Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Phát triển du lịch nông thôn: (Bài 1) Giải pháp tối ưu trong xây dựng nông thôn mới

29/09/2019 | 19:00

Phát triển du lịch và xây dựng nông thôn mới có mối quan hệ mật thiết, hỗ trợ, bổ sung cho nhau. Phát triển du lịch nông thôn hay Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thì đều hướng tới cải thiện, nâng cao đời sống của người nông dân, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.

Vai trò quan trọng đối với ngành du lịch

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, ngày 04-6-2010, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 800/QĐ-TTg, phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020. Theo đó, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới bao gồm một tổng thể các hoạt động nhằm cải biến sâu sắc nông thôn, nông dân và nền nông nghiệp nước ta. Mục tiêu của chương trình này nhằm, xây dựng nông thôn có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khang trang, hiện đại, đáp ứng nhu cầu của đời sống nhân dân và giao lưu hàng hóa; nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa tiên tiến, hiện đại. Đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân được cải thiện, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.

lam-banh-con-son

Khách du lịch trải nghiệm làm bánh dân gian Nam Bộ tại khu du lịch cộng đồng Cồn Sơn - Cần Thơ

Theo ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, phát triển du lịch và xây dựng nông thôn mới có mối quan hệ mật thiết, hỗ trợ, bổ sung cho nhau. Phát triển du lịch nông thôn hay Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thì đều hướng tới cải thiện, nâng cao đời sống của người nông dân, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.

"Tại Hội nghị tổng kết Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới Trung ương vào cuối năm 2018, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, đã khẳng định phải phát triển du lịch nông thôn và coi đây như một giải pháp hàng đầu trong xây dựng nông thôn mới. Trên cơ sở Kết luận của hội nghị này, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng đề án phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Hiện nay Tổng cục Du lịch đã triển khai xây dựng đề án và cơ bản hoàn thành, đang lấy ý kiến đóng góp của các bộ, ngành và sẽ hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 10 này", Phó Tổng cục trưởng Ngô Hoài Chung nói.

Đánh giá về vai trò của nông thôn đối với phát triển du lịch, Phó Tổng cục trưởng Ngô Hoài Chung cho rằng, trong những năm qua, du lịch Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ, lượng khách du lịch nội địa và quốc tế liên tục tăng trưởng ổn định với tốc độ cao. Tổng thu từ du lịch năm 2018 đạt 637 nghìn tỷ đồng, tăng 21,3% so với năm 2017 (tỷ lệ đóng góp của Du lịch vào GDP năm 2018 là 8,39%).

"Có được những kết quả đó không thể không kể đến du lịch của khu vực nông thôn. Ngành du lịch đã khai thác các giá trị từ khu vực nông thôn làm phong phú thêm hệ thống sản phẩm du lịch Việt Nam. Khu vực nông thôn đã và đang tham gia ngày càng sâu vào chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch tại Việt Nam", ông Ngô Hoài Chung nhấn mạnh.

Góp phần làm phong phú, đa dạng sản phẩm du lịch

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngôi Hoài Chung cũng đã chỉ ra một thực tế chung từ trước đến nay của chúng ta, đó là sự "lãng quên" những tiềm năng về du lịch của khu vực nông thôn.

dulichconson (7)

Thưởng thức bánh dân gian Nam Bộ ở Cồn Sơn

"Từ trước tới nay khi nói về nông thôn, chúng ta mới chỉ nhìn nhận ở góc độ văn hóa và giá trị nông sản mà chưa thấy được nông nghiệp, nông thôn của nước ta là địa bàn có cảnh quan sinh thái, kiến trúc, ẩm thực… Đây đều là những tài nguyên du lịch hết sức có giá trị"- ông Ngô Hoài Chung chia sẻ.

Trong khi đó, trên thực tế, khu vực nông thôn đóng vai trò quan trọng là điểm đến, cung cấp cảnh quan, không gian du lịch cùng các dịch vụ phục vụ du khách. Cảnh quan sinh thái, hoạt động sản xuất nông nghiệp thường ngày; bản sắc văn hóa, phong tục tập quán được truyền tải qua kiến trúc nhà ở, đình chùa, miếu mạo, cổng làng, trang phục, ẩm thực… tất cả đều là những yếu tố quan trọng việc tạo nên sự hấp dẫn và trở thành giá trị cốt lõi trong việc xây dựng các sản phẩm du lịch, đáp ứng nhu cầu của du khách trong và ngoài nước.

"Nhiều tour du lịch từ nông thôn đã trở thành thương hiệu độc đáo của Việt Nam như tour trải nghiệm miệt vườn sông nước tại đồng bằng sông Cửu Long hay ngắm ruộng bậc thang mùa lúa chín ở vùng cao Tây Bắc, mùa hoa tam giác mạch…" Phó Tổng cục trưởng Ngô Hoài Chung nhấn mạnh.

IMG_3944

Du khách trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt làng quê tại homestay ở Cồn Sơn.

Hiện nay, các hoạt động được khai thác trong du lịch nông thôn bao gồm tham gia vào các hoạt động sản xuất nông nghiệp truyền thống (trồng lúa, bắt cá, đi cày, gặt lúa, trồng rau, trồng hoa, thu hoạch hoa quả…); tham gia vào các hoạt động sản xuất thủ công - làng nghề (làm bánh dân gian, làm nón, làm đèn lồng, làm tranh, lặn tò he…); tham gia trải nghiệm các hoạt động lễ hội và ẩm thực…

Một trong những sản phẩm du lịch đặc sắc của khu vực nông thôn chính là dịch vụ lưu trú homestay (nhà ở của người dân có phòng cho thuê). Dịch vụ này đang ngày càng phát triển và đem lại sức hấp dẫn cho du lịch Việt Nam, đồng thời góp phần quan trọng vào công tác huy động người dân cùng chung tay làm du lịch, bảo vệ môi trường, cảnh quan sinh thái hay nói cách khác là tích cực tham gia vào việc xây dựng các tiêu chí văn hóa trong nông thôn mới. Dịch vụ homestay đã có đóng góp nhất định trong việc phát triển kinh tế, giải quyết công ăn việc làm, tiêu thụ nông sản ở nông thôn hiện nay./.

Vi Phong

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×