Phát hiện cuốn kinh Di Đà vô cùng quý giá tại Nam Định
17/06/2020 | 23:59Triển lãm "Sketch+" lần đầu tiên tại Hà Nội; Phê duyệt Đề án sản xuất phim tuyên truyền, quảng bá di sản văn hóa tiêu biểu tỉnh Bắc Ninh; Phát hiện cuốn kinh Di Đà vô cùng quý giá tại Nam Định là những thông tin văn hóa nổi bật tại một số tỉnh Đồng bằng sông Hồng.
Hà Nội: Triển lãm "Sketch " gồm hơn 100 tác phẩm của 9 họa sĩ và 1 nhà sưu tập đã khai mạc tại Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh (29 Hàng Bài, Hoàn Kiếm).
Lâu nay giới mỹ thuật và công chúng đều coi sketch là những bản phác thảo, ghi chép, ký họa, trực họa dùng làm tài liệu để xây dựng tác phẩm. Tuy nhiên, hiểu theo nghĩa rộng và gợi mở hơn thì sketch không chỉ ghi lại những gì nhìn thấy mà còn thể hiện những suy nghĩ, quan điểm của họa sĩ. Đặc biệt, nếu tác phẩm mang đầy đủ các yếu tố của hội họa như đường nét, hình khối, sắc độ, màu và chất cảm thì hoàn toàn có thể là một tác phẩm độc lập. Vì vậy, triển lãm lần này với tên gọi "Sketch " nhằm tôn vinh những bức ký họa, trực họa đạt ở mức tác phẩm, đem đến góc nhìn mới cho công chúng về hình thức này.
Tham gia triển lãm là các họa sĩ: Chu Thảo, Doãn Hoàng Lâm, Dương Tuấn, Khổng Đỗ Duy, Hải Kiên, Nguyễn Minh Tú, Đoàn Đức Hùng, Trịnh Quế Anh, Nguyễn Minh (Phố) và nhà sưu tập Phong Lê.
Hầu hết các tác phẩm thuộc nhiều thể loại ký họa, phác thảo, trực họa, bằng chất liệu phong phú như chì, bút sắt, mực nho, màu nước, acrylic, sơn dầu... đều được vẽ nhanh và đậm chất ngẫu hứng về chủ đề cuộc sống hằng ngày.
Đặc biệt, tại triển lãm có các bức ký họa của họa sĩ chiến trường Chu Thảo về những cảnh vật và con người ông đã gặp gỡ, tiếp xúc trên đường Trường Sơn và chiến trường miền Tây Nam Bộ.
Triển lãm diễn ra đến hết ngày 19/6.
Bắc Ninh: UBND tỉnh vừa phê duyệt Đề án sản xuất phim tuyên truyền, quảng bá di sản văn hóa tiêu biểu tỉnh Bắc Ninh.
Bộ phim có tên "Bắc Ninh xưa và nay" do Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch chủ trì đầu tư. Thể loại phim tài liệu khoa giáo. Thời lượng 01 tập phim dài 05 - 06 phút. Dự kiến phim có độ dài 80 tập, kinh phí sản xuất là 12 tỷ đồng.
Nội dung phim giới thiệu về di sản văn hóa tiêu biểu tỉnh Bắc Ninh. Các di sản văn hóa tiêu biểu được lựa chọn sản xuất phim tài liệu khoa giáo phải đảm bảo các tiêu chí: Là di sản văn hóa (vật thể và phi vật thể) trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh; Có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc văn hóa Bắc Ninh - Kinh Bắc; không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng hình thức truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác; Có tính đại diện, thể hiện bản sắc của cộng đồng, địa phương; Phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của con người, được kế tục tiếp nối qua nhiều thế hệ; Có khả năng phục hồi và tồn tại lâu dài.
UBND tỉnh cũng yêu câu xây dựng kịch bản phim phải tuân theo đúng các quy định của pháp luật về sản xuất phim tài liệu khoa giáo truyền hình; Bảo đảm tính thẩm mỹ, giáo dục; góp phần trực tiếp vào công tác thông tin đối ngoại về văn hóa; bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống; Các tập phim không được trùng lặp với phim tài liệu khoa giáo tuyên truyền quảng bá di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã, đang được VTV và các kênh truyền thông khác sử dụng.
