Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Phát triển kinh tế nhờ bảo tồn, phát huy nghề đan lát truyền thống

07/10/2023 | 11:07

Từ nỗi lo nghề đan lát truyền thống của làng có nguy cơ mai một, nay người dân Bao La đã có thể sống được với nghề. Công việc đan lát cho thu nhập ổn định đã giúp nhiều hộ gia đình phát triển kinh tế.

Làng nghề đan lát "nức danh" cố đô

Nằm cách không xa TP Huế, làng Bao La (xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) là làng nghề đan lát nổi tiếng, có tuổi đời hàng trăm năm. Làng chuyên sản xuất các sản phẩm bằng mây tre phục vụ nông, lâm, ngư nghiệp, các đồ gia dụng như: rổ, rá, thúng, mủng, dần, sàng,..

Phát triển kinh tế nhờ bảo tồn, phát huy nghề đan lát truyền thống - Ảnh 1.

Bao La là làng nghề đan lát nổi tiếng tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

Mặc dù chỉ là công việc phụ lúc nông nhàn, nhưng nghề đan lát tại làng Bao La đã được người dân trong làng gìn giữ qua nhiều thế hệ. Các sản phẩm đan lát của làng được nhiều nơi biết đến nhờ vừa bền, lại vừa đẹp.

Khoảng thế kỷ XVIII – XIX là thời điểm mà nghề đan lát tại làng Bao La phát triển mạnh mẽ. Thị trường tiêu thụ rộng mở đã mang lại thu nhập cho người dân. Sự nổi tiếng của các sản phẩm đan lát làng Bao La lúc bấy giờ còn được truyền khẩu qua những câu ca như: "Thúng mủng Bao La đem ra đựng bột. Chiếu Bình Định tốt lắm ai ơi. Tạm tiền mua lấy vài đôi. Dành khi hiếu sự trải côi giường Lào"…

Nổi tiếng là vậy, nhưng nghề đan lát tại làng Bao La cũng có những lúc đầy thăng trầm. Những năm 1985-1990, cùng với quá trình công nghiệp hóa, sản phẩm mây tre đan bị cạnh tranh gay gắt bởi sự ra đời của các mặt hàng nhôm, nhựa với sản phẩm đa dạng, giá cả cạnh tranh. Nghề đan lát tại làng Bao La cũng không nằm ngoài guồng quay chung, gặp rất nhiều khó khăn. Mọi hoạt động sản xuất chỉ cầm chừng, nghề có nguy cơ mai một.

Phát triển kinh tế nhờ bảo tồn, phát huy nghề đan lát truyền thống - Ảnh 2.

Các sản phẩm đan lát của làng Bao La được đánh giá cao về chất lượng và mẫu mã.

Trước nguy cơ mai một của một số ngành nghề và làng nghề thủ công truyền thống, trong đó có làng nghề đan lát Bao La, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có những chính sách để khôi phục. Đến năm 2007, Hợp tác xã (HTX) Mây tre đan Bao La đã được thành lập với định hướng khôi phục và phát triển làng nghề đan lát Bao La gắn với du lịch. Sự ra đời của HTX Mây tre đan Bao La có thể xem là một dấu mốc quan trọng cho sự "vực dậy" của làng nghề, tạo công ăn việc làm ổn định cho các hộ sản xuất mây tre tại địa phương và một bộ phận lao động nông dân.

Người dân sống được với nghề

Ông Võ Văn Dinh, Giám đốc HTX Mây tre đan Bao La cho biết, sau 16 năm hình thành và phát triển, đến nay, HTX Mây tre đan Bao La có khoảng 130 người dân tham gia; HTX đã thiết kế và sản xuất được hơn 500 mẫu mã phục vụ nhu cầu tiêu thụ của các tỉnh, thành phố trong cả nước và xuất khẩu ra nước ngoài. Trung bình, mỗi năm HTX thiết kế và cho ra đời từ 30 -50 mẫu mới. Ngoài những sản phẩm phục vụ nhu cầu sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp của người dân, HTX cũng sản xuất các loại lồng đèn, túi xách, bình hoa, bàn ghế… và các mặt hàng mỹ nghệ phục vụ trưng bày trong nhà hàng, khách sạn, quán cà phê.

