Phát hiện thêm 37 cọc gỗ Bạch Đằng tại Hải Phòng
20/06/2020 | 18:15Phát hiện thêm 37 cọc gỗ Bạch Đằng; Triển lãm lưu động với chủ đề: "Mãi mãi niềm tin theo Đảng"; Đầu tư xây dựng khu di tích lịch sử Đền Tướng quân Cao Lỗ Vương là những thông tin văn hóa nổi bật tại Hải Phòng, Bắc Ninh, Ninh Bình.
Hải Phòng: Sau khi tiến hành khai quật khảo cổ tại khu vực Đầm Thượng (thôn 11, xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên), đoàn khảo cổ đã tìm thấy 37 cọc gỗ được dự đoán là cọc gỗ Bạch Đằng thời trần đánh quân Nguyên lần 3 năm 1288.
Qúa trình tiến hành khai quật, tại khu đất nhà ông Đến và nhà ông Hay kế bên, các nhà khảo cổ đã đào 3 hố khai quật, 1 hố thám sát. Kết quả, các nhà khảo cổ phát hiện tổng cộng đã có 37 cọc gỗ được tìm thấy tại khu vực các nhà khảo cổ tiến hành khai quật. Các nhà khoa học đang tiến hành phân tích các mẫu gỗ, mẫu đất để lý giải bãi cọc này có từ bao giờ.
Đoàn khảo cổ cho rằng, Đầm Thượng nằm ở vị trí có tính chiến lược trên sông Đá Bạc nối với sông Bạch Đằng, nơi trước đây đã phát hiện nhiều bãi cọc ở Yên Hưng (Quảng Ninh), Cao Quỳ (Hải Phòng) và các cuộc khai quật khảo cổ xác định có các căn cứ của quân binh nhà Trần.
Bước đầu, Đoàn khảo cổ nhận định bãi cọc Đầm Thượng là một trong các điểm đánh chặn và tiêu diệt đoàn chiến thuyền của quân Nguyên trên đường rút lui vào năm 1288. Tuy nhiên, để kiểm chứng giả thuyết này thì cần tiếp tục mở rộng phạm vi nghiên cứu khảo cổ học và các căn cứ khoa học khác.
Để làm rõ đặc điểm, chức năng bãi cọc Đoàn khảo cổ kiến nghị tiếp tục thực hiện khai quật mở rộng các khu vực có cọc và tiến hành nghiên cứu phân tích mẫu gỗ, mẫu đất. Đồng thời đề nghị mở rộng phạm vi nghiên cứu khảo cổ khu vực Trúc Động (xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên) để xây dựng hồ sơ đầy đủ cho các di tích liên quan hoặc cùng loại ở khu vực, cũng như mối liên quan với di tích khác thuộc hệ thống Bạch Đằng Giang.
Bắc Ninh: UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng khu di tích lịch sử Đền Tướng quân Cao Lỗ Vương, huyện Gia Bình.
Dự án có tổng kinh phí đầu tư xây dựng gần 30 tỷ đồng do Ban Quản lý các dự án xây dựng huyện Gia Bình là chủ đầu tư, bao gồm Sân hội quân và các hạng mục phụ trợ, với diện tích khoảng 31.000 m2. Theo dự kiến, thời gian thực hiện công trình từ năm 2020-2022.
Khu di tích lịch sử Đền thờ Tướng quân Cao Lỗ Vương, bậc danh nhân quân sự buổi bình minh lịch sử của dân tộc ta, người có công giúp An Dương Vương chế tạo ra "nỏ thần", dựng thành Cổ Loa đánh tan quân giặc Triệu Đà bảo vệ Nhà nước Âu Lạc. Năm 1990, di tích được Bộ Văn hóa – Thông tin (Nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Đây là một trong những điểm du lịch văn hóa tâm linh tiêu biểu của tỉnh, hàng năm thu hút hàng vạn lượt du khách hướng về cội nguồn. Hiện di tích còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa và nghệ thuật.
Ninh Bình: Thiết thực chào mừng đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, 75 năm ngày thành lập Lực lượng vũ trang Quân khu 3, Bảo tàng Quân khu 3 vừa tổ chức triển lãm lưu động với chủ đề: "Mãi mãi niềm tin theo Đảng".
Triển lãm trưng bày gần 300 hình ảnh, hiện vật và hơn 500 cuốn sách giới thiệu về quá trình thành lập Đảng; vai trò lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc; những chiến công oanh liệt của quân và dân Quân khu 3 trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc và trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Ngay trong ngày đầu, triển lãm đã thu hút hơn 700 cán bộ, chiến sĩ, lực lượng vũ trang tỉnh, học sinh và nhân dân trên địa bàn tới tham quan.
Thông qua triển lãm góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, truyền thống của lực lượng vũ trang Quân khu trong 75 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, đồng thời nâng cao văn hóa đọc trong cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh./.