Phát triển mô hình làng nghề - du lịch và làng di sản - du lịch khu vực Đồng bằng sông Hồng
20/06/2020 | 17:59Phát triển mô hình làng nghề - du lịch và làng di sản - du lịch trong khu vực Đồng bằng sông Hồng; Đồ Sơn ước đón hơn 700 nghìn lượt khách du lịch; Tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh du lịch là những thông tin về du lịch nổi bật tại Hưng Yên, Hải Phòng, Ninh Bình.
Hưng Yên: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa phối hợp với Trường đại học Xây dựng (Hà Nội) tổ chức hội thảo phát triển mô hình làng nghề - du lịch và làng di sản - du lịch trong khu vực đồng bằng sông Hồng.
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận một số vấn đề về phát triển làng nghề gắn với du lịch trong các tỉnh, thành phố cụm Đồng bằng sông Hồng như: Tiềm năng du lịch và định hướng phát triển sản phẩm du lịch của tỉnh Hưng Yên; một số định hướng phát triển các sản phẩm du lịch tại làng Nôm, xã Đại Đồng (Văn Lâm); phát triển các sản phẩm du lịch tại làng nghề đan đó xã Thủ Sỹ (Tiên Lữ); xây dựng mô hình làng nghề - du lịch, làng di sản - du lịch trong các làng xã khu vực Đồng bằng sông Hồng; phát triển sản phẩm du lịch phi vật thể dựa trên giá trị văn hóa; sản phẩm du lịch nhà ở truyền thống tại vùng đồng bằng sông Hồng...
Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, các công ty lữ hành tham gia hội thảo, tỉnh Hưng Yên có tiềm năng phong phú, đa dạng để phát triển loại hình du lịch làng nghề, du lịch di sản. Tuy nhiên, hiện nay loại hình du lịch này trên địa bàn phát triển chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh; sản phẩm làng nghề tuy phong phú nhưng chưa có sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng; hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch hạn chế...
Vì thế, để phát triển loại hình làng di sản - du lịch và làng nghề - du lịch trên địa bàn tỉnh cần đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến nét đẹp văn hóa làng nghề, nét văn hóa cổ xưa của làng quê trên địa bàn tỉnh; đầu tư cơ sở hạ tầng và mở rộng dịch vụ phục vụ khách du lịch; tuyên truyền vận động người dân tại một số làng nghề, làng cổ gìn giữ nét văn hóa truyền thống của địa phương; xây dựng các sản phẩm làng nghề đặc trưng thu hút khách du lịch...
Hải Phòng: Thông tin từ phòng Du lịch, Văn hóa và Thông tin quận Đồ Sơn cho biết, 6 tháng đầu năm, du lịch Đồ Sơn ước đón hơn 700 nghìn lượt khách, đạt 26,8% kế hoạch và bằng 48,4% so với cùng kỳ.
Trước đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, du lịch Đồ Sơn chịu ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, từ đầu tháng 5, Đồ Sơn bắt đầu đón du khách trở lại. Với quyết tâm xây dựng hình ảnh khu du lịch Đồ Sơn sạch đẹp, văn minh để thu hút du khách, quận Đồ Sơn tiếp tục chấm dứt cho thuê khu vực vỉa hè bãi tắm khu 2 làm nơi kinh doanh dịch vụ ăn uống sau 18 giờ, kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp chèo kéo khách, tăng cường dọn dẹp vệ sinh môi trường.
Còn tại các ngã 3, ngã 4, nơi mật độ giao thông đông, nhất là dịp cuối tuần, nghỉ lễ, quận Đồ Sơn đề nghị Công an quận, công an các phường phối hợp bố trí lực lượng trực chốt hướng dẫn người dân. Cùng với đó, quận tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp hiệu quả cao ngăn chặn tình trạng bắt chẹt, "chặt chém" du khách… mang đến cho Đồ Sơn một môi trường du lịch thân thiện, an toàn.
Ninh Bình: Ban Dân vận Tỉnh ủy vừa phối hợp với Sở Du lịch tổ chức hội nghị tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh du lịch, nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội tại xã Ninh Xuân, huyện Hoa Lư.
Nằm trọn trong vùng lõi của Quần thể danh thắng Tràng An- Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, những năm gần đây, các ngành nghề dịch vụ, du lịch trên địa bàn xã Ninh Xuân khá phát triển. Hiện, toàn xã có khoảng 20 homestay, 10 nhà hàng với hàng nghìn nhân khẩu làm du lịch. Tuy nhiên, du lịch ở Ninh Xuân nói riêng và ngành du lịch tỉnh nói chung vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn. Một trong các nguyên nhân đó là đội ngũ những người tham gia làm dịch vụ du lịch còn thiếu tính chuyên nghiệp, thiếu kỹ năng làm du lịch hiện đại. Tại một số khu, điểm du lịch vẫn còn tình trạng mất an toàn giao thông, vệ sinh môi trường; người dân bán hàng không đúng nơi quy định, còn tình trạng chèo kéo khách, xin tiền bồi dưỡng,...
Nhằm khắc phục hạn chế nêu trên, tại hội nghị, các giảng viên đã tập trung phổ biến cho những người làm dịch vụ du lịch về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về phát triển du lịch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của tỉnh về phát triển du lịch trong năm 2020 và những năm tiếp theo; những nội dung cơ bản của Luật Du lịch 2017; các quy định trong việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới việc tang và lễ hội trên địa bàn tỉnh.
Hội nghị là một trong những hoạt động thường xuyên của Ban Dân vận Tỉnh ủy, ngành Du lịch, chính quyền địa phương nhằm nâng cao nhận thức và định hướng hành vi, thái độ, cách thức ứng xử văn minh của các tổ chức, cá nhân khi tham gia các hoạt động dịch vụ du lịch; khắc phục những hạn chế, tồn tại, góp phần xây dựng du lịch Ninh Bình trở thành điểm sáng về văn hóa, văn minh và an toàn.