Phim Việt: Làm thế nào để nâng cao chất lượng, tìm đường ra biển lớn?
27/11/2019 | 14:26Những bộ phim truyện điện ảnh vẫn còn xa lạ với thế giới. Những phim tài liệu, phim hoạt hình đã nhiều năm qua chưa tham gia các Liên hoan phim quốc tế. Điện ảnh Việt làm thế nào để phát triển, hội nhập với thế giới? Đây là trăn trở của những người làm điện ảnh nước nhà.
Phim truyện điện ảnh: còn lại gì sau doanh thu lớn?
Chỉ ba năm trở lại đây, số lượng phim Việt Nam sản xuất và phát hành trên thị trường chiếu rạp có xu hướng tăng, chiếm khoảng 15% tổng số phim được phát hành tại rạp mang về hơn 23% tổng doanh thu phim chiếu rạp (doanh thu phim Việt hơn 700 tỷ đồng trong tổng số hơn 3000 tỷ đồng doanh thu phim chiếu rạp). Với một đội ngũ sáng tác trẻ, đa dạng trong cách thể hiện, điện ảnh Việt Nam đang có những màu sắc mới, nhiều phim thương mại doanh thu cao bên cạnh một số phim được đánh giá tốt về tay nghề, kỹ thuật, kỹ xảo. Số lượng những bộ phim nằm trong nhóm doanh thu trăm tỉ của điện ảnh Việt ngày càng tăng.
Nhưng theo nhiều nhà phê bình điện ảnh, điện ảnh Việt Nam hiện nay đang thiếu hụt trầm trọng những tác phẩm có chất lượng nghệ thuật cao, thể hiện những giá trị cốt lõi của văn hóa dân tộc. Thị trường điện ảnh sôi động hơn với sự ra đời của các hãng phim tư nhân, song kèm theo đó là sự ra đời của không ít bộ phim chiều theo thị hiếu thẩm mỹ dễ dãi của một bộ phận khán giả, nội dung xa rời thực tế đời sống, thiếu tính nhân văn, gây chú ý khán giả bằng yếu tố kinh dị, bạo lực, đồng tính, cảnh nóng trần trụi, hài nhảm, xa lạ với phong tục, tập quán, chuẩn mực đạo đức của người Việt Nam.
Theo nhà phê bình điện ảnh Tô Hoàng, hàng chục năm rồi, chất lượng điện ảnh hầu như chỉ được cân đong bằng một thước đo duy nhất: Lời hay Lỗ.
"Làm thế nào để trong các bộ phim xuất xưởng không lai căng, không vọng ngoại, in đậm bản sắc dân tộc. Đó là các bộ phim của những năm cuối thập niên 1980 và nửa đầu thập niên những năm 1990. Ở thời kỳ này các tác giả làm phim đã được hưởng không khí tự do, trở nên dám nghĩ, dám nói hơn sau khi cả nước bước vào Thời kỳ Đổi Mới. Đồng thời điện ảnh nước nhà cũng đã kịp xuất hiện một thế hệ đạo diễn, biên kịch, quay phim được trang bị kiến thức bài bản, đang vào độ "chín" của nghề nay được dịp "cất cánh". Và điều kiện cất cánh ấy được tiếp năng lượng bởi đồng tiền Tài trợ làm phim từ phía Nhà nước"- nhà phê bình Tô Hoàng cho biết.
Nhà phê bình điện ảnh Tô Hoàng điểm lại những bộ phim của thời kỳ ấy, là niềm tự hào của điện ảnh Việt Nam sau giai đoạn điện ảnh thời kỳ chống Mỹ. Đó là những "Mùa ổi", "Thương nhớ đồng quê", "Đời cát", "Người đàn bà mộng du", "Cánh đồng bất tận", "Những người thợ xẻ", "Rừng đen"… Những bộ phim ấy phản ánh con người, thân phận, văn hóa Việt Nam một thời kỳ.
Nhà phê bình Tô Hoàng cho rằng: "Không lẽ cái lạ, cái mới để hấp dẫn người xem các nước về Việt Nam chỉ là những băng đảng chém giết nhau máu khô, máu tươi, máu thật máu giả nhuộm đỏ màn ảnh đến như thế? Chả lẽ cái mới, cái lạ của Việt Nam được thể hiện ở cảnh vợ lớn mách vợ bé cách làm tình để đức ông chồng được thỏa mãn? Chả lẽ phim chúng ta chuyển thông điệp cho người xem năm châu bốn biển rằng, vì tình mẫu tử, một người mẹ Việt Nam đã phô diễn mọi ngón võ trừng trị đối thủ từ trên ghe thuyền miền tây, qua các ngõ ngách Sài Gòn đến trong các toa xe lửa của con tầu đang lăn bánh? Những ví dụ như vậy còn có thể kể ra đây nhiều hơn nữa"!
