Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Phát triển bền vững, nâng tầm thương hiệu nón lá Huế

20/10/2022 | 10:34

Thực trạng và giải pháp phát triển bền vững nón lá Huế - là chủ đề của cuộc Hội thảo do Hội Nón lá Huế tổ chức với sự tài trợ của Viện Friedrich Naunamn Foundation For Freedom Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam (FNF Việt Nam). Hội thảo có ý nghĩa trong việc gìn giữ, tôn vinh, phát huy giá trị truyền thống, duy trì hình ảnh nón lá Huế được tồn tại và phát triển một cách phù hợp với nhịp thở hiện đại trong thời kỳ hội nhập. Qua đó góp phần thúc đẩy bảo tồn các giá trị văn hóa Huế, văn hóa Việt Nam với bạn bè trong và ngoài nước.

Phát triển bền vững, nâng tầm thương hiệu nón lá Huế - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Phúc - Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế phát biểu tại Hội thảo

Hội thảo có sự tham dự của TS Phạm Hùng Tiến - Phó Giám đốc Viện FNF Việt Nam; Bà Nguyễn Thị Tuyết - nguyên Phó Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam; ông Nguyễn Văn Phúc - Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế; ông Trần Đình Hằng - Phân Viện Trưởng, Phân viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế; đại diện các sở, ban, ngành liên quan; các chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển du lịch cộng đồng và thiết kế thời trang; các nhà sản xuất, kinh doanh nón lá trên địa bàn.

Hội thảo đã nêu lên thực trạng về nghề làm nón lá ở Huế, đồng thời đi sâu phân tích, thảo luận tập trung vào các vấn đề chính về chỉ dẫn địa lý; những giải pháp phát triển bền vững; mở rộng thị trường tiêu thụ; nâng tầm thương hiệu nón lá Huế; gắn kết du lịch với nghề làm nón lá Huế….

Liên quan đến chỉ dẫn địa lý, nhiều đại biểu cho rằng điều này hết sức cần thiết nhằm nâng tầm Nón lá Huế với thương hiệu được công nhận. Vì vậy cần vận động tuyên truyền hộ gia đình, các tiểu thương gắn tem, dán nhãn để thương hiệu Nón lá Huế đứng vững trên thị trường trong và ngoài nước. Hơn nữa, đây chính là khởi đầu và làm cơ sở cho việc phát triển thương hiệu của các ngành nghề truyền thống của tỉnh.

Ngoài ra, một số đại biểu cho rằng cần thiết phải có những giải pháp để phát triển bền vững, nâng tầm thương hiệu nón lá; có các giải pháp hỗ trợ nguồn vốn, khuyến khích tiểu thủ công, xúc tiến thương mại, quảng bá, truyền thông từ nhiều góc độ, quan tâm đào tạo nghề, quan tâm tiếp thị và tìm kiếm đầu ra. Hiện nay, sản xuất và kinh doanh nón lá chỉ là những hộ nhỏ lẻ, để tăng sức mạnh về thị trường và tìm đầu ra, nên chăng cần tập hợp các hộ kinh doanh sản xuất nhỏ thành các tổ hợp hoặc hợp tác xã, tăng cường mở rộng thị trường tiêu thụ không chỉ trong nước mà còn vươn ra thị trường nước ngoài.

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần quan tâm đề xuất chính sách hỗ trợ; kết hợp mở rộng thị trường thông qua các gian hàng giới thiệu Nón lá Huế trong và ngoài nước giúp cho làng nghề nón lá phát triển bền vững. Cần có sự quan tâm về phân bổ ngân sách để hỗ trợ cho các hộ gia đình làm nghề nón nhưng gặp khó khăn theo tỷ lệ nhất định nhằm khuyến khích họ giữ nghề và đảm bảo cuộc sống tối thiểu.

