Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Phát huy giá trị công viên địa chất Lạng Sơn: Dòng chảy sự sống nơi miền đất thiêng

03/04/2024 | 11:35

Với mong muốn phát triển du lịch bền vững dựa vào các giá trị cốt lõi của Công viên địa chất Lạng Sơn và trở thành Công viên địa chất toàn cầu UNESCO vào năm 2025, tỉnh Lạng Sơn đang triển khai xây dựng 4 tuyến du lịch với 38 điểm đến.

 

Phát huy giá trị công viên địa chất Lạng Sơn: Dòng chảy sự sống nơi miền đất thiêng - Ảnh 1.

Tọa đàm và ký kết hợp tác phát triển du lịch Công viên địa chất Lạng Sơn.

Tọa đàm và ký kết hợp tác phát triển du lịch Công viên địa chất Lạng Sơn diễn ra chiều 2/4, tại Hà Nội do Ban Quản lý Công viên địa chất Lạng Sơn phối hợp với Công ty TNHH Viện Phát triển du lịch bền vững Việt Nam tổ chức. Sự kiện có sự tham dự của đại diện Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, các chuyên gia du lịch, đại diện các công ty du lịch, lữ hành Hà Nội và Lạng Sơn.

Tọa đàm được tổ chức nhằm giới thiệu, quảng bá Công viên địa chất Lạng Sơn cùng 38 điểm đến trên 4 tuyến du lịch Công viên địa chất Lạng Sơn đến các cơ quan truyền thông, các công ty du lịch, lữ hành.

Công viên địa chất Lạng Sơn được thành lập từ năm 2021, đến năm 2023 điều chỉnh phạm vi ranh giới lên 8 huyện, thành phố, diện tích khoảng 4.842 km2, dân số khoảng 627.000 người (chiếm 58% diện tích và 78% dân số toàn tỉnh).

Phát huy giá trị công viên địa chất Lạng Sơn: Dòng chảy sự sống nơi miền đất thiêng - Ảnh 2.

Bà Phạm Thị Hương, Phó trưởng Ban Quản lý Công viên địa chất Lạng Sơn phát biểu tại Tọa đàm.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, bà Phạm Thị Hương, Phó trưởng Ban Quản lý Công viên địa chất Lạng Sơn cho biết: “Hiện nay, Ban Quản lý Công viên địa chất Lạng Sơn đã trình bộ hồ sơ lên UNESCO và đang hoàn thiện các tiêu chí về hạ tầng và cảnh quan. Dự kiến, cơ bản xong trước tháng 7.2024 để đón đoàn chuyên gia thẩm định danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu Lạng Sơn, hướng tới mở cửa cho công chúng tham quan, khai thác phát triển du lịch bền vững”.

Với chủ đề “Dòng chảy sự sống nơi miền đất thiêng”, 4 tuyến với 38 điểm du lịch tại Công viên địa chất Lạng Sơn: Khám phá thế giới thượng ngàn; Hành trình về miền thiên giới; Cuộc sống dân dã nơi trần thế; Đường đến thủy cung. Những điểm đến hấp dẫn ở Công viên địa chất Lạng Sơn đang chờ những bước chân khám phá. Chỉ nghe tên điểm đến, tên hành trình đã thấy đầy cuốn hút: Đại dương cổ bình yên, phun trào lục địa, thế giới cúc, sự sống cổ dưới đại dương, dòng chảy thời gian, ký ức biển, thế giới đầm hồ Na Dương, hang Thẩm khuyên- thẩm hai, văn hóa tiền sử Mai Pha, hang gió....

Các tuyến du lịch lịch này đang được triển khai trên nền tảng gắn kết các địa điểm tiêu biểu về lịch sử tiến hóa liên tục của sự sống và tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ; các di sản văn hóa đặc sắc và cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp. Đó là sự kết hợp hài hòa giữa lịch sử hình thành thế giới tự nhiên và cảnh quan địa chất, sự đa dạng về văn hóa và tín ngưỡng thờ Mẫu ở Lạng Sơn.

Phát huy giá trị công viên địa chất Lạng Sơn: Dòng chảy sự sống nơi miền đất thiêng - Ảnh 3.

Tọa đàm thu hút các chuyên gia, doanh nghiệp du lịch Hà Nội, Lạng Sơn, các đối tác, nhà đầu tư du lịch, cơ quan truyền thông.

Theo UBND Tỉnh Lạng Sơn, tổng lượng khách du lịch đến Lạng sơn quý I.2024 đạt 1,521 triệu lượt khách, tăng 12,7% so với cùng kỳ, đạt 37,5% so với kế hoạch năm. Trong đó, khách quốc tế đạt 39.000 lượt khách, tăng 334% so với cùng kỳ, đạt 24,4% so với kế hoạch năm; khách trong nước đạt 1,482 triệu lượt, tăng 10,5% so với cùng kỳ, đạt 38% so với kế hoạch năm.

Lạng Sơn xác định đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Thời gian qua, tỉnh Lạng Sơn đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật một số khu, điểm du lịch tiềm năng, trong đó có Công viên địa chất Lạng Sơn. Đồng thời, ban hành nhiều cơ chế chính sách, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính để thu hút nguồn lực đầu tư phát triển du lịch. Đây là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy Lạng Sơn phát triển toàn diện.

