Phê duyệt Đề án cơ cấu lại ngành du lịch tỉnh Vĩnh Long đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế quan trọng đến năm 2025
11/10/2022 | 08:39Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long đã có Quyết dịnh phê duyệt Đề án cơ cấu lại ngành du lịch tỉnh Vĩnh Long đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế quan trọng đến năm 2025.
Theo Đề án, mục tiêu chung của tỉnh là tập trung thực hiện Nghị quyết 01-NQ/TU ngày 06/11/2015 của Tỉnh ủy Vĩnh Long về phát triển du lịch giai đoạn 2015 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long nhiệm kỳ 2020 - 2025 phát triển du lịch của tỉnh Vĩnh Long trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo bước đột phá về du lịch của tỉnh.
Trong đó, tập trung trọng tâm 03 nội dung gồm: Xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng và phát triển nhân lực lĩnh vực du lịch; phát triển cơ sở hạ tầng, công trình trọng điểm thúc đẩy phát triển du lịch; Hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư, mời gọi nhà đầu tư xứng tầm đầu tư các dự án khu, điểm du lịch quy mô; qua đó thay đổi mạnh mẽ diện mạo, hình ảnh du lịch của tỉnh làm tiền đề và động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Tỉnh đề ra mục tiêu, đến năm 2025 ngành du lịch đóng góp đạt 3% GRDP của tỉnh. Tổng lượt khách du lịch ước đạt 1.630.000 lượt, doanh thu du lịch ước đạt trên 1.000 tỷ đồng. Đến năm 2030, ngành du lịch đóng góp đạt trên 3% GRDP của tỉnh. Tổng lượt khách du lịch ước đạt 3.090.000 lượt, doanh thu du lịch ước đạt khoảng 2.900 tỷ đồng.
Đề án tập trung thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu về Cơ cấu lại thị trường khách du lịch (Tăng khách du lịch từ các thị trường truyền thống và khai thác thêm thị trường); Tổ chức lại không gian phát triển du lịch (với 4 cụm gồm: Cụm 1: Trung tâm Thành phố Vĩnh Long và phụ cận; Cụm 2: Các xã cù lao An Bình (huyện Long Hồ); Cụm 3: Huyện Mang Thít, huyện Vũng Liêm; Cụm 4: Bình Minh, Bình Tân, Tam Bình, Trà Ôn); đào tạo nhân lực du lịch và giáo dục cộng đồng; xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch (tập trung 02 sản phẩm du lịch trọng điểm: Đề án Di sản đương đại Mang Thít và Đề án Bảo tàng Nông nghiệp vùng ĐBSCL); xây dựng và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch; phát triển mạng lưới cơ sở vật chất phục vụ khách du lịch; phát triển Hệ thống cơ sở dịch vụ thương mại; đầu tư phát triển hạ tầng du lịch; đổi mới tuyên truyền quảng bá du lịch.
Đề án cũng xác định tập trung các giải pháp về nâng cao năng lực quản lý nhà nước cho đội ngũ quản lý; năng lực chuyên môn cho đội ngũ lao động du lịch. Tăng cường phối hợp giữa các ngành trong tỉnh, liên kết vùng. Xây dựng các sản phẩm du lịch. Bảo vệ tôn tạo tài nguyên, môi trường du lịch. Về cơ chế chính sách, quy hoạch. Giải pháp về nguồn vốn. Về xúc tiến quảng bá du lịch.
UBND tỉnh phân công các sở, ban, ngành liên quan và các địa phương tổ chức thực hiện Đề án; đồng thời giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan tổ chức triển khai thực hiện Đề án; định kỳ báo cáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh tiến độ thực hiện Đề án.