Phim sau khi sản xuất sẽ được tuyên truyền phổ biến trên Kênh: Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Bắc Ninh (BTV); Đài Phát thanh và Truyền hình một số tỉnh, thành phố; Phát hành online: Website Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bắc Ninh; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh; Fanpage Cổng Thông tin điện tử Bắc Ninh; Fangape Đài PT & TH Bắc Ninh; Bảo tàng Bắc Ninh; Di sản Văn hóa Bắc Ninh; Youtube của Đài PT&TH Bắc Ninh.
UBND tỉnh giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện Đề án; tổ chức lựa chọn nhà thầu sản xuất và phát sóng phim tài liệu khoa giáo "Bắc Ninh xưa và nay" bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật.
Nam Định: Mới đây, trong khi hạ giải để kiến thiết ngôi chùa cổ bậc nhất làng Trà Lũ xưa thuộc tỉnh Nam Định, người dân đã vô tình phát hiện cuốn kinh Di Đà vô cùng quý giá.
Chùa Cổ thuộc xóm 7, xã Xuân Bắc. Theo một số cao niên, từ khi khai sinh làng Trà Lũ thì ngôi chùa này đã là nơi thờ Phật chung của 3 xã Xuân Bắc, Xuân Phương, Xuân Trung. Từ khi xây dựng, trải qua biến cố thăng trầm nên ngôi chùa không còn giữ được nhiều hiện vật để có thể nằm trong tài liệu di tích lịch sử chính thống.
Chùa cổ có từ lâu nên cũng đã hư hoại, xuống cấp. Năm Tự Đức thứ 34 (1881) có cơn bão lớn, chùa đổ nát chỉ còn trơ lại nền. Liền đó, làng xã đã họp bàn, thành lập hội mang tên Hội Khuyến Thiện, hợp sức cùng với thôn Trà Lũ Bắc huy động nhân dân đóng góp xây dựng lại ngôi chùa.
Qua tư liệu, dịch giả Đỗ Trác cho rằng, chùa cổ được xây dựng lần đầu vào khoảng giữa thế kỷ 18, đầu thời vua Lê Cảnh Hưng (1740 - 1780). Khi làng Trà Lũ đã tương đối trù phú, các cụ xây dựng đền Thần, thứ đến chùa cổ, mãi sau này mới xây dựng đình làng và xây mới chùa Bắc ở ngoài trung tâm xã (trước đó là bãi cửa sông Hà Khẩu ngập nước). Chùa Trung Xuân Bắc được xây dựng lớn vào thời kỳ cuối thế kỷ 18 sang đầu thế kỷ 19 mới xong.
Mới đay, khi ngôi chùa cổ được hạ giải để kiến thiết, người dân vô tình phát hiện cuốn kinh dưới chân Phật. Tuy nhiên, vì không ai biết chữ nho nên cũng không quan tâm lắm liền để cuốn kinh ngoài đống gạch.
Cho đến khi ban trị sự chùa cổ kiểm kê tài sản, đồ thờ mới phát hiện cuốn kinh và mời một số nhà nghiên cứu tìm hiểu. Sau khi các chuyên gia xác định đó là cuốn kinh Di Đà cổ quý giá có một không hai, ban trị sự cắt cử nhau trông coi báu vật này.
Theo một số nhà nghiên cứu, cuốn kinh Di Đà được sao in từ bản gốc của chùa Kim Liên (Tây Hồ - Hà Nội). Trước đó, ngôi chùa cổ cũng chịu chung số phận bị đốt phá sau thời kỳ khởi nghĩa thất bại của Phan Bá Vành chống triều đình nhà Nguyễn. Cuốn kinh có thể do vị sư hoặc tín đồ nào đó tiến cúng.
Theo quan sát, chữ trong sách cổ được viết trên giấy dó, bìa bồi cậy nên rất cứng, các nét chữ vẫn rõ ràng. Đây được xem là cuốn kinh cổ được bảo quản, giữ gìn lành lặn nhất.