Hiện nay toàn tỉnh Lạng Sơn có 298 cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn phục vụ du khách. Trong đó, có 2 cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn 5 sao, 1 khách sạn 3 sao. Tổng cộng có 3.900 buồng lưu trú, trong đó có 421 buồng tiêu chuẩn 5 sao.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có hơn 60 homestay ở các vùng nông thôn, miền núi; 320 nhà hàng, cơ sở ăn uống phục vụ khách du lịch; 6 cơ sở vận chuyển khách du lịch, 13 doanh nghiệp lữ hành, 4.100 lao động trực tiếp làm du lịch, 108 hướng dẫn viên du lịch. Có 60% lao động ngành Du lịch đã được đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch.

Phát huy giá trị công viên địa chất Lạng Sơn: Dòng chảy sự sống nơi miền đất thiêng - Ảnh 4.

Lạng Sơn có nhiều tiềm năng, cơ hội để phát triển du lịch.

Tại Tọa đàm, bà Phạm Thị Giang, Giám đốc Công ty TNHH chế biến và xuất nhập khẩu lâm sản Lạng Sơn- Aforex (xã Nhân Lý, huyện Chi Lăng), chủ Trạm dừng nghỉ Hoa hồi cho biết: Xuất phát là doanh nghiệp xuất khẩu hoa hồi, với mục đích giới thiệu, quảng bá đặc sản của Lạng Sơn, Aforex đã xây dựng Trạm dừng nghỉ hoa hồi hơn 10.000 m2, với những trải nghiệm văn hóa truyền thống đặc sắc, tìm hiểu đặc sản hoa hồi… để phục vụ du khách.

Hiện nay, rất nhiều du khách trong nước và quốc tế đã trở lại đây để được trải nghiệm văn hóa bản địa, mua sắm các nông sản, đặc sản địa phương. Nhờ đó, năm 2023 và 3 tháng 3 đầu năm 2024, doanh thu của Trạm dừng nghỉ Hoa hồi đã tăng 30% so với kỳ năm trước.

Ông Đặng Xuân Phi, Giám đốc Công Ty TNHH Thương mại và dịch vụ du lịch Chang cho rằng: “Du lịch Lạng Sơn cần tăng tính kết nối với các địa phương lân cận như: Hà Giang, Cao Bằng để thu hút khách đến các địa phương này cũng ghé qua Lạng Sơn. Đó là cách đứng trên “vai người khổng lồ” để phát triển. Việc đào tạo, huấn luyện, nâng cao nghiệp vụ du lịch, ngoại ngữ cho đội ngũ hướng dẫn viên, những người trực tiếp phục vụ du khách ở các tuyến điểm rất quan trọng. Đồng thời, cần truyền thông điểm đến trên nhiều kênh khác nhau, nhất là qua các KOL để tạo tác động lớn. Đặc biệt, người làm du lịch cần có sự kết nối, liên kết chặt chẽ với nhau để tạo sức mạnh theo cấp số nhân”.

Phát huy giá trị công viên địa chất Lạng Sơn: Dòng chảy sự sống nơi miền đất thiêng - Ảnh 5.

Nếu Công viên địa chất Lạng Sơn được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu sẽ là cơ sở để Lạng Sơn phát triển du lịch, kinh tế- xã hội bền vững; bản tồn, phát huy giá trị văn hóa địa phương....

Đánh giá Lạng Sơn rất giàu tiềm năng phát triển du lịch và là doanh nghiệp đồng hành cùng Lạng Sơn nhiều năm, ông Nguyễn Xuân Hải, Công ty TNHH Viện Phát triển Du lịch bền vững Việt Nam cho biết: Du lịch Công viên địa chất Lạng Sơn được ví như “nàng công chú đang ngủ mê”, cần sự đánh thức của cộng đồng người làm du lịch, để tạo ra những sản phẩm vượt trội trong tương lai. Chúng tôi mong muốn sau Lễ ký kết, sẽ có chuyến famtrip mời doanh nghiệp lữ hành trên cả nước đến trải nghiệm 4 tuyến du lịch mới tại Công viên địa chất Lạng Sơn. Đồng thời, góp ý để nâng cấp chất lượng dịch vụ du lịch, trước khi có đoàn của UNESCO đến đánh giá, xem xét công nhận Công viên địa chất toàn cầu Lạng Sơn”.

Phát biểu kết luận Tọa đàm, bà Phạm Thị Hương khẳng định, Ban Quản lý Công viên địa chất Lạng Sơn sẽ tiếp thu để xây dựng chương trình truyền thông, quảng bá, xây dựng các sản phẩm du lịch Công viên địa chất độc đáo, phù hợp với xu thế và thị hiếu của khách du lịch. Đồng thời, tiếp tục kết nối, hiện thực hóa một số sáng kiến để hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế đến khám phá Công viên địa chất Lạng Sơn. Đặc biệt là triển khai 12 nhiệm vụ đặt ra để phát triển du lịch Lạng Sơn thời gian tới.

Theo Báo Văn hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×