Phát triển thư viện số góp phần xây dựng xã hội học tập và nâng cao năng lực số cho thế hệ trẻ
17/07/2025 | 10:16Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã làm thay đổi cách thức hoạt động của các thư viện truyền thống, mở ra xu hướng thư viện số trong tương lai. Từ đó góp phần hình thành mạng lưới thư viện hiện đại, xây dựng xã hội học tập và nâng cao năng lực số cho thế hệ trẻ.
Xu hướng tất yếu
Trước đây, thư viện chỉ đơn thuần gói gọn trong chức năng lưu trữ và cho mượn sách. Tuy nhiên trong nền kinh tế tri thức hiện nay, các thư viện không chỉ trở thành môi trường học tập và trung tâm kiến thức cho người dùng tin, mà còn phổ biến kiến thức cho người dùng tin ở bất kỳ đâu. Một thách thức đặt ra trong hoạt động vận hành thư viện là sự gia tăng khối lượng của tài liệu, giấy tờ, sách vở...
Thêm nữa, kỷ nguyên công nghệ 4.0 mở ra thời đại mà ở đó sách và tài liệu giấy không còn ở vị trí độc tôn. Thư viện đã không còn là sự lựa chọn duy nhất khi muốn tìm kiếm và tra cứu thông tin. Cùng với đó, con người trong xã hội hiện đại ngày càng có xu hướng sử dụng các tài liệu điện tử, số hóa với vô vàn lợi ích vượt trội.

Sách và tài liệu giấy sẽ dần được số hóa để phục vụ nhu cầu bạn đọc
Như vậy, với xu thế phát triển và hội nhập, bài toán số hóa cũng được đặt ra trong hoạt động của các thư viện tại Việt Nam, bao gồm thư viện công cộng, thư viện trường học... Và không ít thư viện đã lựa chọn cách chuyển mình từ thư viện truyền thống sang thư viện số.
Thư viện số hay còn gọi là thư viện điện tử là nguồn thông tin được cung cấp cho người đọc ở dạng số. Thư viện số là nơi không chỉ cho bạn đọc tra cứu danh mục mà còn đọc toàn văn, tải về toàn văn các sách, tư liệu giữa các thư viện số. Ngoài ra, nó cho phép độc giả truy cập bất cứ nơi đâu khi họ có thiết bị đầu cuối kết nối với Internet, tăng khả năng truy tìm thông tin, giảm thời gian đi lại và chi phí làm thẻ thư viện.
Cùng với việc phát triển thư viện số, vai trò của thủ thư cũng có sự thay đổi. Họ sẽ trở thành người lựa chọn, bổ sung, bảo quản, tổ chức và quản lý các bộ sưu tập số, thiết kế kết cấu kỹ thuật cho thư viện số, mô tả nội dung và thuộc tính của đầu mục hoặc đối tượng, lập kế hoạch, thực hiện và hỗ trợ các dịch vụ số như định hướng thông tin, tư vấn và chuyển giao…. Tất cả khiến công việc của các "thủ thư số" trở nên tiện lợi và nhanh chóng hơn trước kia rất nhiều.
Như vậy có thể thấy rằng, chuyển đổi số trong lĩnh vực thư viện là xu thế tất yếu nhằm thỏa mãn nhu cầu tra cứu tài liệu từ xa, đọc sách trên mạng của độc giả. Việc chuyển đổi số còn giúp lưu giữ tài liệu cổ, giá trị và giúp nhiều người dễ dàng tiếp cận với kho sách của thư viện; đồng thời tăng hiệu quả công việc của người làm thư viện.
Theo Nghị quyết số 162/2024/QH15 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035, mục tiêu đến năm 2035 đạt 09 nhóm mục tiêu cụ thể, trong đó có mục tiêu "Hoàn thiện Thư viện số quốc gia, xây dựng thư viện thông minh, mở rộng kết nối, tích hợp dữ liệu với các thư viện trong mạng lưới thư viện Việt Nam và quốc tế".
Vai trò quan trọng và lợi ích thiết thực
Không nằm ngoài xu hướng và yêu cầu tất yếu chung, chuyển đổi số thư viện và liên thông hệ thống thư viện ở Việt Nam đã được nhận thức từ trước đó. Trong các văn bản pháp lý như Luật Thư viện 2019, việc chuyển đổi số, phát triển thư viện số, và liên thông thư viện đã được đề cập và yêu cầu thực hiện.
Tiếp đó, để cụ thể hóa các nội dung liên quan đã được quy định trong Luật Thư viện 2019 và Nghị định số 93/2020/NĐ-CP Nghị định Quy định chi tiết một số điều của Luật Thư viện, ngày 11/02/2021 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 206/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình chuyển đổi số ngành Thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Giao diện Thư viện số của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP Hồ Chí Minh
Triển khai thực hiện Chương trình chuyển đổi số ngành Thư viện, Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã ký Quyết định số 2175/QĐ-BVHTTDL ngày 23/7/2021 ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình chuyển đổi số ngành Thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Bộ VHTTDL, với 10 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.
Điều này chứng tỏ, nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số và liên thông thư viện đã được nâng lên thành các chủ trương, chính sách cụ thể. Việc xây dựng các thư viện số nhằm đáp ứng xu thế chung của thời đại nhằm đưa hoạt động của hệ thống thư viện phát triển bền vững, đồng thời vẫn bảo đảm chức năng là nguồn cung cấp tri thức căn bản, phục vụ nhu cầu bạn đọc và lưu giữ tài liệu cho các thế hệ mai sau. Ngoài ra, thực hiện chuyển đổi số trong thư viện còn hướng đến xây dựng nền tảng mở để cộng đồng, doanh nghiệp cùng tham gia. Từ đó tạo ra một hệ sinh thái thư viện thông tin Quốc gia góp phần trong tiến trình xây dựng, phát triển thành phố thông minh trong thời đại 4.0.