Đặc biệt các sở, ban ngành, hiệp hội, nhất là các doanh nghiệp du lịch tiếp tục đồng hành và hỗ trợ với Hội Nón lá Huế và những người làm nón trong công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch trong và ngoài nước. Cần tiến hành khảo sát đánh giá đúng thực trạng, từ đó từ đó triển khai từng bước đề án xây dựng mô hình làng nghề mang tính sáng tạo, nhưng vẫn bảo tồn được nghề làm Nón thủ công, giữ gìn bản sắc văn hóa xứ Huế và gắn kết với nhiều hoạt động đa dạng theo thị hiếu tiêu dùng và dịch vụ thương mại, nhằm thu hút khách du lịch của các đơn vị du lịch, lữ hành, nhà cung cấp tour, tuyến cũng như khách du lịch cá nhân.

Phát triển bền vững, nâng tầm thương hiệu nón lá Huế - Ảnh 2.

Nón lá Huế - một sản phẩm truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa, phản ánh sinh động dòng chảy lịch sử lâu đời của vùng đất cố đô. Nón lá từ lâu đã ghi dấu ấn đậm sâu trong thơ ca, văn học nghệ thuật và cả trong nếp sinh hoạt hàng ngày của người dân, trở thành biểu trưng cho vẻ đẹp, sự dịu dàng, thanh lịch, duyên dáng của người con gái Huế với nét đặc trưng riêng so với những chiếc nón của một số địa phương khác. Nghề làm nón lá hình thành và phát triển ở Huế từ hàng trăm năm nay với rất nhiều làng nón nổi tiếng như: Dạ Lê, Phú Cam, Đốc Sơ,…

Gần đây, khi du lịch phát triển mạnh ở Huế, nón lá cũng trở thành mặt hàng lưu niệm mang nét văn hóa đặc sắc được du khách ưa chuộng, trở thành một hình ảnh thường xuyên gắn với các hoạt động của ngành du lịch. Rất nhiều du khách đã về các làng làm nón ở Huế để được tận mắt chứng kiến và tham gia vào các công đoạn của nghề làm nón. Không ít người thực sự bất ngờ và thích thú khi được người thợ nón lưu ảnh, tên của mình trên chiếc nón bài thơ mang về làm kỷ niệm.

Hiện nay, những làng nghề nón lá Vân Thê, Phú Cam và các cơ sở làm nón nghệ thuật trên địa bàn thành phố Huế đã trở thành điểm đến tham quan, trải nghiệm trong các tour du lịch, tạo ấn tượng khó quên đối với du khách, nhất là khách quốc tế trong hành trình khám phá Huế. Qua 08 kỳ Festival nghề truyền thống Huế, sản phẩm nghề truyền thống, làng nghề truyền thống Huế nói chung và nghề nón lá nói riêng đã đến với người tiêu dùng và khách du lịch những mẫu mã phong phú đa dạng với những nét văn hóa độc đáo, góp phần khẳng định và nâng cao vị thế văn hóa Huế, văn hóa Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Phúc - Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế cho biết, trong thời gian tới, để duy trì được ngành nghề truyền thống, khai thác tốt thế mạnh, tiềm năng của du lịch làng nghề nói chung và nghề nón lá Huế nói riêng, cần gắn việc quảng bá hình ảnh nón lá Huế với quảng bá các giá trị văn hóa, lịch sử, áo dài Huế, Festival Huế, tiềm năng, triển vọng phát triển du lịch của Thừa Thiên Huế. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện số hóa dữ liệu về lịch sử hình thành, phát triển của nón lá Huế, về các vùng đất, làng nghề truyền thống làm nón Huế, về chuỗi sản phẩm nón lá Huế. Sở đang chuẩn bị triển khai đề án “Phát triển du lịch nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022-2030”, trong đó có làng nghề nón lá để có định hướng hỗ trợ bảo tồn phát triển nghề làm nón.

Phát triển bền vững, nâng tầm thương hiệu nón lá Huế - Ảnh 3.

Nón lá ở Chợ Đông Ba


Theo thuathienhue.gov.vn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×