Phát triển du lịch Gia Lai: Cần giải pháp đột phá
24/08/2022 | 14:12Gia Lai có nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử-văn hóa và những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc bản địa. Xác định rõ thế mạnh của địa phương, những năm qua, tỉnh đã nỗ lực phát triển ngành du lịch song kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có. Để du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương, tỉnh cần có những giải pháp đồng bộ, mang tính đột phá.
Nỗ lực xây dựng hình ảnh, thương hiệu du lịch
Để tạo tiền đề phát triển bền vững, tỉnh ta đã tiến hành cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội, tài nguyên thiên nhiên và văn hóa; chỉ đạo tập trung hoàn thành quy hoạch chi tiết các khu du lịch, điểm du lịch. Đến nay, UBND tỉnh phối hợp với Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch xây dựng đề án bổ sung Khu du lịch Biển Hồ-Chư Đang Ya vào danh mục các địa điểm tiềm năng phát triển khu du lịch quốc gia; triển khai các thủ tục khôi phục lập quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử phong trào nông dân Tây Sơn trên đất Gia Lai (Tây Sơn thượng đạo); xây dựng Đề án phát triển du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Đề án phát triển du lịch sinh thái tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, Dự án bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử căn cứ cách mạng của tỉnh tại xã Krong, huyện Kbang; tiến hành quy hoạch phân khu xây dựng điểm du lịch hồ Ia Ly…
Ngành du lịch tỉnh bước đầu chú trọng phát huy các lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, văn hóa truyền thống và hệ sinh thái nông nghiệp để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn, du lịch văn hóa-lịch sử. Nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử được khai thác, thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm như: đồi chè Biển Hồ, hồ Ayun Hạ, thác Phú Cường, thác Hang Dơi, thác 50, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, Làng kháng chiến Stơr, Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo, Quảng trường Đại Đoàn Kết, thủy điện Ia Ly, chùa Minh Thành, chùa Bửu Minh… Du lịch cộng đồng được quan tâm triển khai, đã dần hình thành mô hình du lịch cộng đồng tại làng Ốp (TP. Pleiku), làng Stơr, làng Mơ Hra (huyện Kbang), làng Ia Gri (huyện Chư Păh).
Các sự kiện văn hóa, thể thao cũng được tổ chức để xây dựng hình ảnh điểm đến Gia Lai. Trong 5 năm qua, một số sự kiện có quy mô lớn được tổ chức khá thành công tại Gia Lai như: Festival Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên năm 2018, Trình diễn kết nối cung cầu công nghệ-TECHDEMO 2019, Ngày cà phê Việt Nam lần thứ 3-2019, Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 62-2021... Các huyện, thị xã, thành phố cũng đã duy trì, nâng cao chất lượng và quảng bá các sự kiện văn hóa tạo sức hút đối với khách tham quan, du lịch như: lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya (huyện Chư Păh), lễ kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa và Hội cầu huê, lễ hội dâu da đỏ (thị xã An Khê), lễ cầu mưa của Yang Pơtao Apui (huyện Phú Thiện), Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô (huyện Ia Grai), Ngày hội du lịch huyện Kbang, Ngày hội hoa muồng vàng (huyện Chư Prông), phiên chợ cửa khẩu (huyện Đức Cơ)…
Các hoạt động quảng bá tiềm năng, thế mạnh, các danh lam thắng cảnh, nét độc đáo về con người, lịch sử, văn hóa của tỉnh đến với du khách trong và ngoài nước cũng được đẩy mạnh. Gia Lai đã triển khai liên kết, ký kết phát triển du lịch với các tỉnh, thành, đơn vị như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Nghệ An, Câu lạc bộ Du lịch cộng đồng (CTC), Diễn đàn du lịch vừa và nhỏ Việt Nam (VTF) và các tỉnh Tây Nguyên; tổ chức đón các đoàn Famtrip (khảo sát du lịch) và các hội nghị, hội thảo xúc tiến du lịch với các Sở Du lịch, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, báo đài của các địa phương. Tỉnh cũng đã phối hợp với Tổng cục Du lịch xây dựng Kế hoạch phát triển du lịch khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Một số cơ quan, địa phương đã kết hợp nhiều hình thức để tuyên truyền, quảng bá du lịch, mở rộng liên kết với cơ quan quản lý du lịch ở trung ương, ngành, địa phương khác nhằm tăng cường nâng cao nhận thức, trách nhiệm về phát triển du lịch của các cơ quan, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp, du khách và cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh. Các hoạt động quảng bá du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang mạng xã hội được triển khai thường xuyên và bước đầu quảng bá vùng đất, con người Gia Lai ra với bạn bè trong nước, quốc tế.
Để du lịch thật sự vươn mình
Tuy đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, song nhìn một cách thẳng thắn, sau 5 năm thực hiện Chương trình số 43-CTr/TU ngày 26/6/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị (khóa XII) "về phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn", ngành du lịch của tỉnh chưa phát triển đột phá như kỳ vọng và đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch còn quá khiêm tốn, chưa tạo cú hích để phát triển; nguồn nhân lực du lịch của tỉnh vừa thiếu, vừa yếu; doanh nghiệp kinh doanh lữ hành của tỉnh còn ít, năng lực chưa cao nên hạn chế trong việc kết nối và xây dựng sản phẩm du lịch nói chung cũng như liên kết với các doanh nghiệp ngoài tỉnh; các huyện, thị xã, thành phố chưa có sự phối hợp, hỗ trợ nhau trong việc khai thác những ưu thế của từng địa phương để gắn kết các sự kiện du lịch đơn lẻ của địa phương thành một chuỗi sự kiện của tỉnh...
