Phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc gắn với du lịch, phát triển kinh tế tại Lai Châu
01/08/2023 | 17:00Ông Vàng Văn Suồn (sinh năm 1961, dân tộc Thái) - Bí thư Chi bộ, Trưởng bản tại bản Ngà, xã Mường Than, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu không chỉ là người năng động sáng tạo trong phát triển mô hình kinh tế giảm nghèo mà còn góp phần không nhỏ vào việc phát huy bản sắc văn hóa truyền thông các dân tộc gắn với du lịch tại địa phương.
Phát huy bản sắc văn hóa truyền thống gắn với du lịch
Thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/HU, ngày 06/10/2020 của Huyện ủy về phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc gắn với du lịch giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch số 39-KH/HU, ngày 26/4/2021 của Huyện ủy thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 17/02/2021 của Tỉnh ủy "Về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc gắn với du lịch giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết của Đảng bộ xã. Ông Vàng Văn Suồn đã tập trung chỉ đạo và tuyên truyền đến nhân dân về bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc theo Nghị quyết 04 của tỉnh, Nghị quyết 02 của huyện và các văn bản của các cấp đến nhân dân. Phối hợp cùng các ngành, đoàn thể, nhà trường thường xuyên tuyên truyền, vận động con em trong bản tham gia các cấp học đảm bảo, tham gia truyền dạy nhạc cụ dân tộc như đàn tính, nhị cho các cháu tại các nhà trường tại các buổi sinh hoạt ngoài giờ, giờ chào cờ...

Cánh đồng Mường Than, huyện Than Uyên, Lai Châu (ảnh minh họa/danviet.vn)
Cùng với đó là việc duy trì các lễ hội có giá trị văn hoá, tinh thần như: cơm mới, cúng nhà, cúng bản, xoè chiêng dịp đầu xuân tại bản và tham gia ngày hội của xã; tiếp tục khuyến khích các hộ trên địa bàn duy trì và phát triển nghề truyền thống như làm nhạc cụ truyền thống (nhị, đàn tính, sáo) 100% các hộ duy trì được nét văn hoá ẩm thực trong đời sống hàng ngày của dân tộc, nhất là các dịp lễ, tết; đội văn nghệ thôn bản giàn dựng và tập luyện các tiết mục văn nghệ của dân tộc mình; vận động nhân dân xây nhà ở bê tông cốt thép theo kiến trúc truyền thống dân tộc Thái...tiếp tục vận động nhân dân chỉnh trang, duy trì các ngôi nhà sàn gỗ có giá trị; vận động 100% cán bộ, nhân dân mang mặc trang phục truyền thống trong dịp lễ hội truyền thống của bản (ngày đại đoàn kết, lễ hội xoè chiêng); tuyên truyền, vận động con cháu mặc trang phục dân tộc vào sáng thứ 2 hàng tuần khi đi học.
Tham gia truyền dạy nhạc cụ dân tộc cho 01 câu lạc bộ bảo tồn văn hoá dân gian của trường THCS với 34 thành viên; 01 câu lạc bộ bảo tồn văn hoá dân gian dân tộc Thái của trường Tiểu học với 38 thành viên; 01 câu lạc bộ bảo tồn văn hoá dân gian trường Mầm non với 30 thành viên; 01 câu lạc bộ Văn hoá văn nghệ của Hội người cao tuổi với 57 hội viên; và tổ chức làm nhạc cụ như đàn tính, nhị...
Nơi đây cũng chú trọng triển khai xây dựng bản nông thôn mới gắn với du lịch: Hiện đã hoàn thành xây dựng cổng bản, trồng cây xanh, hoa ven đường trục bản, làm cột cờ, điện chiếu sáng các tuyến đường, biển số nhà...; duy trì tốt việc thực hiện nếp sống văn hoá mới trong đồng bào Thái tại bản, thành lập đội văn nghệ và tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại xã, phố đi bộ của huyện tổ chức.
Tổ chức lễ hội xoè chiêng tại bản 01 lần/năm vào dịp đầu xuân gắn với các hoạt động văn hoá, văn nghệ, trò chơi dân gian; tổ chức ngày đại đoàn kết tại 18/11 tại bản. Hàng năm thôn bản đều được công nhận bản làng văn hóa, tỷ lệ hộ gia đình văn hóa đạt 99%. Đây sẽ là những tín hiệu tích cực cũng như cơ sở để địa phương thực hiện các nghị quyết về phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc gắn với du lịch giai đoạn 2021 – 2025.
Góp phần giảm nghèo tại địa phương
Tại địa phương, gia đình ông Vàng Văn Suồn là mô hình tiêu biểu cho các hộ gia đình về làm kinh tế, giảm nghèo trong bản học tập và làm theo.
Bên cạnh đó, với vai trò là Bí thư Chi bộ, trưởng bản, ông Vàng Văn Suồn đã thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia phát triển kinh tế, tăng cường nội lực, làm giàu chính đáng cho bản thân và gia đình. Tuyên truyền đến nhân dân về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 1719 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 và các Nghị quyết, kế hoạch của tỉnh, huyện, xã về công tác phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững.
Ông đã vận động nhân dân áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa trong sản xuất; giúp hộ nghèo thoát nghèo vươn lên làm giàu từ chính công sức của mình. Bên cạnh đó ông cũng tham mưu, đề xuất với đảng ủy, chính quyền, các cấp và các ngành, đoàn thể xã trong tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới...

Cùng với phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc gắn với du lịch, còn khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao (ảnh minh họa)
Trong đó ông đã khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao như tập trung vận động nhân dân trồng quế, trồng cây thông, cây sa nhân tím, trồng lúa hàng hóa, mía, cây ăn quả theo hướng tập trung, phát triển kinh doanh dịch vụ...
Bí thư bản Ngà cũng phối hợp cùng các đoàn thể thôn bản, tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân thôn bản bằng nhiều hình thức như họp dân, thăm quan mô hình thực tế, theo hướng cầm tay chỉ việc, vận động từ các hộ có điều kiện triển khai mô hình cho đến các hộ khó khăn về tài chính nhưng có ý tưởng phát triển kinh tế để vay vốn để sản xuất kinh doanh, chăn nuôi...vì vậy đã giảm hộ nghèo của bản hiện nay xuống còn 0,04%...