Phú Thọ: Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vùng Đất Tổ
13/09/2021 | 09:48“Là đất phát tích, cội nguồn của dân tộc Việt Nam, Phú Thọ hiện còn lưu giữ rất nhiều di sản văn hóa (DSVH), nhất là các DSVH gắn với thời đại Hùng Vương được gìn giữ và trao truyền qua nhiều thế hệ tiếp nối nhau. Những năm qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị các DSVH trên địa bàn đã được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.
Phú Thọ là một trong những địa phương có quan điểm nhất quán, xuyên suốt trong công tác quy hoạch, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản. Điều đó được thể hiện bằng việc cấp ủy, chính quyền các cấp đã có nhiều chủ trương, chính sách phù hợp theo từng giai đoạn để tiếp sức cho công tác này, giúp phát huy, nhân lên giá trị, hiệu quả các DSVH truyền thống một cách bền vững, tạo động lực mạnh mẽ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh” - Ông Nguyễn Đắc Thủy - TUV, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh khẳng định.
Chính quyền vào cuộc
Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, Phú Thọ hiện có 1.841 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được lưu giữ. Trong số đó có 318 di tích được Nhà nước xếp hạng; 345 di tích thờ Hùng Vương và các nhân vật thời Hùng Vương; 30 di tích liên quan Hát Xoan; 4 bảo vật quốc gia. Di tích lịch sử Đền Hùng được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia đặc biệt; 3 DSVH phi vật thể được UNESCO công nhận là DSVH của nhân loại là Hát Xoan Phú Thọ, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, Di sản văn hóa phi vật thể hát Ca Trù của người Việt (Phú Thọ là 1 trong 14 tỉnh được ghi danh).
Xác định bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển của địa phương, những năm qua, tỉnh đã có những chủ trương, chính sách và biện pháp tích cực trong công tác quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống một cách bền vững. UBND tỉnh đã tham mưu, chỉ đạo, phê duyệt nhiều đề án, dự án, văn bản quan trọng làm cơ sở pháp lý triển khai thực hiện. Ban hành chương trình hành động, chính sách phong tặng danh hiệu và vinh danh các nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú. Đồng thời thực hiện việc kết nối di sản văn hóa với phát triển du lịch cội nguồn, góp phần quảng bá, giới thiệu và bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa vùng Đất Tổ.
Cùng với việc xây dựng, bảo vệ hồ sơ khoa học và được UNESCO ghi danh Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan Phú Thọ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, tỉnh cũng nỗ lực xây dựng và bảo vệ thành công 10 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia gồm: Lễ hội Trò Trám, Lễ hội Đào Xá, Lễ hội Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ, Lễ hội Đền Lăng Sương, Nghi lễ cấp sắc của người Dao Quần Chẹt, Lễ hội Đền Tam Giang, Lễ hội Đền Chu Hưng, Lễ cấp sắc của người Dao Tiền, nghề làm nón lá Sai Nga, Tết nhảy của người Dao.
Tỉnh cũng tích cực thực hiện xã hội hóa trong hoạt động bảo vệ di sản nhằm khơi dậy những tiềm năng, thu hút sự tham gia đóng góp của các tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước. Trong 10 năm qua, đã có gần 200 di tích được tu bổ, tôn tạo, phục dựng; tu bổ, phục hồi 20 di tích đình, đền, miếu nơi có tục lệ Hát Xoan thờ thần vào dịp đầu Xuân, 55 di tích thờ Hùng Vương… Ước tính từ năm 2016 đến nay, nguồn vốn xã hội hóa tu bổ di tích trong toàn tỉnh đạt trên 340 tỷ đồng, chưa kể các đóng góp bằng hiện vật.
Nhiều di tích tiêu biểu là không gian văn hóa để bảo tồn, phát huy giá trị di sản được đầu tư quy hoạch, tu bổ, phục hồi, trở thành những sản phẩm du lịch - văn hóa, tạo ra những điểm, tuyến du lịch thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, đóng góp vào phát triển du lịch và kinh tế - xã hội ở địa phương, tạo được việc làm cho cộng đồng, nâng cao đời sống của người dân nơi có di tích và lễ hội như: Di tích lịch sử Quốc gia Đền Mẫu Âu Cơ (xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa), Đền Lăng Sương (xã Đồng Trung, huyện Thanh Thủy), Đình Hùng Lô (xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì), Đền Du Yến (xã Chí Tiên, huyện Thanh Ba)…
Cộng đồng chung tay
Hơn 40 năm qua, ông Nguyễn Văn Tòng - Thủ từ Đình Hùng Lô tích cực tham gia các hoạt động Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, trông coi hương khói tại đình, vận động bà con nhân dân chung tay góp sức tổ chức các hoạt động lễ hội. Ông Tòng chia sẻ: Đình Hùng Lô từ bao đời nay gắn với đời sống văn hóa tâm linh của cư dân địa phương một cách sâu sắc. Đây là không gian gắn liền với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa tâm linh. Được vinh dự giao trọng trách giữ đình, tôi luôn cố gắng học hỏi các bậc cao niên những nghi thức thờ cúng, nét văn hóa xưa; tuyên truyền để bà con nhân dân địa phương chung tay bảo quản, gìn giữ ngôi đình.
