Phát huy các giá trị văn hóa, tạo sinh kế bền vững cho người nghèo và đồng bào Khmer
19/09/2023 | 21:35Ngày 19/9, tại TP Cần Thơ diễn ra Hội thảo "Giải pháp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, "tạo sinh kế" bền vững cho người nghèo và đồng bào Khmer vùng ĐBSCL".
Hội thảo do Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN thành phố chủ trì phối hợp với Học viện Chính trị Khu vực 4, Vụ Công tác Dân tộc địa phương (Ủy ban Dân tộc), Học viện Phật giáo Nam tông Khmer và quận Ô Môn tổ chức.
Hội thảo có sự tham dự gần 150 đại biểu là các nhà khoa học, nhà quản lý. Đặc biệt, diễn giả là các vị Thượng toạ, Hoà thượng và nông dân trực tiếp sản xuất các mô hình sinh kế mang lại hiệu quả cao tại khu vực ĐBSCL.

Toàn cảnh Hội thảo
Đồng bằng sông Cửu Long có trên 220 xã thuộc vùng dân tộc thiểu số ở 9/13 tỉnh, thành phố. Đồng bào Khmer vùng Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 1,2 triệu người, chiếm 6,7% dân số, cư trú tập trung chủ yếu ở các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, An Giang... Tại TP Cần Thơ có 27 thành phần dân tộc thiểu số sinh sống với trên 38.000 người, chiếm tỷ lệ 3,04% trên tổng dân số. Trong đó, đồng bào dân tộc Khmer chiếm 62,3% trên tổng dân số DTTS. Toàn thành phố có 12 chùa Phật giáo Nam tông Khmer, Học viện Phật giáo Nam tông Khmer và Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước TP Cần Thơ.
Việc phát triển sinh kế, cải thiện đời sống người dân gắn với nét đẹp văn hóa phum, sóc tạo nên giá trị để phát triển du lịch cho đồng bào Khmer. Những thế mạnh này đã trở thành động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, "tạo sinh kế" bền vững cho đồng bào. Các chính sách dân tộc, phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới" gắn với phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát huy hiệu quả tích cực… Nhưng, kinh tế của đồng bào chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, chưa mang tính hàng hóa, đời sống của đồng bào chưa thực sự đảm bảo và thiếu tính bền vững, chưa có nhiều cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội. Hội thảo nhằm tìm giải pháp, góp phần bảo tồn và phát triển sinh kế cho người nghèo, đồng bào Khmer.
Tạo sinh kế bền vững cho đồng bào Khmer là quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Quan điểm phát triển chủ yếu tạo dựng từ nền tảng là việc gìn giữ và phát huy đặc điểm truyền thống văn hóa của dân tộc. Tại Hội thảo, nhiều đại biểu tập trung tham luận giải pháp thực hiện có hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương về công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa; việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; cơ sở khoa học, thực tiễn bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, tạo sinh kế bền vững cho người nghèo và đồng bào Khmer vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó việc giữ gìn, phát huy tốt các lễ hội văn hóa dân tộc thành giá trị du lịch từ nét đẹp văn hóa phum, sóc, lễ hội, công trình kiến trúc của đồng bào Khmer giúp tạo sinh kế bền vững cho bà con cũng là một trong những giải pháp được các đại biểu đề cập đến.