Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Phát triển Du lịch thám hiểm hang động - cơ hội cho Du lịch Lạng Sơn cất cánh

17/02/2025 | 14:12

Nhằm giới thiệu, quảng bá về tiềm năng, thế mạnh và nguồn tài nguyên các hang động tại Lạng Sơn đồng thời đẩy mạnh công tác xúc tiến hợp tác xây dựng, khai thác các tour Du lịch thám hiểm hang động, ngày 14/02 tại Hà Nội, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lạng Sơn tổ chức tọa đàm “Phát triển Du lịch thám hiểm hang động CVĐC Lạng Sơn”.

Phát triển Du lịch thám hiểm hang động - cơ hội cho Du lịch Lạng Sơn cất cánh - Ảnh 1.

Toàn cảnh tọa đàm.

Tham dự tọa đàm có ông Jonathan Baker, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, đại diện Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam và các đại biểu quốc tế, các chuyên gia đến từ các trường Đại học, chuyên gia hang động cùng đại diện các doanh nghiệp lữ hành Lạng Sơn và hội viên CLB Lữ hành UNESCO Hà Nội.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lạng Sơn Trần Thị Bích Hạnh cho biết: CVĐC Lạng Sơn trải dài hơn 4.842km2, phạm vi bao gồm toàn bộ địa giới hành chính của các huyện: Bắc Sơn, Chi Lăng, Hữu Lũng, Lộc Bình, Văn Quan, thành phố Lạng Sơn, 1 phần địa giới hành chính của huyện Bình Gia, Cao Lộc. Ngày 08/9/2024, trong khuôn khổ Hội nghị quốc tế lần thứ 8 Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương, phiên họp Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO đã tiến hành đánh giá và biểu quyết, 100% thành viên đã thống nhất công nhận CVĐC Lạng Sơn là CVĐC toàn cầu UNESCO.

Tháng 4/2025, UNESCO sẽ chính thức bổ sung Danh sách CVĐC toàn cầu Lạng Sơn trên website chính thức của tổ chức. Dự kiến tháng 9/2025, tỉnh Lạng Sơn sẽ chính thức đón nhận danh hiệu CVĐC toàn cầu UNESCO Lạng Sơn tại Chile. Tháng 11/2025, tỉnh Lạng Sơn sẽ tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu CVĐC toàn cầu UNESCO Lạng Sơn.

Hiện nay, CVĐC Lạng Sơn đã hình thành 4 tuyến du lịch với 38 điểm tham quan với chủ đề: “Tiến hóa sự sống nơi miền đất thiêng”. Trong đó, tuyến 1 có chủ đề “Khám phá thế giới Thượng ngàn”; Tuyến 2: “Hành trình về miền Thiên giới”; Tuyến 3: “Cuộc sống dân dã nơi trần thế”; Tuyến 4: “Đường đến Thủy cung”. Công viên địa chất Lạng Sơn có địa hình, địa mạo và địa chất tự nhiên kỳ vĩ, có khoảng 200 hang động, nhiều thác nước, hố sụt đẹp, ẩn chứa vô vàn điều thú vị, hấp dẫn. Đây sẽ là nguồn lực chắp cánh cho sự phát triển của du lịch địa chất (thám hiểm hang động, leo núi thể thao, dù lượn, trekking, vượt thác, hố sụt, chèo SUP...).

Phát triển Du lịch thám hiểm hang động - cơ hội cho Du lịch Lạng Sơn cất cánh - Ảnh 2.

PGS.TS. Trần Tân Văn, Chuyên gia Cao cấp về CVĐC, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản.

Tại tham luận Một số lưu ý trong bảo vệ và khai thác hang động và các vùng đá vôi, PGS.TS. Trần Tân Văn, Chuyên gia cao cấp về CVĐC, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cho rằng: Cách tiếp cận tốt nhất trong quản lý tác động của việc sử dụng, khám phá hang động là xây dựng một kế hoạch chiến lược dài hạn, với sự tham gia của tất cả các bên liên quan. Người hướng dẫn, cung cấp dịch vụ thám hiểm hang động cần chứng minh rằng họ được đào tạo đầy đủ về các khía cạnh an toàn và bảo tồn hang động. Hướng dẫn viên tham quan hang động cần được đào tạo bài bản về các giá trị cụ thể của hang và cách thuyết trình cho du khách... Bên cạnh đó, cần thiết kế, xây cất cơ sở hạ tầng hỗ trợ các hoạt động trên mặt đất ở các vùng đá vôi sao cho ít tác động đến môi trường cảnh quan nhất, cả trực quan lẫn tính toàn vẹn của chúng, để khi cần, có thể dễ dàng dỡ bỏ, trả lại hiện trạng tự nhiên ban đầu.

Phát triển Du lịch thám hiểm hang động - cơ hội cho Du lịch Lạng Sơn cất cánh - Ảnh 3.

PGS.TS. Bùi Thị Nga, Học Viện Nông Nghiệp Việt Nam.

