Phát triển hệ thống Bảo tàng ngoài công lập ở Thừa Thiên Huế
26/10/2020 | 14:51Trên địa bàn tỉnh hiện có 02 bảo tàng ngoài công lập là Bảo tàng Đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn (địa chỉ số 114 Mai Thúc Loan, thành phố Huế; được Ủy ban nhân dân tỉnh cho phép hoạt động theo Quyết định số 1103/QĐ-UBND ngày 20 tháng 6 năm 2012) và Bảo tàng Nghệ thuật thêu XQ (địa chỉ số 01 đường Phạm Hồng Thái, thành phố Huế, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và khai thác hiệu quả giá trị của các bảo tàng ngoài công lập, vấn đề đặt ra là bên cạnh sự cố gắng nỗ lực của bản thân các bảo tàng thì Nhà nước cũng cần ban hành những chính sách hợp lý để hỗ trợ, khuyến khích các bảo tàng ngoài công lập hình thành và phát triển.
Có thể nhận thấy rằng, bảo tàng ngoài công lập ở Huế ra đời làm thay đổi nhận thức và cách thức hoạt động của loại hình bảo tàng; hình thành tư duy mới trong cách thức trưng bày, sưu tầm, thuyết minh, quảng bá, tổ chức dịch vụ và cạnh tranh thu hút khách tham quan; sự góp mặt của các bảo tàng ngoài công lập còn mở ra xu thế mới cho hoạt động giới thiệu, quảng bá các giá trị di sản văn hóa Huế đến công chúng; tạo được nhiều việc làm, đồng thời tạo thêm điểm đến hấp dẫn, thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ.
Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, các bảo tàng ngoài công lập gặp một số khó khăn, hạn chế như: các bảo tàng ngoài công lập thường mang tính chất trưng bày cố định, ít tổ chức các triển lãm chuyên đề, chưa thường xuyên tiến hành các hoạt động đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động trưng bày, vì vậy, chưa thu hút được số lượng lớn lượt khách đến tham quan các bảo tàng. Theo số liệu thống kê, hằng năm, bảo tàng Đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn đón khoảng 500 lượt khách; Bảo tàng Bảo tàng Nghệ thuật thêu XQ đón khoảng 2000-3000 lượt khách đến tham quan và nghiên cứu. Mặt khác, cơ chế, chính sách ưu đãi cho loại hình bảo tàng ngoài công lập chưa cụ thể; các bảo tàng ngoài công lập gặp khó khăn về kinh nghiệm, phương thức, kinh phí hoạt động, sự hỗ trợ trang thiết bị chuyên ngành; hiện vật chưa phong phú, cán bộ chuyên môn chưa đồng đều, công tác truyền thông giáo dục chưa được chú trọng; sự liên kết, phối hợp giữa các bảo tàng ngoài công lập với bảo tàng công lập chưa chặt chẽ, các khâu nghiệp vụ của bảo tàng chưa thực hiện thường xuyên.
Từ thực trạng đó, để bảo tàng ngoài công lập phát huy vai trò, vị trí của mình trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc, thiết nghĩ chúng ta nên mạnh dạn nghiên cứu, đề ra các giải pháp hỗ trợ cụ thể, trong đó tập trung vào một số giải pháp trọng tâm sau:
Thứ nhất: Hỗ trợ thuê đất, thuê cơ sở hạ tầng để tổ chức hoạt động bảo tàng. Đây là nhiệm vụ khó khăn, tuy nhiên để có một thiết chế bảo tàng đảm bảo với công năng sử dụng đòi hỏi các nhà quản lý phải thực hiện tốt công tác quy hoạch, rà soát các địa điểm phù hợp, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân mạnh dạn tham gia vào quá trình đầu tư hoạt động bảo tàng.
Thứ hai: Hỗ trợ hoạt động trưng bày, triển lãm. Việc thực hiện chính sách hỗ trợ hoạt động trưng bày, triển lãm sẽ tạo điều kiện để các bảo tàng ngoài công lập thường xuyên tổ chức các hoạt động trưng bày, triển lãm theo các chủ đề phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của bảo tàng, qua đó nâng cao chất lượng hoạt động của các bảo tàng ngoài công lập.
Thứ ba: Hỗ trợ phát triển sản phẩm lưu niệm đặc trưng của bảo tàng. Trên thực tế các bảo tàng (cả công lập và ngoài công lập) ở tỉnh Thừa Thiên Huế hầu như chưa chú trọng phát triển các sản phẩm lưu niệm mang đặc trưng bảo tàng. Việc hỗ trợ này sẽ tạo điều kiện để các bảo tàng tăng nguồn thu đáng kể, là cơ sở để quảng bá di sản văn hóa Huế.
