Phú Thọ: Di tích lịch sử văn hóa quốc gia đình làng Do Nghĩa kêu cứu
07/08/2018 | 12:06Đình Do Nghĩa - một di tích lịch sử văn hóa quốc gia mang kiến trúc đặc trưng của xứ Đoài nằm trên địa bàn xã Sơn Vi, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ đang trong tình trạng bị xuống cấp nghiêm trọng và có nguy cơ trở thành phế tích nếu không kịp thời có biện pháp tu bổ, chống xuống cấp.
Thông tin do nhóm Đình làng Việt cho biết sau chuyến điền dã về đình làng Do Nghĩa, xã Sơn Vi, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ vào những ngày đầu tháng 8 này.
Đình Do Nghĩa đang trong tình trạng bị xuống cấp nghiêm trọng và có nguy cơ
trở thành phế tích nếu không kịp thời có biện pháp tu bổ, chống xuống cấp.
(Ảnh: ditichlichsuvanhoa.com)
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình - trưởng nhóm Đình làng Việt cho biết: Đình làng Do Nghĩa có giá trị lớn về mặt kiến trúc lịch sử văn hóa, tuy nhiên, sau mấy trăm năm tồn tại, tổng thể cột kèo đã mục, cộng thêm thời tiết mưa nhiều trong thời gian vừa qua khiến bộ mái, cùng các cấu kiện đã mục, ngậm nước - rất nguy hiểm. Cụ thể, tại vị trí một số đầu cột sát mái, nước thấm sâu vào trong thớ gỗ, gây mục, mủn các mộng, hệ thống cột kèo bị mối mọt lại phải dầm mưa dãi nắng khiến cho kết cấu ngôi đình càng trở nên yếu ớt, có thể sẽ bị đổ sập bất kỳ lúc nào. Hệ thống xà, rường của đình cũng bị mục ruỗng rất nặng nề, vì vậy khi gặp nước các kết cấu gỗ càng nhanh chóng bị mủn. Trước tình trạng hư hại trầm trọng này, đề nghị các cơ quan quản lý về di sản tại địa phương cần sớm có biện pháp kịp thời.
Đình làng Do Nghĩa nằm trên một gò đất cao của làng Do Nghĩa (xã Sơn Vi, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) được khởi dựng từ khoảng cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII, mang kiến trúc đặc trưng của xứ Đoài. Đình thờ Đại Hải Long Vương cùng thời với Tản Viên Sơn Thánh phụng sự triều đại Hùng Vương. Đình có tổng diện tích 4.636m2, kiến trúc theo kiểu chữ Đinh. Cổng đình gồm một cửa chính, hai cửa phụ. Cổng chính hình vòm, được trang trí bằng những con giống với các đường diềm, đường nét hoa văn nghệ thuật. Trong đình có nhiều hiện vật rất có giá trị như: kiệu bát cống (trang trí nghệ thuật thời Lê thế kỷ 18), kiệu văn (trang trí nghệ thuật thời Nguyễn), bộ chấp kích, 3 mâm ấu, giá văn trạm nổi Rồng chầu mặt nguyệt, chân đế đục trạm hình Rồng yên ngựa, đẳng ghế dài trang trí trạm thủng hình long li quy phượng, 1 cuốn ngọc phả 16 đạo sắc phong từ thời Lê Cảnh Hưng đến thời Nguyễn…
Là công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo, một hình ảnh mẫu mực của phong cách kiến trúc cổ truyền dân tộc, đình Do Nghĩa đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia theo quyết định số 1539-VH/QĐ ngày 27/12/1990./.
AV (t/h)