Phát triển du lịch Hà Nội bền vững, hiệu quả
07/06/2024 | 09:01Trong giai đoạn 2024 - 2025, thành phố Hà Nội tiếp tục phát triển du lịch Thủ đô đảm bảo bền vững, hiệu quả, vừa là cửa ngõ đón và phân phối khách du lịch ở phía Bắc và cả nước, vừa là điểm đến du lịch “An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn”.
Hà Nội phấn đấu năm 2025 đón trên 30 triệu lượt khách du lịch, trong đó có trên 7 triệu lượt khách quốc tế; tổng thu từ khách du lịch đạt trên 130 nghìn tỷ đồng; đóng góp tổng hợp của ngành Du lịch vào GRDP thành phố đạt trên 8%; công suất sử dụng buồng phòng trung bình khối khách sạn, lưu trú đạt trên 60%.
Thành phố cũng triển khai đồng bộ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi, phát triển du lịch Thủ đô. Hà Nội thúc đẩy thu hút các nguồn lực phát triển và hình thành các nhóm sản phẩm du lịch thực sự chuyên nghiệp, hấp dẫn, có lợi thế, tiềm năng để phát triển đột phá, bao gồm: Du lịch văn hóa, du lịch MICE, du lịch nông nghiệp - nông thôn, du lịch vui chơi giải trí - thể thao, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, du lịch golf.
Thành phố cũng triển khai các giải pháp thu hút khách quốc tế đến với Hà Nội, trong đó tập trung vào một số thị trường trọng điểm như: Đông Bắc Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…), ASEAN, EU, Mỹ và từng bước khai thác hiệu quả các thị trường mới, tiềm năng như: Ấn Độ, các nước khu vực Trung Đông, Australia, các nước Đông Âu… Hà Nội tập trung các giải pháp nhằm tăng mức chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch, nhất là khách quốc tế.
Ngành Du lịch Hà Nội sẽ xây dựng kế hoạch tuyên truyền quảng bá trên các kênh truyền thông, truyền hình quốc tế, các kênh truyền thông trong nước; đồng thời, xây dựng kế hoạch phát triển thương hiệu du lịch của một số điểm đến, làng nghề, phố nghề trên địa bàn thành phố. Ngành tiếp tục tổ chức các sự kiện, lễ hội, hoạt động du lịch lớn thường niên như: Chương trình Du lịch Hà Nội chào năm mới, Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội, Lễ hội Quà tặng du lịch Hà Nội, Lễ hội Du lịch Hà Nội, Festival Thu Hà Nội… chuyên nghiệp, đặc sắc, hấp dẫn.
Thành phố cũng xây dựng kế hoạch và triển khai quảng bá hình ảnh du lịch Thủ đô trên các nền tảng số, mạng xã hội; triển khai các chương trình xúc tiến, giới thiệu điểm đến du lịch tại các thị trường quốc tế trọng điểm và tiềm năng như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, các nước ASEAN, Đông Âu, EU, Ấn Độ và các nước khu vực Trung Đông, Australia…
Công tác quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng du lịch theo hướng đồng bộ, chuyên nghiệp, hiện đại cũng được đẩy mạnh, trong đó tập trung ưu tiên đẩy nhanh việc hoàn thiện quy hoạch xây dựng một số dự án phát triển du lịch trọng điểm tại các khu vực: Ba Vì, Hương Sơn - Quan Sơn, núi Sóc - hồ Đồng Quan, hồ Đồng Mô… Hà Nội phấn đấu sớm hình thành và phát triển được trung tâm mua sắm (khu Outlet), công viên giải trí chuyên đề thương hiệu quốc tế, trung tâm thiết kế sáng tạo.
Việc phát triển sản phẩm du lịch mới, đặc sắc, hấp dẫn, chất lượng cao sẽ tập trung ưu tiên nâng cấp chất lượng điểm đến và phát triển sản phẩm du lịch gắn với các giá trị văn hóa lịch sử, di sản, hoàn thiện tuyến du lịch đường sông từ bến Chương Dương Độ - Bát Tràng - Ninh Sở - Hưng Yên và tiếp tục mở rộng các sản phẩm du lịch đường sông. Thành phố từng bước phát triển sản phẩm du lịch đêm, du lịch y tế, chăm sóc sức khỏe chất lượng cao, sản phẩm du lịch thể thao và du lịch golf. Ngành Du lịch xây dựng các tuyến du lịch hướng phía Bắc, phía Tây của trung tâm Hà Nội và nâng cấp các dịch vụ du lịch tại các không gian, tuyến phố đi bộ.
Việc đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực du lịch được triển khai đồng thời với ba đội ngũ (quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp và lao động nghề du lịch) thực sự chuyên nghiệp về nghiệp vụ, ngoại ngữ, kỹ năng.