Thứ tư: Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực. Trên địa bàn tỉnh hiện nay có 05 bảo tàng công lập và 02 bảo tàng ngoài công lập. Nguồn nhân lực hiện đang hoạt động tại các bảo tàng cộng lập cơ bản vẫn đáp ứng được các yêu cầu đòi hỏi về chuyên môn nghiệp vụ của bảo tàng, tuy nhiên, nguồn nhân lực của các bảo tàng ngoài công lập vẫn lâm vào cảnh thiếu hụt trầm trọng, chưa theo kịp yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động bảo tàng. Thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực đối với các bảo tàng ngoài công lập nhằm góp phần nâng cao năng lực quản lý, kỹ năng trong hoạt động chuyên môn nghiệp vụ bảo tàng.
Thứ năm: Hỗ trợ quảng bá hình ảnh. Việc hỗ trợ quảng bá hình ảnh bảo tàng tàng trên các phương tiện thông tin đại chúng là một hoạt động rất cần thiết trong giai đoạn bùng nổ thông tin như hiện nay, qua đó giúp các bảo tàng chủ động xây dựng các chương trình giới thiệu, quảng bá hình ảnh với nội dung và hình thức hấp dẫn, phù hợp, gắn kết với việc giới thiệu, quảng bá về các tuyến du lịch, các công ty lữ hành nhằm thu hút khách du lịch.
Xúc tiến thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển bảo tàng ngoài công lập để duy trì phát triển bảo tàng ngoài công lập
Ngoài nguồn thu hạn chế từ việc bán vé, bảo tàng ngoài công lập cần có sự bảo trợ của các quỹ hỗ trợ phát triển bảo tàng ngoài công lập để duy trì hoạt động. Việc các quỹ này tài trợ trực tiếp cho những bảo tàng ngoài công lập và là một trong những kênh tài trợ hiệu quả để thúc đẩy các hoạt động tích cực của bảo tàng ngoài công lập nhằm tạo nguồn lợi lâu dài. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có những ưu tiên để các bảo tàng ngoài công lập vay vốn trung hạn và dài hạn từ Quỹ Đầu tư phát triển và bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa để tổ chức hoạt động.
Từ thực tế hoạt động của hai bảo tàng ngoài công lập ở Huế, để thu hút khách tham quan, là địa điểm hấp dẫn du khách, thiết nghĩ các bảo tàng ngoài công lập cần vận động theo hướng: Thực hiện tốt các chức năng quy định tại Thông tư 18/2010/TT-BVHTTDL về tổ chức và hoạt động của bảo tàng, trong đó đặc biệt chú trọng công tác nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản tư liệu, hiện vật…; Tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động trưng bày của bảo tàng, đây là yếu tố cốt lõi để thu hút khách tham quan đến các bảo tàng ngoài công lập; Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực trong quản lý hoạt động bảo tàng; Tăng cường liên kết chuyên môn nghiệp vụ với các bảo tàng công lập; Ứng dụng công nghệ thông tin vào việc xây dựng một số sản phẩm chủ lực ứng dụng công nghệ 4.0; xây dựng cơ sở dữ liệu về toàn bộ tư liệu, hiện vật đang được lưu giữ tại bảo tàng và cung cấp thông tin song/ đa ngữ chất lượng cao đảm bảo đáp ứng nhu cầu tổ chức trưng bày và các chương trình giáo dục của bảo tàng; Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch, kết nối chặt chẽ với các tuor, tuyến du lịch nhằm đưa khách tham quan đến bảo tàng.
Trên địa bàn Tỉnh, bên cạnh 2 bảo tàng ngoài công lập còn có hơn 20 nhà sưu tập tư nhân đã và đang bảo quản, lưu giữ một số lượng lớn các hiện vật, sưu tập hiện vật có giá trị. Thời gian vừa qua, việc thúc đẩy thành lập các bảo tàng ngoài công lập và sự kết hợp giữa Bảo tàng công lập với các nhà sưu tầm, bảo tàng ngoài công lập trong công tác trưng bày, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc là một trong những thành công của công tác xã hội hóa hoạt động bảo tàng mà tỉnh Thừa Thiên Huế đã và đang tiến hành có hiệu quả.
Một khi cả bảo tàng công lập và ngoài công lập cùng song hành hoạt động có hiệu quả sẽ góp phần tích cực nâng cao đời sống văn hóa, góp phần đa dạng sản phẩm du lịch đặc sắc của tỉnh Thừa Thiên Huế, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10 tháng 12 năm 2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.