọn loại nhạc cụ cho mình. Vì vậy, để “giữ hồn” cho các nhạc cụ truyền thống thiết nghĩ nên có những sân chơi âm nhạc, không gian văn hóa phù hợp, kết hợp tuyên truyền quảng bá với truyền dạy để người dân hiểu và yêu trước khi quyết định gắn bó. Ngoài ra, cần thực hiện song hành việc bảo tồn nguyên gốc với phát triển, cải biên cho phù hợp với từng giai đoạn, loại hình, phù hợp với mọi đối tượng khán giả. Đặc biệt là có chính sách quan tâm, chế độ đãi ngộ phù hợp với các nghệ nhân, người truyền dạy để có thể lan tỏa nhạc âm nhạc truyền thống …
Mong rằng trong thời gian tới, những nhạc cụ truyền thống nói chung và nhạc cụ của đồng bào các dân tộc tỉnh Phú Thọ nói riêng sẽ tiếp tục phát huy những bản sắc vốn có, để có vị trí vững chắc và không ngừng phát triển trong dòng chảy của xã hội hiện đại.