Phim Tài liệu Việt vắng bóng
Theo ông Nguyễn Như Vũ, Quyền Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, những năm 1998, 1999, 2000, 2001 và 2005 phim tài liệu Việt Nam liên tiếp giành giải phim tài liệu xuất sắc tại Liên hoan phim châu Á -Thái Bình Dương. Việt Nam đã trở thành cường quốc phim tài liệu tại khu vực.
Nhưng kể từ đó tới nay phim tài liệu Việt Nam vắng bóng dần trên màn ảnh quốc tế. Với chức năng nhiệm vụ chính là tuyên truyền, các bộ phim tài liệu được sản xuất bởi các Hãng phim Nhà nước thường có chung đặc điểm là luôn có thuyết minh dẫn khán giả suy nghĩ theo hướng đã định sẵn và âm thanh hiếm khi đồng bộ với hình ảnh. Thỉnh thoảng phim tài liệu Việt Nam được tham gia Tuần phim Việt Nam do Cục Điện ảnh tổ chức tại nước ngoài.
Điện ảnh tài liệu Việt Nam đang có nhiều sự quan tâm của nhà nước về cơ sở vật chất, hệ thống máy móc hiện đại, tuy nhiên để nâng cao chất lượng điện ảnh tài liệu Việt nam trong hội nhập quốc tế, theo ông Nguyễn Như Vũ, cần có một số thay đổi.
"Trước hết về con người. Đội ngũ được đào tạo tại nước ngoài đã dần vắng bóng. Chế độ đãi ngộ không thu hút được người tài về Hãng Phim Tài liệu làm việc. Bên cạnh đó, công đoạn kiểm duyệt từ kịch bản đến hoàn thành phim có nhiều rắc rối chồng chéo, chậm chạp ảnh hưởng tới việc làm phim. Tình hình giải ngân chậm chạp ảnh hưởng tới đời sống, tâm lý nghệ sĩ"- Ông Nguyễn Như Vũ chia sẻ.
Cũng theo ông Nguyễn Như Vũ, trong tình hình như vậy Hãng phim Tài liệu Khoa học Trung ương những năm qua vẫn cố gắng bươn trải tự lo lương và kinh phí sản xuất phim và luôn hoàn thành kế hoạch sản xuất phim tài liệu, phim khoa học. Hãng phim vẫn đều đặn giành nhiều giải thưởng tại Liên hoan phim quốc gia. Tuy nhiên việc vắng bóng phim tài liệu Việt Nam trên màn ảnh quốc tế vẫn là nỗi trăn trở của anh em nghệ sĩ Hãng phim Tài liệu Khoa học Trung ương.
Làm sao để đủ sức hội nhập?
Trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, điện ảnh Việt Nam cần phải xây dựng cho mình một "thương hiệu" riêng và thương hiệu ấy trước hết phải gắn liền với bản sắc văn hóa dân tộc.
Điện ảnh, giống như các loại hình nghệ thuật khác, là tấm gương phản ánh cuộc sống. Một tác phẩm điện ảnh chỉ có sức sống lâu bền khi chứa đựng trong nó giá trị nghệ thuật, giá trị nhân văn sâu sắc. Một nền điện ảnh dân tộc chỉ có chỗ đứng trong nền điện ảnh thế giới khi nó không chỉ chứa đựng tính quốc tế vốn có của điện ảnh, mà còn phải chứa đựng những giá trị cốt lõi thuộc về bản sắc văn hóa để làm nên thương hiệu điện ảnh của quốc gia dân tộc.
Bên cạnh đó, nguồn nhân lực điện ảnh (biên kịch, đạo diễn, diễn viên…) có tài năng nổi trội, làm việc chuyên nghiệp, khoa học, được đào tạo bài bản như điện ảnh phương Tây và am hiểu văn hóa dân tộc rất hiếm hoi. Bởi vậy, câu chuyện nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là cần thiết.
Ngoài ra, thực tiễn đang đặt ra cho các đơn vị hữu quan trách nhiệm phải có kế hoạch tổ chức sản xuất và phát hành thật tốt những phim Nhà nước đặt hàng cũng như tham mưu cho những nhà làm phim tư nhân, đừng thả nổi họ theo kiểu ăn xổi như hiện nay, để việc sản xuất phim hằng năm ít nhất cũng có được sự đa dạng về đề tài, từ đó nâng cao chất lượng về nghệ thuật. Như thế mới mong có được những tác phẩm đáp ứng được sự chờ đợi của công chúng trong nước, đồng thời đủ sức hướng tới việc hội nhập với thế giới./.