Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù - Đòn bẩy cho du lịch tỉnh Vĩnh Long
24/08/2021 | 08:55Vĩnh Long được biết đến là địa phương có nhiều lợi thế về nguồn tài nguyên thiên nhiên và nhân văn. Thời gian qua, ngành du lịch tỉnh Vĩnh Long đã và đang chủ động tạo ra những sản phẩm du lịch đặc thù, độc đáo và mới lạ nhằm tạo sự khác biệt so với sản phẩm du lịch của các địa phương để thu hút du khách.
Với định hướng phát triển đúng với tiềm năng của địa phương, trong những năm gần đây, hoạt động du lịch của tỉnh đã đạt được một số thành tựu đáng kể, đóng góp chung cho sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Năm 2019, Vĩnh Long đón 1,5 triệu lượt, doanh thu đạt 525 tỷ đồng.
Ngày 03/11/2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long ban hành Quyết định số 2998/QĐ-UBND phê duyệt Đề án xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, nhằm xây dựng sản phẩm du lịch mang nét đặc thù của tỉnh, làm cơ sở liên kết vùng nhằm khai thác có hiệu quả lợi thế và tiềm năng cho phát triển du lịch, làm cơ sở liên kết vùng, đồng thời nâng cao sức cạnh tranh của du lịch tỉnh.
Đề án xác định 04 sản phẩm du lịch đặc thù, gồm: Du lịch homestay (tham quan, lưu trú, trải nghiệm cuộc sống, sinh hoạt của cư dân địa phương...); Du lịch Nông nghiệp (tham quan vườn trái cây, trải nghiệm một ngày làm nông dân...); Du lịch Làng nghề (tham quan, trải nghiệm công đoạn làm sản phẩm của các làng nghề như gốm, đan đát, dệt chiếu); Du lịch Văn hóa (tham quan tìm hiểu văn hóa,lịch sử, thân thế và sự nghiệp các danh nhân...). Trong đó sản phẩm du lịch đặc thù chủ lực là Du lịch homestay.
Để phát triển thương hiệu cho sản phẩm du lịch đặc thù đảm bảo đạt hiệu quả, tỉnh đề ra nhiều giải pháp phù hợp, sát với tình hình thực tế của địa phương như: Tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch (giao thông thủy, bộ) gắn với xây dựng nông thôn mới phục vụ phát triển du lịch, nhất là xây dựng hệ thống các bến tàu khách du lịch đạt chuẩn, các khu, điểm quy hoạch phát triển du lịch; xây dựng mới, chỉnh trang các cơ sở du lịch đạt chuẩn; liên tục phát triển sản phẩm du lịch mới, chất lượng cao gắn với bảo vệ môi trường theo hướng bền vững; xây dựng chuỗi cung ứng sản phẩm, dịch vụ đạt chuẩn đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Đồng thời, có chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển du lịch theo hướng du lịch sinh thái sông nước kết hợp với du lịch văn hoá, danh nhân, trang trại, làng nghề, mua sắm, vui chơi giải trí, trải nghiệm đời sống không gian lúa nước.
Đặc biệt, giải pháp xây dựng thương hiệu sản phẩm du lịch đặc thù với việc tập trung mọi nguồn lực để hỗ trợ nâng cao chất lượng và chuỗi giá trị các sản phẩm du lịch của địa phương; đa dạng các kênh phân phối thông qua các cơ sở kinh doanh du lịch. Thường xuyên kiểm tra chất lượng dịch vụ thông qua thăm dò ý kiến của du khách đối với chương trình tour và các hoạt động phụ trợ, trải nghiệm, giải trí kèm theo, qua đó kịp thời điều chỉnh, nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ du khách ngày một tốt hơn. Khuyến khích việc thành lập các chi nhánh, đại lý du lịch để giới thiệu sản phẩm du lịch của tỉnh trên toàn quốc dựa trên cơ sở phân tích và đưa ra những định hướng chiến lược hợp lý.
Với sự quan tâm đầu tư, xây dựng và khai thác sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh một cách hiệu quả, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của du lịch Vĩnh Long, tăng lượng khách và doanh thu cho ngành du lịch trong thời gian tới. Thông qua phát triển sản phẩm du lịch đặc sẽ là đòn bẩy cho phát triển du lịch tỉnh Vĩnh Long. Ngành Du lịch đặt mục tiêu phấn đấu giai đoạn từ năm 2021 – 2025, lượng khách tăng trung bình 9%/năm, doanh thu tăng bình quân 25%/năm; giai đoạn 2026 - 2030 lượng khách tăng trung bình 10%/năm, doanh thu tăng bình quân 30%/năm. Ông Nguyễn Trọng Tín - Trưởng phòng Quản lý Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Long cho biết: Việc xác định 04 sản phẩm đặc thù của tỉnh gồm du lịch nông nghiệp, du lịch văn hóa, du lịch homestay và du lịch làng nghề có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng cho sự phát triển lâu dài, nâng cao tính cạnh tranh của các sản phẩm du lịch của Vĩnh Long so với các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL, đồng thời thuận lợi cho công tác mời gọi đầu tư lĩnh vực du lịch.
Cũng theo ông Nguyễn Trọng Tín ngoài những nội dung về tỷ lệ tăng trưởng du lịch cũng như lượt khách đến Vĩnh Long như mục tiêu Đề án đặt ra, khi xác định các sản phẩm đặc thù của tỉnh thì về phía địa phương, từ các cơ quan quản lý nhà nước đến doanh nghiệp, nhân dân chung tay quảng bá hình ảnh sản phẩm đặc thù thông qua tuyên truyền, giới thiệu và sử dụng sản phẩm đặc thù để tiếp đón, chiêu đãi, quảng bá và tạo kênh phân phối sản phẩm phẩm du lịch đặc thù phục vụ du khách với chiến dịch là “Người Vĩnh Long tuyên truyền, ưu tiên sử dụng các sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh”. Thêm vào đó, du khách sẽ dễ dàng nhận diện sản phẩm, đánh giá sản phẩm, ấn tượng sản phẩm và mua sản phẩm, khi sản phẩm được công chúng và du khách đánh giá cao thì sẽ có thương hiệu. Giai đoạn này công tác truyền thông và chất lượng phục vụ tại các cơ sở phục vụ du lịch luôn đi đôi và giữ vai trò quan trọng để xây dựng thương hiệu, từng bước hoàn thiện các thủ tục xây dựng thương hiệu theo quy định nhà nước nhằm bảo vệ và phát huy hiệu quả của thương hiệu du lịch Vĩnh Long.
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp có tác động tích cực cho ngành dịch vụ cùng phát triển, góp phần thực hiện công tác đối ngoại, quảng bá nét đẹp quê hương và con người Vĩnh Long đến bạn bè trong nước và quốc tế, tạo điều kiện giải quyết việc làm, tăng thu nhập, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Hy vọng rằng với sự quan tâm của các ngành, các cấp, sự nỗ lực của ngành du lịch và các đơn vị, địa phương, trong thời gian tới du lịch tỉnh Vĩnh Long sẽ tiếp tục phát triển theo hướng chuyên nghiệp gắn với nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch đặc thù, từng bước tạo dựng và khẳng định được thương hiệu tạo sự lan tỏa, tăng sức cạnh tranh thu hút du khách trong nước và quốc tế đến với đất Vĩnh.