“Phải gìn giữ để mai sau còn truyền lại cho thế hệ sau về quá trình trường tồn của ngôi đình, nghi lễ, hình thức diễn xướng, các thực hành xã hội của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” - Thủ từ Nguyễn Văn Tòng tâm niệm.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống Hát Xoan, Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Thị Lịch đã có nhiều đóng góp, nỗ lực trong việc bảo tồn, gìn giữ, thực hành Hát Xoan, vận động mọi người gây dựng lại phường Xoan cổ, thành lập câu lạc bộ; tích cực truyền dạy cho con cháu trong gia đình, người dân địa phương.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch chia sẻ: Tôi cảm thấy vinh dự vì được ông cha trao truyền lại di sản văn hóa vô cùng quý báu. Bởi thế tôi luôn muốn truyền dạy những gì tinh túy nhất của làn điệu Xoan cho thế hệ trẻ, bởi chính các cháu sẽ là người gìn giữ và viết tiếp những chặng đường phát triển của Hát Xoan, để di sản Hát Xoan không chỉ sống trong lòng người dân Đất Tổ mà còn lan tỏa sâu rộng, thấm đượm trong trái tim của muôn triệu người dân Việt Nam.
Từ khi Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Phú Thọ đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Tỉnh đã tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người dân được tham gia vào các hoạt động sáng tạo văn hóa, bảo tồn các tập quán tín ngưỡng, nhất là trong các dịp Giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm. Người dân ở địa phương có đền thờ Hùng Vương tự nguyện tổ chức hoạt động tế lễ, rước kiệu về Đền Hùng, chuẩn bị các lễ vật từ đặc sản của địa phương để dâng cúng Vua Hùng và tham gia các hoạt động văn hóa dân gian.
Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng hằng năm đều được tổ chức một cách trang nghiêm thành kính với sự tham gia của nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước và thu hút hàng triệu lượt người về tham dự. Lễ Hội Đền Hùng đã trở thành một trong các lễ hội mẫu mực của cả nước, được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng bào và du khách ghi nhận, đánh giá cao.
Để gìn giữ và lan tỏa DSVH Hát Xoan trong cộng đồng, 100% trường học trong tỉnh đã đưa nội dung Hát Xoan vào chương trình giáo dục thông qua bộ môn Âm nhạc và chương trình ngoại khóa. Cùng với đó, trên 100 Câu lạc bộ Hát Xoan và Dân ca ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã được thành lập và duy trì hoạt động, góp phần lan tỏa mạnh mẽ Hát Xoan trong đời sống cộng đồng. Các phong tục tập quán, nghi lễ liên quan đến Hát Xoan và không gian trình diễn Xoan được phục hồi tại nhiều địa phương, qua đó tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.
Đồng chí Nguyễn Đắc Thủy - TUV, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định: Di sản văn hóa là tài sản quý giá của cộng đồng, là một trong những nguồn lực tiềm năng, có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược phát triển của địa phương. Trong giai đoạn tới, tỉnh tiếp tục tập trung huy động các nguồn lực thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị DSVH gắn với phát triển du lịch bền vững, quảng bá bản sắc vùng Đất Tổ. Tăng cường các hoạt động kiểm kê, nhận diện giá trị và xác định các biện pháp bảo vệ di sản, đặc biệt là các di tích liên quan đến DSVH phi vật thể đại diện của nhân loại “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” và “Hát Xoan Phú Thọ”. Đồng thời tiếp tục có những cơ chế chính sách tôn vinh, đãi ngộ các nghệ nhân, nghệ sĩ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để cộng đồng trực tiếp tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản, vừa hưởng thụ thành quả do hoạt động này mang lại. Phấn đấu lập hồ sơ từ 7 - 10 DSVH phi vật thể tiêu biểu đề nghị đưa vào danh mục di sản phi vật thể Quốc gia; 10 - 15 di tích văn hóa được xếp hạng. Qua đó, tạo nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng dân cư.