Phát triển các tour du lịch cộng đồng ở miền Tây Quảng Trị
27/12/2022 | 15:38Du lịch cộng đồng là hình thức kinh doanh du lịch dựa trên tài nguyên thiên nhiên, đặc điểm văn hóa địa phương, trong đó người dân bản địa đóng vai trò quan trọng. Theo thời gian, loại hình du lịch này đang ngày càng được mở rộng đem lại lợi ích về kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho người dân, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và bảo vệ cảnh quan sinh thái, môi trường tự nhiên.
Xác định được tầm quan trọng của mô hình du lịch này cùng với những tiềm năng lợi thế về thiên nhiên vốn có, những năm qua, hai huyện miền núi Hướng Hóa, Đakrông, tỉnh Quảng Trị đã chú trọng phát triển du lịch địa phương, đặc biệt là mô hình du lịch cộng đồng. Tập trung kêu gọi các nguồn lực để đầu tư tôn tạo, nâng cấp các di tích lịch sử, chú trọng phát triển các làng nghề truyền thống, các nghề tiểu thủ công nghiệp phục vụ du lịch, tạo việc làm, tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho người dân.
Từ năm 2014, thông qua sự hỗ trợ của dự án Phát triển du lịch tiểu vùng sông Mê Kông, huyện Đakrông đã tập trung đầu tư xây dựng và khai thác Khu du lịch cộng đồng Klu. Với vị trí thuận lợi, khu du lịch cộng đồng mang vẻ đẹp hoang sơ, thiên nhiên đa dạng này từng thu hút rất nhiều khách du lịch ghé thăm. Du khách đến đây vừa tắm suối nước nóng thư giãn, vừa ngắm cảnh núi rừng hùng vĩ, thưởng thức ẩm thực truyền thống và tham gia các trò chơi, múa hát của đồng bào các dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Kô.
Tại Hướng Hóa, thác Tà Puồng ở thôn Trăng - Tà Puồng, xã Hướng Việt cũng là một trong những địa điểm được nhiều khách du lịch lựa chọn khi đến Quảng Trị. Tại đây, du khách không chỉ cảm nhận được vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ của núi rừng mà còn được hít thở bầu không khí trong lành, đắm mình trong làn nước mát lạnh, trong vắt của hồ nước rộng khoảng 5.000 m² mà còn có cơ hội khám phá nét văn hóa đặc sắc của người dân địa phương. Vào mùa nắng nóng, bình quân mỗi ngày, thác Tà Puồng đón khoảng vài trăm lượt khách đến tham quan.
Anh Lê Trường Sơn, một du khách ở tỉnh Thanh Hóa có dịp đến đây đã hào hứng cho biết: “Lúc trước tôi chỉ biết đến thác Tà Puồng qua báo chí và mạng xã hội. Khi đến đây mới thực sự bất ngờ trước vẻ đẹp của thiên nhiên, sự thân thiện của người dân. Ngoài thác Tà Puồng, tôi còn có cơ hội đi tham quan nhiều địa điểm khác như động Brai, đèo Sa Mù, sân bay Tà Cơn, nhà tù Lao Bảo...”.
Khu du lịch cộng đồng Klu hay thác Tà Puồng chỉ là hai trong số rất nhiều mô hình du lịch cộng đồng được các địa phương xây dựng hiện nay. Bản chất của du lịch cộng đồng là mô hình tương đối bền vững nhờ lợi thế gần gũi, gắn bó thân thiện với môi trường cả về tự nhiên và xã hội. Vì thế, du lịch cộng đồng không chỉ góp phần thực hiện mục tiêu chung của ngành Du lịch mà còn đóng góp trực tiếp vào xu thế phát triển bền vững ở Quảng Trị.
Tuy hoạt động du lịch cộng đồng tại miền núi phía Tây Quảng Trị vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế như chưa có sự đầu tư bài bản, không có quy hoạch tổng thể; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu, thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, khí hậu nên hoạt động du lịch cộng đồng mang tính thời vụ…
Vậy nhưng, đóng góp to lớn của du lịch cộng đồng là phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bản sắc của địa phương. Du lịch cộng đồng phát triển đem lại cơ hội phục hồi, phát triển một số nghề truyền thống, phong tục, sinh hoạt văn hóa cộng đồng như sản phẩm thủ công truyền thống, thổ cẩm, âm nhạc dân gian, ẩm thực...
Các hoạt động văn hóa dân gian, lễ hội truyền thống dần thu hút được sự tham gia của du khách, đơn vị lữ hành, góp phần quảng bá trực tiếp cho giá trị văn hóa của đồng bào.