Phong trào xây dựng các danh hiệu văn hóa tiếp tục có những bước phát triển
07/06/2020 | 09:29Phối hợp phát triển văn hóa đọc, phục vụ học tập suốt đời cho người khiếm thị; Phong trào xây dựng các danh hiệu văn hóa tiếp tục có những bước phát triển; Tổng kết Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến 2020, tầm nhìn 2030 là những thông tin văn hóa và gia đình nổi bật tại các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Ninh Bình.
Hải Dương: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Hội người mù tỉnh Hải Dương sẽ phối hợp nhằm phát triển văn hóa đọc, phục vụ học tập suốt đời cho người khiếm thị.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Hội người mù tỉnh Hải Dương vừa ban hành chương trình phối hợp công tác nhằm xây dựng và phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc sách, đẩy mạnh tổ chức các dịch vụ phục vụ học tập suốt đời của người khiếm thị.
Cải thiện môi trường đọc, tăng cường vốn tài liệu và dịch vụ dành cho người khiếm thị góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, hình thành lối sống lành mạnh, phục vụ nhu cầu học tập suốt đời của người khiếm thị.
Thông qua chương trình giúp thực hiện mục tiêu nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người khiếm thị, thực hiện hiệu quả đề án "Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030" và Đề án "Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo nội dung phối hợp, hai bên sẽ xây dựng kế hoạch hàng năm, triển khai và hướng dẫn các thư viện và các cấp Hội người mù tại địa phương thực hiện kế hoạch. Phối hợp, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, thu hút sự chung tay và đóng góp từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước thúc đẩy việc tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị công nghệ thông tin, nguồn tài liệu cho các phòng đọc dành cho người khiếm thị tại các thư viện và của các cấp Hội người mù.
Hình thành môi trường thân thiện và tiện ích, hỗ trợ người khiếm thị tiếp cận thông tin và tri thức thực hiện việc học tập suốt đời. Từng bước bổ sung trang thiết bị, máy vi tính, máy scan, máy phóng đại chữ, tạo điều kiện chuyển đổi dữ liệu sang dạng phù hợp dành cho người khiếm thị.
Ngoài ra, tổ chức đào tạo hướng dẫn nghiệp vụ cho nhân viên thư viện nhằm bảo đảm triển khai các hoạt động phục vụ người khiếm thị tiếp cận thông tin và tri thức, thực hiện việc học suốt đời; tổ chức các lớp hướng dẫn cho người khiếm thị sử dụng các dịch vụ thư viện và công nghệ thông tin… Tổ chức khảo sát, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nội dung của Chương trình phối hợp tại các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Hải Dương.
Hưng Yên: Thời gian qua, triển khai thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" tại Hưng Yên đã được các cấp ủy, chính quyền cùng cả hệ thống chính trị vào cuộc quan tâm chỉ đạo triển khai, được đông đảo các tầng lớp nhân dân đồng tình ủng hộ.
Theo đó, sau 10 năm triển khai thực hiện phong trào, nhiều truyền thống tốt đẹp được gìn giữ, phát huy, lối sống văn hóa mới từng bước được hình thành. Các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể tiếp tục được bảo tồn. Các thiết chế văn hóa - thể thao được quan tâm đầu tư xây dựng. Phong trào văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao ngày càng phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Việc cưới, việc tang và tổ chức lễ hội được thực hiện theo đúng quy định, các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, tệ nạn xã hội được đẩy lùi, phát huy giá trị truyền thống của dân tộc. Chất lượng, hiệu quả của Phong trào được nâng cao, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.
Cũng theo Sở VHTTDL trong 10 năm qua, phong trào xây dựng các danh hiệu văn hóa tiếp tục có những bước phát triển, đi vào nề nếp và đạt hiệu quả thiết thực. Việc đăng ký, bình xét, công nhận danh hiệu văn hóa được thực hiện công khai, dân chủ, đảm bảo đúng quy định.
Năm 2019, toàn tỉnh có 357.157/390.336 gia đình văn hóa (đạt 91.5%); 753/851 làng, tổ dân phố văn hóa (đạt 88,5%). Qua việc thực hiện các tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, việc chấp hành pháp luật của nhân dân được nâng lên rõ rệt, tệ nạn xã được đẩy lùi, góp phần giữ gìn an ninh trật tự. Thông qua việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, thực hiện hương ước, quy ước văn hóa khu dân cư cùng với việc xây dựng, duy trì vai trò của các mô hình quần chúng tự quản an ninh trật tự như mô hình "Làng, tổ dân phố, cơ quan, doanh nghiệp, trường học an toàn – đoàn kết – văn hóa", "Khu dân cư an toàn, lành mạnh, không có tệ nạn xã hội", " Dòng họ không có tội phạm, ma túy" đã góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Ninh Bình: UBND tỉnh Ninh Bình vừa ban hành Kế hoạch tổng kết Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến 2020, tầm nhìn 2030 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Mục đích nhằm đánh giá khách quan, toàn diện những kết quả đạt được của Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam trên địa bàn tỉnh; nhận diện, phân tích những nguyên nhân, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện; đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng phát triển gia đình Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo.
Nâng cao nhận thức, kỹ năng và trách nhiệm của các cấp, ngành, các cơ quan, đơn vị, toàn thể nhân dân, từng gia đình. Đồng thời tạo được phong trào toàn xã hội thực hiện tốt công tác xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước với mục tiêu: gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc và văn minh.
Tăng cường năng lực chỉ đạo việc xây dựng các chương trình hành động kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội gắn với mục tiêu xây dựng gia đình ở các cấp.
Những năm qua, tỉnh Ninh Bình đã quan tâm, chú trọng đến công tác gia đình, qua đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, gia đình, cộng đồng và toàn xã hội, về vấn đề xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, bình đẳng, hạnh phúc, tích cực đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.