Gia Lai đề ra mục tiêu đến năm 2025 đón 2,1 triệu lượt khách, tổng doanh thu du lịch đạt 1.400 tỷ đồng, phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, đóng góp cho sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng phát triển dịch vụ. Để đạt được mục tiêu này, tỉnh cần có giải pháp đồng bộ, mang tính đột phá. Cụ thể, tỉnh cần phát huy tốt hơn lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, văn hóa truyền thống và hệ sinh thái nông nghiệp nhằm phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn, du lịch văn hóa-lịch sử theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả. Muốn làm được điều này, tỉnh phải đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các quy hoạch chi tiết phát triển du lịch. Các địa phương xác định vai trò, trách nhiệm của mình trong việc định hướng xây dựng sản phẩm cụ thể, phù hợp dựa vào đặc điểm, lợi thế của địa phương mình; nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành, cộng đồng, doanh nghiệp trong việc đóng góp, hỗ trợ cho du lịch phát triển.
Bên cạnh đó, cần tập trung phát triển sản phẩm chủ lực, phát huy được lợi thế của tỉnh. Chú trọng đầu tư các khu, điểm du lịch có quy mô lớn, chất lượng dịch vụ cao để tạo điểm nhấn cho du lịch Gia Lai như: Dự án Khu du lịch Biển Hồ-Chư Đang Ya, Khu du lịch sinh thái thác Phú Cường… Phát huy hiệu quả của Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo, Khu di tích lịch sử căn cứ cách mạng của tỉnh và các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh trong việc khai thác loại hình du lịch văn hóa-lịch sử. Khai thác hiệu quả loại hình du lịch sinh thái của Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, lòng hồ Ayun Hạ, lòng hồ thủy điện Sê San 4, thác Mơ… Hình thành các mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn trên cơ sở lợi thế tiềm năng về văn hóa bản địa, ngành nghề thủ công truyền thống, sản xuất rau, hoa và cây ăn quả…
Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần huy động đa dạng các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch. Tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông tại các cụm du lịch, khu vực động lực phát triển du lịch như: Khu du lịch Biển Hồ-Chư Đang Ya, Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo, tuyến du lịch Phú Thiện-Chư Sê, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng… Hoàn thiện cơ chế chính sách, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, cộng đồng, các thành phần kinh tế tham gia vào lĩnh vực du lịch, phát huy xã hội hóa trong đầu tư cơ sở vật chất du lịch. Triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 108/2019-NQ/HĐND ngày 10/7/2019 của HĐND tỉnh "Quy định một số chính sách hỗ trợ đầu tư du lịch, hoạt động xúc tiến du lịch, đào tạo nguồn nhân lực và phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Gia Lai" nhằm tạo cú hích thu hút sự tham gia đầu tư vào lĩnh vực du lịch của các cá nhân, cộng đồng và doanh nghiệp. Xây dựng quy chế quản lý khách du lịch là người nước ngoài trên địa bàn tỉnh, tạo cơ chế thông thoáng cho các loại hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch nông thôn phát triển.
Đồng thời, tỉnh cần làm tốt hơn nữa công tác xúc tiến, quảng bá du lịch. Tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác thông tin, truyền thông về du lịch. Vận hành hiệu quả "Cổng thông tin và ứng dụng thông minh phục vụ du khách trên thiết bị di động tích hợp bản đồ số" để hỗ trợ khách du lịch, phát triển điểm đến du lịch thông minh, phục vụ cho công tác quản lý nhà nước và xúc tiến, quảng bá du lịch. Thường xuyên quảng bá hình ảnh, văn hóa, sản phẩm du lịch, từng bước định vị hình ảnh, thương hiệu du lịch Gia Lai với du khách trong và ngoài nước. Xây dựng các video, ấn phẩm quảng bá du lịch có chất lượng về hình ảnh, nội dung phù hợp khi tham gia các hội nghị, hội thảo, hội chợ du lịch. Xây dựng chuyên trang về du lịch trên báo, đài địa phương và trung ương. Truyền tải các thông tin, thông điệp về du lịch địa phương bằng nhiều hình thức khác nhau trên mạng internet và mạng xã hội. Triển khai hiệu quả các chương trình liên kết phát triển du lịch với các tỉnh thành, các câu lạc bộ, diễn đàn, tổ chức, doanh nghiệp du lịch.
Ngoài ra, tỉnh cần chú trọng đúng mức công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về quản lý du lịch, gắn với nội dung ứng dụng công nghệ thông tin, quản lý điểm đến cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về du lịch. Quan tâm đào tạo kỹ năng nghề, kỹ năng mềm, ngoại ngữ đối với lao động trực tiếp của ngành du lịch. Tạo sự kết nối tốt hơn giữa Nhà nước và doanh nghiệp; hỗ trợ, tạo điều kiện để nâng cao năng lực quản trị, cạnh tranh của doanh nghiệp du lịch tỉnh; quan tâm giải quyết những khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện cho du lịch hoạt động tốt trong điều kiện mới.