Phát huy giá trị di sản tư liệu ở Việt Nam
10/12/2022 | 09:09Ngày 9/12 tại Hà Nội, Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL), cơ quan đầu mối của Ủy ban quốc gia Chương trình Ký ức thế giới Việt Nam phối hợp với Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức Tọa đàm “Hành trình ghi danh di sản tư liệu ở Việt Nam - hiện tại và tương lai”.
Đây là sự kiện nhân kỷ niệm 30 năm Chương trình Ký ức thế giới, 16 năm Việt Nam tham gia Chương trình Ký ức thế giới.
Việt Nam tham gia tích cực vào Chương trình Ký ức Thế giới
Tham dự sự kiện có Lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam; Cục Di sản Văn hóa; Đại diện Ủy ban Quốc gia Chương trình Ký ức Thế giới Việt Nam và các nguyên lãnh đạo Bộ Nội vụ, Cục văn thư lưu trữ Quốc gia, các chuyên gia, các nhà ngoại giao, các nhà quản lý Di sản tư liệu....
Phát biểu tại tọa đàm, Cục trưởng Cục Di sản văn hoá, Chủ tịch Uỷ ban quốc gia Chương trình Ký ức Thế giới Việt Nam Lê Thị Thu Hiền nhấn mạnh, sự kiện nhằm thể hiện vai trò, đóng góp và trách nhiệm của Việt Nam trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu Việt Nam tới đông đảo bạn bè, đồng nghiệp trong nước, khu vực và thế giới.
Theo đó, năm 1992, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã khởi xướng Chương trình Ký ức thế giới (MOW) nhằm ghi nhận những di sản tư liệu có giá trị, mang tầm quan trọng cấp quốc tế, khu vực và quốc gia; hướng cộng đồng vào việc gìn giữ các di sản từ nhu cầu ngày càng tăng về việc bảo tồn, tiếp cận những di sản tư liệu quý hiếm, có nguy cơ bị xâm hại ở nhiều nước và các khu vực khác nhau trên thế giới. Năm 2006, Việt Nam chính thức tham gia Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO.
Bà Lê Thị Thu Hiền nhận định, từ khi tham gia Chương trình đến nay, Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng về nhận thức, lý luận và thực tiễn trong lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu theo tinh thần của Chương trình, thông qua việc tổ chức nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của xã hội nói chung và các cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý/sở hữu di sản tư liệu nói riêng. Từ đó, nâng cao ý thức trong việc bảo vệ và phát huy giá trị quan trọng của di sản mà họ đang nắm giữ.
"Hiện Việt Nam có 09 di sản tư liệu được UNESCO ghi danh gồm 3 di sản tư liệu thế giới và 6 di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương, còn có 2 hồ sơ di sản tư liệu đang nộp đề cử vào Danh sách Di sản tư liệu thế giới chu kỳ 2022 – 2023 là Cửu đỉnh hoàng cung Huế và Bộ sưu tập tài liệu của Nhạc sĩ Hoàng Vân”, bà Lê Thị Thu Hiền cho biết.
Theo bà Lê Thị Thu Hiền, Uỷ ban quốc gia Chương trình Ký ức thế giới đã có nhiều nỗ lực hướng tới việc hoàn thiện hành lang pháp lý quản lý Nhà nước về di sản tư liệu: xây dựng các quy định, TCVN thuật ngữ và định nghĩa, dự thảo Thông tư kiểm kê hay đề xuất các nội dung quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu trong Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Bên cạnh đó, việc tiếp cận, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm về quản lý, quảng bá di sản cũng được Việt Nam quan tâm, đầu tư bằng việc ban hành các Chương trình bảo tồn bền vững và số hóa di sản văn hóa Việt Nam của Chính phủ; đầu tư đào tạo các chuyên gia sâu về di sản tư liệu; tham gia các khóa tập huấn, khóa học, hội nghị, hội thảo trong nước, khu vực và thế giới…
Bà Lê Thị Thu Hiền khẳng định, Việt Nam là thành viên có trách nhiệm, uy tín và hoàn thành tốt, chất lượng các nghĩa vụ thành viên. Từ năm 2018, do tích cực củng cố đầu mối hoạt động, tổ chức nhiều hoạt động liên kết với Chương trình, hướng tới việc hoàn thiện các quy định hành lang pháp lý và tổ chức bộ máy, Việt Nam đã được tín nhiệm bầu là Phó Chủ tịch Ủy ban Chương trình Ký ức khu vực châu Á- Thái Bình Dương (MOWCAP) (2018 - nay). Đây thực sự là những hoạt động thiết thực với sự nỗ lực và trách nhiệm cao của Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Uỷ ban quốc gia Chương trình Ký ức thế giới Việt Nam và những người tâm huyết với di sản tư liệu nói riêng, di sản văn hóa nói chung, với mong muốn những việc làm hiện tại sẽ là nền tảng vững chắc cho hoạt động quản lý, bảo vệ di sản tư liệu trong nước và lan tỏa các giá trị Việt Nam còn đang tiềm ẩn đối với bạn bè, đồng nghiệp khu vực và trên thế giới.