Một trong những lợi ích dễ nhìn thấy nhất mà chuyển đổi số thư viện mang lại là giúp thu hẹp khoảng cách giữa đồng bằng và miền núi, thành thị và nông thôn, đặc biệt là trong việc hưởng thụ những giá trị văn hóa. Ở khía cạnh này, thư viện là một trong những chủ thể tiên phong trong chuyển đổi số. Đây cũng là nhiệm vụ quan trọng trong lĩnh vực văn hóa và cần được ưu tiên thực hiện, bởi thư viện chính là địa điểm cung cấp, nâng cao tri thức cho người dân trong cộng đồng.
Bên cạnh đó, chuyển đổi số thư viện còn mang lại nhiều lợi ích, bao gồm việc nâng cao hiệu quả hoạt động, từ việc quản lý tài liệu đến tối ưu hóa quy trình; tăng cường khả năng tiếp cận thông tin; tạo ra hệ sinh thái thư viện thông minh và thúc đẩy phát triển văn hóa đọc.
Có thế nói rằng, chuyển đổi số thư viện mang lại những giá trị thiết thực, làm thay đổi vị thế và hoạt động căn bản, toàn diện của thư viện, có đóng góp tích cực trong thành tựu phát triển của văn hóa cộng đồng.
Nâng cao năng lực số và xây dựng xã hội học tập
Mục đích cuối cùng của chuyển đổi số trong ngành thư viện chính là để xây dựng dữ liệu mở cho người dân, cộng đồng, doanh nghiệp cùng tham gia. Qua đó góp phần xây dựng hệ sinh thái dữ liệu mở về thư viện và mạng thông tin thư viện quốc gia, xây dựng thành phố thông minh và xây dựng xã hội học tập.
Một số nghiên cứu cho thấy, sách điện tử thu hút được sự chú ý và tham gia của học sinh nhiều hơn, nếu khai thác đúng cách sẽ phát huy được sự tập trung, tính tương tác cũng như đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn sách, trong đó có sách điện tử đang phụ thuộc nhiều vào điều kiện, môi trường sống và học tập của mỗi cá nhân.

Chuyển đổi số thư viện góp phần tăng cường khả năng tiếp cận thông tin cho người dùng tin
Với mong muốn mang đến cơ hội và những trải nghiệm đọc sách tốt nhất cho trẻ em, không phân biệt điều kiện, vùng miền, dân tộc, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF) đã phối hợp với Thư viện số toàn cầu (Global Digital Library) và Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam xây dựng Thư viện số miễn phí cho trẻ em Việt Nam. Dự án được tài trợ bởi Chính phủ Na Uy, bắt đầu từ tháng 9/2022 đến nay. Thư viện số này hướng tới việc số hóa và cung cấp kho tàng sách, truyện thiếu nhi, tài liệu học tập chất lượng cao, dễ tiếp cận trên môi trường số, đặc biệt là cho trẻ em ở các vùng khó khăn.
Thư viện có hơn 3.000 sản phẩm sách ở các định dạng và ngôn ngữ khác nhau, trong đó tập trung vào Tiếng Việt, 8 ngôn ngữ dân tộc thiểu số của Việt Nam bao gồm: Ba Na, Chăm, Ê-đê, Gia Rai, Khmer, Mơ Nông, H'Mông, Thái cùng tiếng Anh và ngôn ngữ kí hiệu.
Thư viện số miễn phí không chỉ là công cụ hỗ trợ mạnh mẽ giúp trẻ em, đặc biệt là những em ở vùng khó khăn, dễ dàng tiếp cận tri thức, mà còn thúc đẩy phong trào đọc sách, khuyến khích sự tham gia của các em học sinh, giáo viên, nhà trường và các bậc phụ huynh. Từ đó, cùng xây dựng một cộng đồng đọc sách tích cực và thúc đẩy văn hóa đọc trong toàn xã hội.
Cùng với đó, chương trình "Chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" hướng tới mục tiêu ứng dụng mạnh mẽ, toàn diện công nghệ thông tin, nhất là công nghệ số nhằm nâng cao năng lực hoạt động của các thư viện và hình thành mạng lưới thư viện hiện đại; bảo đảm cung ứng dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người sử dụng; thu hút đông đảo người dân quan tâm, sử dụng dịch vụ thư viện, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập.
Gần đây nhất, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng ban hành Thông tư số 02/2025/TT-BGDĐT quy định Khung năng lực số cho người học bao gồm 6 miền năng lực với 24 năng lực thành phần, được chia thành 4 trình độ từ cơ bản đến chuyên sâu theo 8 bậc. Khung năng lực này giúp xác định các mức độ thành thạo về công nghệ số và khuyến khích phát triển các kỹ năng phù hợp trong bối cảnh số hóa, mở ra cánh cửa của sự đổi mới sáng tạo, giúp học sinh, sinh viên trở thành những công dân toàn cầu.
Chính vì vậy, việc phát triển thư viện số và tập huấn, trang bị cho học sinh kỹ năng khai thác, sử dụng kho tri thức trên nền tảng số ngay từ những năm tháng đầu tiên trên ghế nhà trường là bước chuẩn bị cần thiết, mang tính bền vững để bồi đắp, hình thành năng lực số cho thế hệ trẻ Việt Nam./.