Phát triển dịch vụ du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, từng bước xây dựng thương hiệu du lịch Hòa Bình
29/05/2023 | 09:08Trong hơn 2 năm qua, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo Du lịch tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương triển khai có hiệu quả Đề án cơ cấu lại ngành Du lịch, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Từ đó, cơ cấu lại thị trường khách, sản phẩm du lịch, các nguồn lực đầu tư phát triển du lịch, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, hệ thống quản lý du lịch trên địa bàn tỉnh góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng tỷ trọng ngành dịch vụ du lịch, đóng góp vào việc tăng thu ngân sách Nhà nước, từng bước xây dựng, quảng bá thương hiệu du lịch Hòa Bình.
Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án phát triển Khu du lịch Hồ Hòa Bình thành Khu du lịch quốc gia, phấn đấu đến năm 2025, Khu du lịch đạt các tiêu chí để công nhận là Khu du lịch quốc gia, đến nay đã đạt 3/5 tiêu chí. Phối hợp thực hiện Nghị quyết và Đề án xây dựng phát triển các xã vùng cao của huyện Tân Lạc thành khu du lịch cấp tỉnh năm 2030, tầm nhìn đến 2050. Phối hợp với các ngành hữu quan thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là trong vùng lõi Khu du lịch Hồ Hòa Bình và Khu du lịch Mai Châu, kêu gọi các nhà đầu tư phát triển sản phẩm du lịch gắn với mục tiêu giữ gìn và bảo vệ môi trường sinh thái. Tạo điều kiện các nhà đầu tư nghiên cứu triển khai các dự án Khu đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cao cấp Đồi Thung; Khu đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng khoáng nóng cao cấp Hồ Khả tại xã Quý Hòa; Khu du lịch nghỉ dưỡng Parahill Hòa; Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Lahills… là những dự án phát triển du lịch nghỉ dưỡng sinh thái có quy mô, đảm bảo giữ gìn cảnh quan môi trường và phát triển theo hướng du lịch xanh. Tích cực tham mưu các giải pháp thúc đẩy, quảng bá kích cầu du lịch như đưa vào khai thác, sử dụng hiệu quả Cổng du lịch thông minh của tỉnh; quản lý, vận hành tốt Trang thông tin quảng bá Khu du lịch Hồ Hòa Bình, tổ chức và tham gia các hội nghị, hội thảo, chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch.
Tính đến nay, tỉnh Hòa Bình có 67 dự án đầu tư lĩnh vực du lịch, trong đó với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 36.000 tỷ đồng. Trên địa bàn tỉnh hiện có 478 cơ sở lưu trú với gần 5.000 buồng, phòng. Toàn tỉnh có hơn 30 di tích danh thắng, điểm du lịch được đưa vào khai thác; 09 điểm, 01 khu du lịch được công nhận là điểm, khu du lịch cấp tỉnh; 07 Công ty lữ hành, Chi nhánh văn phòng đại diện; trên 300 phương tiện vận chuyển thủy, bộ tham gia phục vụ khách. Sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, từ năm 2022 đến nay, hoạt động du lịch đã khởi động lại và tăng trưởng mạnh mẽ. Năm 2022, tỉnh đón trên 3,1 triệu lượt khách, tổng doanh thu đạt 3.614 tỷ đồng. Năm 2023, phấn đấu tổng số khách du lịch đến Hòa Bình là 3,5 triệu lượt khách, tổng thu từ khách du lịch đạt 3.900 tỷ đồng. Ước đến 30/6/2023, toàn tỉnh đón 2.360.000 lượt khách du lịch (trong đó có 180.000 lượt khách quốc tế), đạt 67,45 kế hoạch năm.
Thời gian tới, tỉnh phát triển dịch vụ du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, từng bước xây dựng thương hiệu du lịch Hòa Bình. Phấn đấu đến năm 2025, đón 4,9 triệu lượt khách, tổng doanh thu từ du lịch đạt khoảng 5.400 tỷ đồng. Huy động các nguồn lực để bảo tồn, tôn tạo và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số trong tỉnh gắn với phát triển du lịch. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về du lịch, chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện các quy hoạch, kế hoạch, đề án của Trung ương, của tỉnh về phát triển du lịch. Ưu tiên nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, huy động các nguồn lực của toàn xã hội đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch, đặc biệt là hệ thống đường giao thông, bến thuyền kết nối các điểm du lịch tạo thuận lợi cho phát triển du lịch. Lựa chọn những nhà đầu tư có thương hiệu, có tiềm lực tài chính để triển khai các dự án có quy mô lớn, đầu tư các khu nghỉ dưỡng, khách sạn từ 4 đến 5 sao tạo nên các sản phẩm du lịch mang tính cạnh tranh cao, thu hút dòng khách có mức chi tiêu cao nhằm tăng trưởng cả về mặt số lượng khách, doanh thu cho ngành du lịch. Thúc đẩy phát huy hiệu quả các chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch trong nước và quốc tế.
Đổi mới công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch. Hoàn thiện sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy cán bộ ngành du lịch, đáp ứng yêu cầu hội nhập, phát triển. Tăng cường vận động người dân gìn giữ phong tục tập quán truyền thống; bảo vệ tài nguyên môi trường, nhằm gắn kết giữa phát triển du lịch với bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc và phát triển bền vững. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học – công nghệ và số hóa trong đầu tư, tuyên truyền, quảng bá, hình ảnh, sản phẩm du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng để thu hút du khách và các doanh nghiệp đầu tư du lịch trên địa bàn toàn tỉnh./.