Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Phát triển du lịch thông minh trong xu thế mới

14/09/2020 | 09:06

Du lịch thông minh đang được những người làm du lịch hướng tới trong vài năm gần đây vì tính tiện ích và mang lại hiệu quả cả cho người sử dụng và người cung cấp dịch vụ. Trước tác động của Covid-19, du lịch thông minh là một trong những cách làm hay để duy trì các kênh thông tin, quảng bá sản phẩm tới du khách.

Phát triển du lịch thông minh trong xu thế mới - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp cần có sự thay đổi để phù hợp với nhu cầu, thị hiếu mua hàng của du khách.

Lâu nay, ngành du lịch Đà Nẵng rất quan tâm đến việc ứng dụng công nghệ vào phát triển du lịch. Nhiều sản phẩm đã được đưa vào sử dụng và mang lại tiện ích cho du khách trong nước và quốc tế như các app "Chatbot" và "Danang Fantasticity".

Với các ứng dụng này, du khách có thể tự tìm hiểu và lên lịch trình cũng như chọn các địa điểm lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí... cho chuyến đi của mình thông qua các câu hỏi, các gợi ý... Không chỉ các ứng dụng trên, ngay từ khi Covid-19 ảnh hưởng tới du lịch trong nước nói riêng và thế giới nói chung, ngành du lịch Đà Nẵng đã triển khai các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch trực tuyến.

Theo đại diện Trung tâm Xúc tiến Du lịch Đà Nẵng (Trung tâm), do ảnh hưởng của dịch bệnh nên công tác truyền thông cũng có nhiều thay đổi. Trung tâm hợp tác với Kloock (nền tảng dành cho du lịch tự túc) xây dựng chiến dịch truyền thông quảng bá du lịch đến các thị trường khách. Đồng thời, truyền thông trực tuyến, đẩy mạnh thông tin trên Cổng thông tin du lịch Đà Nẵng bằng nhiều ngôn ngữ; tăng cường các hình ảnh, video về du lịch Đà Nẵng trên fanpage Danang Fantasticity, Instagram, ứng dụng du lịch Danang Fantasticity, Tiktok, Youtube; hợp tác với Fayfay.com - trang thương mại điện tử cung cấp những sản phẩm du lịch Việt Nam...

Ngoài ra, Trung tâm còn hợp tác với Travelloka Việt Nam trong việc tạo đòn bẩy, kích thích cộng đồng du lịch, quảng bá hình ảnh du lịch Đà Nẵng thông qua các hoạt động marketing trực tuyến, định hướng và cung cấp nguồn khách hàng tiềm năng du lịch đến với Đà Nẵng; thực hiện mã QR Code ngôn ngữ tiếng Anh về các ấn bản du lịch Đà Nẵng để đăng tải thông tin, tạo chuyên mục ấn phẩm online dưới dạng pdf đăng trên Cổng thông tin du lịch Đà Nẵng để người đọc xem thông tin và tải nội dung...

Một trong những hoạt động trực tuyến kết nối thu hút khách là vào tháng 6/2020, Trung tâm phối hợp với Mạng lưới các lữ hành MICE tại Ấn Độ tổ chức chuỗi hội thảo trực tuyến (webinar) cho các lữ hành Ấn Độ với hàng trăm đại diện cùng tham gia. Đại diện của các bên giới thiệu về sản phẩm du lịch của nhau tới đối tác, khách hàng và điểm đến Đà Nẵng được các đại diện của Đà Nẵng (Việt Nam) tham gia hội thảo giới thiệu là điểm đến nghỉ dưỡng, MICE và Golf.

Giám đốc Vietravel chi nhánh Đà Nẵng Đoàn Hải Đăng cho hay, làm lĩnh vực dịch vụ thì đơn vị khai thác dịch vụ phải cho khách thấy được mình có những sản phẩm, dịch vụ gì, khách sẽ ăn, ngủ ở đâu, bay hãng nào… Bản thân khách hàng bây giờ cũng đều là những người tiêu dùng thông minh, họ đều có sự tìm hiểu tham khảo và so sánh về giá cả, dịch vụ trước khi quyết định chọn mua một sản phẩm dịch vụ.

Đáp ứng nhu cầu thực tế, hiện nay nhiều ứng dụng du lịch thông minh đã ra đời để kết nối các điểm đến, sản phẩm dịch vụ. Theo Tổng giám đốc Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn Lý Đình Quân, một số ứng dụng như Iot (Internet of things tạm dịch: internet vạn vật) tạo ra những kết nối trong quá trình triển khai du lịch thông minh, giúp kết nối các bên cung ứng dịch vụ sản phẩm, nhà quản lý, du khách... để mọi thông tin giữa các bên được minh bạch, liên thông với nhau. Lúc này có thể phát triển dữ liệu thông tin ở quy mô lớn, từ đó ứng dụng công nghệ 4.0 cũng như các ứng dụng khác để khai thác dữ liệu một cách tốt nhất.

Dù nhận thấy các tiện ích, tuy nhiên, theo những người làm dịch vụ thì hiện nay những đơn vị kinh doanh dịch vụ nhỏ, lẻ, các ứng dụng công nghệ trong các cơ sở lưu trú mới chủ yếu dừng ở cập nhật thông tin, tin tức giá dịch vụ... Về lâu dài, cần có thời gian để đào tạo, cập nhật cho đội ngũ nhân viên có thể sử dụng và ứng dụng nhiều hơn các tiện ích của công nghệ.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng nhìn nhận, Covid-19 đã tạo ra sự thay đổi căn bản về nhu cầu, thị hiếu, cách thức tiếp cận dịch vụ, mua hàng. Như vậy, các nhà cung cấp dịch vụ cũng cần phải có sự thay đổi, vận động để có sự phù hợp với thị hiếu của khách hàng. Lúc này, phía cung cấp dịch vụ cần tập trung vào các kênh thương mại dịch vụ, các trang mạng xã hội, trang bán sản phẩm du lịch trực tuyến, tìm kiếm các giải pháp tiếp cận công nghệ mới để giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp...

Theo baodanang.vn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×