Trong thời gian tới, Ủy ban quốc gia Chương trình Ký ức thế giới Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa từ Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam trong các hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu; tăng cường hợp tác, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm từ Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới và khu vực của UNESCO, các quốc gia thành viên về bảo vệ và quảng bá di sản tư liệu thông qua các hội thảo khoa học, trao đổi chuyên gia và ấn phẩm liên quan…
Mở rộng tiếp cận cho công chúng nói chung với các tư liệu độc bản có giá trị
Bà Phạm Thị Thanh Bình, Tổng Thư ký Uỷ ban quốc gia UNESCO của Việt Nam cho rằng để một hồ sơ được ghi danh vào Danh mục Ký ức Thế giới, dù ở cấp nào đều đòi hỏi rất nhiều nỗ lực từ các phía. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là làm thế nào để bảo vệ, phát huy các giá trị của mỗi danh hiệu đem lại không phải là điều đơn giản. Cũng như các Chương trình khác của UNESCO, Chương trình Ký ức Thế giới khuyến khích bảo quản an toàn, nguyên vẹn các di sản tư liệu dưới nhiều hình thức khác nhau để đảm bảo khả năng tiếp cận rộng rãi, lâu dài, vĩnh viễn của di sản tư liệu. Đồng thời nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của di sản tư liệu trong đời sống con người. Những mục tiêu này đang ngày càng đặt ra cấp thiết hơn trước sự biến đổi khí hậu đang diễn ra nghiêm trọng trên toàn cầu. Nó đòi hỏi khá nhiều công lực, vật lực và trên hết là sự nhiệt tâm cũng như quyết tâm của những người làm công tác quản lý các di sản.
“Khuyến nghị UNESCO 2015 về bảo tồn và tiếp cận di sản tư liệu, bao gồm cả di sản tư liệu ở dạng kỹ thuật số đã cung cấp các nguyên tắc hướng dẫn cho công việc của Tổ chức về vận động và phát triển chính sách. Vì vậy, các địa phương, cơ quan có di sản tư liệu cần chủ động xây dựng lộ trình và kế hoạch hành động tập trung vào 5 lĩnh vực như xác định rõ các di sản tư liệu hiện có; xây dựng và triển khai các kế hoạch bảo tồn di sản tư liệu; xây dựng các phương pháp tiếp cận di sản tư liệu rộng rãi, phục vụ các tầng lớp nhân dân, xã hội đều có thể tham khảo và nghiên cứu một cách thuận tiện; xây dựng các chính sách quản lý, bảo tồn và khai thác di sản tư liệu; thúc đẩy hợp tác quốc tế với các quốc gia trong khu vực và quốc tế”, bà Phạm Thị Thanh Bình đề xuất.
Đồng quan điểm, bà Phạm Thị Thanh Hường, Trưởng Ban Văn hoá, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội nhận định UNESCO đã thiết lập Chương trình Ký ức Thế giới vào năm 1992 nhằm bảo vệ Di sản tư liệu của thế giới thuộc về tất cả mọi người. Di sản tư liệu thế giới là những ký ức quý giá chung của nhân loại, cần được bảo tồn và bảo vệ đầy đủ cho tất cả mọi người. Di sản tư liệu với sự công nhận thích đáng về các tập tục và thực tiễn văn hóa cần phải luôn luôn được tiếp cận mà không gặp trở ngại nào đối với tất cả mọi người.
Bà Phạm Thị Thanh Hường tiếp tục khẳng định: “Việc bảo vệ và chia sẻ di sản tư liệu đa dạng theo Chương trình Ký ức Thế giới của UNESCO có ý nghĩa quan trọng đối với việc tiếp cận và bảo vệ những thông tin, tri thức đa dạng mà con người đã tạo ra; để hiểu biết về quá khứ; sử dụng những tri thức đó để nhận diện đầy đủ hơn hiện tại. Di sản tư liệu còn có giá trị trong phục vụ dự báo tương lai. Việt Nam tham gia tích cực của Việt Nam và cam kết mở rộng tiếp cận cho công chúng nói chung với các tư liệu độc bản có giá trị”.