Phấn đấu xây dựng Hoa Lư-Ninh Bình trở thành đô thị di sản thiên niên kỷ tiêu biểu trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương
13/12/2023 | 10:17Ngày 12/12, tỉnh Ninh Bình phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị khoa học "Bàn về Đô thị Di sản thiên niên kỷ và hàm ý chính sách cho tỉnh Ninh Bình".
Đồng chí Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình; Tiến sĩ Nguyễn Tường Văn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng; Tiến sĩ Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch dự, chủ trì hội nghị.
Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo Tạp chí Cộng sản; các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý; lãnh đạo tỉnh Ninh Bình và các huyện, thành phố thuộc tỉnh.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc cho biết: Theo phương án sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh đã được phê duyệt, trong thời gian sắp tới, thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư sẽ được hợp nhất để trở thành thành phố Hoa Lư, nghĩa là gần như toàn bộ phạm vi quy hoạch chung đô thị Ninh Bình sẽ trở thành thành phố Hoa Lư trong tương lai và thành phố mới sẽ có gần 30% diện tích là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
Để triển khai các quan điểm, định hướng của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng; thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về bảo tồn và phát huy di sản văn hoá dân tộc, về quản lý và phát triển đô thị ở các địa phương có di sản Cố đô, sở hữu danh hiệu di sản thế giới của tổ chức UNESCO; dựa trên tiềm năng về thiên nhiên-văn hóa-lịch sử của mình..., tỉnh Ninh Bình đề ra mục tiêu xây dựng thành phố Hoa Lư là đô thị di sản thiên niên kỷ.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc nhấn mạnh: Hội nghị nhằm mục đích cung cấp luận cứ khoa học-thực tiễn cho xây dựng tiêu chí đô thị và phân loại đô thị đặc thù, phù hợp đặc trưng, hình thái, chức năng đô thị dựa trên nền tảng giá trị văn hóa và sinh thái của tỉnh Ninh Bình; đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm phát huy giá trị nổi bật, riêng có về văn hóa-lịch sử của con người, vùng đất Cố đô Hoa Lư và giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An; sau khi sắp xếp, hợp nhất đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, sẽ xây dựng Hoa Lư-Ninh Bình trở thành đô thị di sản thiên niên kỷ và là đô thị di sản thiên niên kỷ tiêu biểu trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương cho rằng, nên chọn cho tương lai thành phố Ninh Bình là đô thị di sản-du lịch và phong cảnh, bởi nếu chỉ gọi là đô thị di sản là không đủ cho dư địa phát triển.
Theo Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương, phương châm vĩ mô và lâu dài, thành phố mà Ninh Bình hướng đến phải là thành phố mà con người tại chỗ thụ hưởng cuộc sống yên lành, con người ở chỗ khác đến tìm thấy ở đây một nơi mà lịch sử-thiên nhiên-hiện tại cộng sinh, nơi có thể bồi bổ kiến thức lịch sử, được du ngoạn-thưởng lãm, hoạt động văn hóa-thể thao, hội hè... mà không nơi nào khác có được.
Trong báo cáo trung tâm “Về đô thị di sản thiên niên kỷ-sự phát triển tiếp nối các giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An-Cố đô Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Nguyễn Hồng Thục (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhấn mạnh: Đô thị di sản thiên niên kỷ bao chứa cả thành phố di sản thế giới và thành phố sáng tạo là hướng đi đúng đắn của tỉnh Ninh Bình trong các chiến lược phát triển đột phá.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Nguyễn Hồng Thục nhấn mạnh: Để xây dựng nội hàm và không gian, biểu tượng, hình ảnh cho đô thị di sản thiên niên kỷ với các giá trị mới, để phát triển thông minh và bền vững, cần đi từ tư duy lý luận và thực tiễn, khung hành động và các chiến lược động lực; thiết lập hạ tầng phát triển cho kinh tế di sản và kinh tế sáng tạo; đổi mới hệ sinh thái phát triển, thiết lập các chuỗi dịch vụ giá trị gia tăng cao làm “nồi cơm” của đô thị di sản thiên niên kỷ...
Cùng với những ý kiến nêu trên, nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đã tham luận, tham gia ý kiến với chiều sâu, nhiều cách nhìn, cách tiếp cận nghiên cứu đa ngành, đa chiều, làm rõ hơn các nội dung liên quan đến di sản, đô thị; gợi mở cho Ninh Bình những hàm ý về xây dựng tiêu chuẩn, cơ chế, chính sách đủ mạnh trong xây dựng đô thị di sản thiên niên kỷ.
Kết luận hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đoàn Minh Huấn khẳng định: Những ý kiến, tham luận được nêu tại hội nghị rất quý báu, có giá trị thực tiễn, sâu sắc từ góc nhìn khoa học.
Đồng chí cũng cho biết, trên cơ sở những thông tin, hiểu biết, kinh nghiệm quốc tế được chia sẻ tại hội nghị, tỉnh sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thúc đẩy hoàn thiện thể chế chính sách về đô thị di sản nói chung và đô thị di sản thiên niên kỷ nói riêng tại Ninh Bình; tạo lập một hướng đi để thoát khỏi mô hình đô thị hóa đơn nhất dạng nén đang gặp nhiều thách thức ở Việt Nam cũng như toàn thế giới hiện nay.