Chia sẻ về thách thức và giải pháp đối với vai trò của chính sách trong phát triển du lịch thám hiểm tại CVĐC Lạng Sơn và tính an toàn trong du lịch thám hiểm, PGS.TS. Bùi Thị Nga, Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhấn mạnh: Chính sách đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy du lịch thám hiểm CVĐC Lạng Sơn an toàn và bền vững. Cần có sự phối hợp giữa chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng địa phương. Nâng cao nhận thức và đào tạo là yếu tố then chốt để giảm thiểu rủi ro. Ứng dụng công nghệ và xây dựng hệ thống quản lý hiệu quả sẽ giúp ngành du lịch thám hiểm CVĐC Lạng Sơn phát triển mạnh mẽ trong tương lai.

Phát triển Du lịch thám hiểm hang động - cơ hội cho Du lịch Lạng Sơn cất cánh - Ảnh 4.

TS. Nguyễn Xuân Hải, Khoa Du lịch và Ngoại ngữ - Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Theo TS. Nguyễn Xuân Hải, Khoa Du lịch và Ngoại ngữ - Học viện Nông nghiệp Việt Nam: Việc đào tạo, giáo dục môi trường và nâng cao nhận thức về du lịch thám hiểm hang động bền vững tại CVĐC Lạng Sơn đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với bảo vệ hệ sinh thái và giá trị địa chất của hang động; đảm bảo an toàn cho du khách và người tham gia; nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, tạo trải nghiệm tốt hơn cho khách du lịch; phát triển kinh tế địa phương theo hướng bền vững; hỗ trợ công tác quản lý, bảo vệ và phát triển du lịch bền vững; thúc đẩy hình ảnh và thương hiệu du lịch Lạng Sơn.

Đề xuất mô hình tiêu chuẩn và bộ quy tắc ứng xử bền vững cho du lịch hang động tại CVĐC Lạng Sơn, Ths. Nguyễn Thị Thùy Ngân nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, giữ gìn di sản văn hóa - lịch sử, đồng thời đảm bảo sự phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững. Theo bà Ngân, những tiêu chuẩn này không chỉ giúp hạn chế tác động tiêu cực của du lịch đối với hệ sinh thái nhạy cảm trong hang động mà còn góp phần nâng cao chất lượng trải nghiệm cho du khách, bảo vệ lợi ích lâu dài của cộng đồng địa phương và thúc đẩy thương hiệu du lịch bền vững của Lạng Sơn. Việc áp dụng các mô hình quản lý tiên tiến như sức chứa tối đa, thiết lập vùng đệm bảo vệ, quy hoạch lộ trình tham quan hợp lý sẽ giúp kiểm soát hoạt động du lịch hiệu quả, đồng thời giảm thiểu những rủi ro về môi trường và an toàn.

Đóng góp về các giải pháp quản lý và phát triển du lịch hang động bền vững tại CVĐC Lạng Sơn, Giám đốc Công ty Du lịch Việt Nam Expeditions Phạm Văn Mạnh cho rằng: Việc phát triển du lịch thám hiểm hang động cần có sự chọn lọc trong đơn vị tổ chức. Cần khuyến khích nâng cao nhận thức về việc bảo vệ và phát triển du lịch hang động trong cộng đồng; hướng dẫn và tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản phẩm du lịch hang động. Đặc biệt, các cơ quan nhà nước cần có các chính sách tháo gỡ khó khăn để khơi thông nguồn lực cho cộng đồng và doanh nghiệp cùng tham gia vào phát triển du lịch hang động.

Bày tỏ sự ấn tượng tốt đẹp về CVĐC Lạng Sơn, ông Kevin John Ditamore, thành viên Hiệp hội Hang động Mỹ và thành viên CLB Hang động Hà Nội mong muốn CVĐC Lạng Sơn cần sớm xây dựng bản đồ chỉ dẫn chi tiết các mức độ nguy hiểm ở từng khu vực. Bên cạnh đó, sản phẩm du lịch thám hiểm hang động cũng cần mang tính giáo dục du khách hướng tới bảo vệ môi trường bền vững . Theo ông Kevin John Ditamore, du khách đam mê khám phá luôn sẵn sàng chi tiền cho một điểm đến ấn tượng, được trải nghiệm điều không thể có được ở nơi khác và CVĐC Lạng Sơn chính là lý do để du khách Mỹ đến Việt Nam bởi nơi đây quá hoành tráng và hùng vĩ.

Trong khuôn khổ Toạ đàm cũng diễn ra Lễ ký kết hợp tác đào tạo nhân lực CVĐC Lạng Sơn giữa Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lạng Sơn; Khoa Du lịch và Ngoại ngữ (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) và Công ty Cổ phần Viện Du lịch và Phát triển bền vững Việt Nam.

Với dư địa sẵn có, CVĐC Lạng Sơn hứa hẹn sẽ là một trong những điểm đến ấn tượng với các sản phẩm du lịch mang tính đột phá, thu hút lượng lớn khách du lịch nội địa và quốc tế đồng thời mở ra nhiều cơ hội và tiềm năng cho sự phát triển của Du lịch Lạng Sơn thời gian tới.

Theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×