Phát triển kinh tế nhờ bảo tồn, phát huy nghề đan lát truyền thống - Ảnh 3.

Ngoài các sản phẩm truyền thống sử dụng trong nông, lâm, ngư nghiệp, hiện nay làng nghề đan lát Bao La sản xuất thêm nhiều loại mặt hàng khác như đèn lồng, đồ thủ công mỹ nghệ trưng bày.... để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Việc hình thành và duy trì mô hình HTX đã giúp làng nghề đan lát Bao La tập trung được nguồn lực, đưa sản xuất đi vào chuyên nghiệp, cho ra đời các sản phẩm chất lượng ngày càng cao hơn nhằm phục vụ nhu cầu của khách hàng. Thị trường tiêu thụ sản phẩm đan lát Bao La đã dần vươn ra khỏi Thừa Thiên Huế, mở rộng ra cả nước, thậm chí xuất khẩu. Thông qua các kỳ Festival và Festival nghề truyền thống Huế, sản phẩm làng nghề Bao La được quảng bá, thu hút nhiều khách hàng và đối tác, nhất là các doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn, từng bước xuất khẩu sang một số thị trường như Trung Quốc, Châu Âu. Đến nay, doanh thu hàng năm của HTX Mây tre đan Bao La tăng từ 10-15%, có năm tăng từ 20-30%. Năm 2023, doanh thu của HTX ước đạt khoảng 6 tỷ đồng.

Các sản phẩm đan lát của HTX Mây tre đan Bao La dần có có chỗ đứng trên thị trường khiến người dân không khỏi phấn khởi, vui mừng. Từ nỗi lo nghề truyền thống của làng có nguy cơ mai một, nay người dân Bao La đã có thể sống được với nghề. Thu nhập của người dân tham gia HTX ổn định ở mức từ 4-6 triệu đồng/tháng. Việc giữ gìn và phát huy nghề đan lát truyền thống đã giúp nhiều hộ gia đình giảm nghèo, phát triển kinh tế.

Gắn bó với HTX Mây tre đan Bao La từ ngày đầu thành lập, bà Nguyễn Thị Nguyên cho hay: "So với làm nông, công việc đan lát cho thu nhập cao và ổn định hơn. Dù nắng hay mưa mọi người đều có việc làm. Xu hướng hiện nay của người tiêu dùng là sử dụng sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường nên cũng đã mở ra nhiều cơ hội phát triển cho các sản phẩm đan lát của làng Bao La. Để sản phẩm làm ra ngày càng hấp dẫn khách, chúng tôi cũng mày mò học hỏi, sáng tạo thêm các mẫu mới, độc quyền. Mẫu nào nơi khác đã sản xuất thì chúng tôi không làm nữa".

Phát triển kinh tế nhờ bảo tồn, phát huy nghề đan lát truyền thống - Ảnh 4.

Nhiều người dân tại làng Bao La hiện tại có thu nhập ổn định, phát triển kinh tế nhờ giữ nghề đan lát truyền thống.

Làng nghề đan lát mây tre Bao La được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế công nhận danh hiệu là làng nghề truyền thống theo Quyết định số 725/QĐ-UBND ngày 16/4/2013. Ngoài sản xuất các sản phẩm đan lát, thời gian qua, HTX Mây tre đan Bao La cũng là điểm đến được địa phương và các đơn vị lữ hành khảo sát, nghiên cứu để phát triển du lịch. Mới đây, ngày 6/5/2023, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có Quyết định số 1008/QĐ-UBND công nhận điểm du lịch đối với Mây tre đan Bao La, qua đó mở ra hướng phát triển mới cho làng nghề.

Lãnh đạo HTX Mây tre đan Bao La bày tỏ mong muốn, trong thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền, đầu tư thêm nhà trưng bày sản phẩm, chỉnh trang lại khuôn viên cơ sở để đón khách đến tham quan, trải nghiệm nhiều hơn. Ngoài sản xuất hàng hóa, phát triển du lịch sẽ là hướng đi góp phần quảng bá thương hiệu của làng nghề, giúp người dân tăng thêm thu nhập.

Lê Chung

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×