Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa Địa điểm Hội thề Lũng Nhai

18/03/2020 | 09:19

Phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa Địa điểm Hội thề Lũng Nhai; Dừng tổ chức các lễ hội; Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang là những thông tin chỉ đạo điều hành đáng chú ý tại Thanh Hóa.

Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa địa điểm Hội thề Lũng Nhai - Ảnh 1.

Khu vực được xác định là nơi diễn ra hội thề Lũng Nhai/Dân trí

Bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa Địa điểm Hội thề Lũng Nhai

UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 916/QĐ-UBND phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa Địa điểm Hội thề Lũng Nhai và các di tích liên quan gắn với phát triển du lịch tại xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân.

Việc quy hoạch nhằm bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa địa điểm Hội thề Lũng Nhai và văn hóa địa phương; Khai thác có hiệu quả các tiềm năng du lịch phong phú góp phần gìn giữ, phát huy giá trị các di tích, danh thắng, các yếu tố văn hóa lâu đời tại khu vực lập quy hoạch. Đồng thời tạo điểm đến du lịch, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân.

Địa điểm lập quy hoạch tại 3 khu vực gồm Khu vực địa điểm Hội thề Lũng Nhai; Khu mộ "Nghĩa quân" Lam Sơn và miếu Phụng Dưỡng có mối quan hệ về lịch sử - văn hóa thuộc xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuyên.

Dừng tổ chức các lễ hội trên địa bàn tỉnh

UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Công văn số 2872/UBND-VX gửi Sở VHTTDL; UBND các huyện, thị xã, thành phố; Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Thanh Hóa về việc dừng tổ chức các lễ hội trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố và Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Thanh Hóa thực hiện nghiêm Công điện số 463/CĐ-BVHTTDL ngày 6/2/2020 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, không tổ chức các hoạt động lễ hội. Đối với các lễ hội truyền thống (lễ hội tại các di tích lịch sử - văn hóa), các tổ chức, cá nhân được giao quản lý trực tiếp tại di tích chỉ tổ chức lễ dâng hương theo nghi lễ truyền thống với quy mô nhỏ, thời gian không quá 30 phút và số lượng người tham dự hạn chế; đồng thời, triến khai nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng chỉ đạo, yêu cầu tại Chỉ thị, Công điện của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch UBND tỉnh và hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Sở VHTTDL phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện dừng hẳn các lễ hội và việc đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống dịch Covid - 19 tại các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh theo quy định.

Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang

Sở VHTTDL Thanh Hóa đã có công văn số 746/SVHTTDL-NSVHGD gửi các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang để tích cực phòng chống có hiệu quả dịch Covid-19 hiện nay.

Cụ thể, tập trung thực hiện một số nội dung trọng điểm bao gồm: Tuyên truyền tới đông đảo quần chúng nhân dân, cán bộ, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị, địa phương có kế hoạch tổ chức lễ cưới cho bản thân, con, cháu nên cân nhắc lựa chọn thời điểm tổ chức lễ cưới phù hợp; hạn chế tổ chức lễ cưới trong thời điểm dịch bệnh Covid -19 diễn biến phức tạp. Trong trường hợp vẫn tổ chức lễ cưới theo kế hoạch đã định, các cơ quan ban ngành, các cấp chính quyền địa phương cần có biện pháp tuyên truyền, vận động, khuyến khích các gia đình tổ chức lễ cưới một các gọn nhẹ, hạn chế số lượng người tham dự ở mức thấp nhất, khuyến khích dùng hình thức báo hỷ thay cho giấy mời, không mời khách tỉnh ngoài, huyện ngoài khi chưa nắm được thông tin về nguy cơ lây nhiễm bệnh của khách; giảm tối đa các bước thủ tục, thời gian tổ chức lễ cưới, hạn chế tối đa việc tổ chức ăn uống đông người, dài ngày.

Bên cạnh đó, cần áp dụng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của cơ quan y tế tại lễ cưới như: tiêu độc, khử trùng; vệ sinh môi trường quanh khu vực tổ chức lễ cưới; lau rửa bàn ghế, vật dụng phục vụ lễ cưới bằng dung dịch sát khuẩn hoặc xà phòng, chuẩn bị khẩu trang, xà phòng, nước rửa tay sát khuẩn, dung dịch sát khuẩn xịt họng… Trong trường hợp người tham dự lễ cưới có tiền sử đến và đi qua vùng có dịch, có tiền sử tiếp xúc với người dương tính với Covid-19 mới được ghi nhận hoặc với người có tiếp xúc với đối tượng nhiễm bệnh trong vòng 14 ngày, gia đình tổ chức lễ cưới phải khai báo cho cơ quan y tế và chính quyền địa phương nơi cư trú biết để thực hiện các biện pháp cách ly.

Đối với lễ tang, các gia đình cần tổ chức lễ tang cho người quá cố một cách gọn nhẹ, hạn chế việc kéo dài thời gian, đồng thời có hình thức thông báo phù hợp với người thân, bạn bè về hình thức đón, tiếp khách phúng viếng, hạn chế đến mức thấp nhất việc tập trung đông người tại gia chủ, khu vực diễn ra tang lễ. Ngoài ra, các gia đình khi có đám tang, việc tổ chức lễ tang cần thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid -19 phù hợp, bảo đảm theo quy định của Bộ Y tế; thực hiện khai báo với cơ quan y tế, chính quyền địa phương đối với khách đến viếng đám tang có tiền sử đến và đi qua vùng có dịch, có tiền sử tiếp xúc với người dương tính với Covid-19 mới được ghi nhận hoặc với người có tiếp xúc với đối tượng nhiễm bệnh trong vòng 14 ngày./.

Thanh Thủy (t/h)

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×