Phát triển du lịch Cụm phía Tây Đồng bằng sông Cửu Long
25/07/2022 | 14:08Vừa qua, tại Cần Thơ, Hiệp hội du lịch Đồng bằng sông Cửu Long phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 trong hợp tác, liên kết phát triển du lịch Cụm phía Tây Đồng bằng sông Cửu Long.
Đây là dịp để các địa phương trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, tìm giải pháp phát triển du lịch cụm, đưa ngành du lịch sớm phục hồi, phát triển.
Ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết, cụm phía Tây Đồng bằng sông Cửu Long gồm 7 đơn vị là: thành phố Cần Thơ và các tỉnh: An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc liêu, Cà Mau. Các tỉnh, thành phố đều có tài nguyên du lịch nổi trội, tính đại diện của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Do đó, các địa phương cần liên kết phát triển dựa trên tiềm năng thế mạnh của mỗi tỉnh, thành phố; từ đó tạo ra sản phẩm du lịch đặc thù, hài hòa trong chuỗi tour, tuyến du lịch của toàn cụm mà không hề dẫm chân nhau. Cụ thể như, du lịch sinh thái sông nước; tham quan chợ nổi Cái Răng; Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ (Cần Thơ); Rừng tràm Trà Sư, lễ hội đua bò (An Giang); Khu dự trữ sinh quyển - Vườn quốc gia Đất Mũi (Cà Mau); rừng ngập mặn ven biển Bạc Liêu; tham quan trải nghiệm hệ sinh thái biển đảo tại Kiên Giang. Ngoài ra còn có các lễ hội dân gian truyền thống dân tộc Khmer, dân tộc Chăm, tiêu biểu là lễ hội đua ghe Oóc-om-bóc (Sóc Trăng); tham quan di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng, trải nghiệm du lịch sinh thái nông nghiệp tại Hậu Giang…
Sáu tháng đầu năm 2022, kết quả hoạt động du lịch Cụm phía Tây Đồng bằng sông Cửu Long đang trên đà phục hồi, phát triển, đón trên 16 triệu lượt khách đến tham quan, du lịch, tăng 57,3% so với cùng kỳ năm 2021. Doanh thu du lịch đạt trên 12,5 nghìn tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ.
Ông Trần Việt Phường, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đồng bằng sông Cửu Long cho rằng, có được kết quả tích cực này, 7 tỉnh, thành phố Cụm phía Tây đã tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch phù hợp với điều kiện của từng địa phương; thực hiện tốt công tác liên kết, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước, đào tạo nguồn nhân lực du lịch và tổ chức phối hợp tổ chức sự kiện du lịch quan trọng. Qua đó đã từng bước góp phần thúc đẩy khôi phục, phát triển ngành du lịch của vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và các tỉnh, thành phố Cụm phía Tây nói riêng trong tình hình mới.
Riêng đối với Cần Thơ, thành phố đã, đang tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch; chú trọng liên kết hợp tác phát triển du lịch với các địa phương để phát huy vai trò là trung tâm vùng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thành phố Cần Thơ cũng đã phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện thúc đẩy phát triển du lịch, như: triển khai kế hoạch hợp tác liên kết phát triển du lịch Cụm phía Tây Đồng bằng sông Cửu Long năm 2022; triển khai liên kết hợp tác phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long; tổ chức thành công chuỗi hoạt động khánh thành Đền thờ Vua Hùng, Liên hoan đờn ca tài tử cấp quốc gia lần thứ 3; Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ lần thứ 9; tổ chức quảng bá, xúc tiến du lịch “Đến với Cần Thơ - Đô thị miền sông nước” năm 2022 tại tỉnh Thanh Hóa. Sáu tháng đầu năm, thành phố đã đón trên 3,1 triệu lượt khách, doanh thu đạt trên 2.000 tỷ đồng, tăng trên 55% so cùng kỳ.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Nguyễn Thực Hiện nhấn mạnh: Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa và hội nhập quốc tế, mang nội dung văn hóa sâu sắc. Để phát triển du lịch đòi hỏi có sự liên kết hợp tác giữa cơ quan nhà nước, các Hiệp hội du lịch và doanh nghiệp du lịch nhằm đa dạng sản phẩm, kết nối tour, tuyến liên vùng, thúc đẩy du lịch phát triển nhanh, bền vững.