“Nốt thăng” của du lịch Huế
10/07/2023 | 14:20Du lịch Huế 6 tháng đầu năm đón nhiều tin vui từ việc thu hút khách, tăng mạnh nguồn thu và triển vọng khơi thông các thị trường khách du lịch quốc tế. Nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng ở Cố đô cũng được xếp hạng cao trong đánh giá từ các tổ chức quốc tế về du lịch.
Liên tiếp nhiều tin vui
Rạng sáng 2/7, ngành du lịch tỉnh phối hợp với các ban, ngành đón 230 hành khách từ thành phố Côn Minh (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) đến Huế. Đây là chuyến bay quốc tế đầu tiên đến Nhà ga T2 - Cảng Hàng không Quốc tế (HKQT) Phú Bài. Nhìn những nụ cười tươi của các hành khách khi đặt chân xuống phi trường xứ Huế, những tín hiệu lạc quan về cơ hội du lịch từ các đường bay quốc tế đang rộng mở.
Sáu tháng đầu năm 2023, lượng khách du lịch đạt khoảng hơn 1,6 triệu lượt; khách lưu trú ước khoảng 845.892 lượt; tổng thu từ du lịch 6 tháng ước đạt gần 3.500 tỷ đồng, tăng 148% so với cùng kỳ năm 2022.
Những con số tăng trưởng là dấu hiệu đáng mừng cho du lịch Cố đô, và cũng là đà tăng trưởng sau quãng thời gian khá dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Trên thực tế, bức tranh du lịch của Huế đang sáng sủa hơn rất nhiều khi nhận được sự đánh giá cao của du khách và các tổ chức quốc tế.
Cuối tháng 5/2023, tại lễ công bố giải thưởng “Asia Pacific Property Awards 2023 - 2024” diễn ra tại khách sạn Marriott Marquis Queen’s Park, Băng Cốc, Thái Lan, khu nghỉ dưỡng Vedana Lagoon của tỉnh Thừa Thiên Huế đã được vinh danh ở hạng mục Kiến trúc khách sạn đẹp nhất. Còn mới đây, tin vui lại đến với ngành du lịch Thừa Thiên Huế khi nhiều khách sạn, resort trên địa bàn được xếp hạng cao tại các giải thưởng như: “Travel & Leisure Luxury Awards Asia Pacific 2023” hay “thắng lớn” trong các bảng xếp hạng của nền tảng du lịch trực tuyến lớn của thế giới - Tripadvisor.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, ở giải thưởng “Travel & Leisure Luxury Awards Asia Pacific 2023” về điểm đến, thành phố Huế xếp thứ 8 tại châu Á Thái Bình Dương ở hạng mục “Cities” (trong đó Việt Nam chỉ có 2 thành phố là Hà Nội và Huế). Bên cạnh đó, khách sạn Azerai La Residence Hue xếp số 1 Việt Nam ở hạng mục “Upcountry Hotels”; Banyan Tree Lang Co (tại Phú Lộc) xếp thứ 6 Việt Nam ở hạng mục “Hotel Spas”; Alba Wellness Valley By Fusion (tại Phong Điền) xếp thứ 3 Việt Nam ở hạng mục “Hotel Spas” và thứ 5 Việt Nam ở hạng mục “Upcountry Hotels” của Giải thưởng Travel & Leisure Luxury Awards Asia Pacific 2023.
Gần đây nhất, Cẩm nang Michelin (Pháp) vừa đưa ra gợi ý 10 khách sạn hạng sang nên ở tại Việt Nam, trong đó Cố đô Huế “lọt top” những địa phương dẫn đầu với 2 khách sạn là Banyan Tree Lăng Cô nằm ở ven biển huyện Phú Lộc và Azerai La Residence bên bờ sông Hương của TP. Huế. Banyan Tree Lang Co giành 19,7 điểm trên thang điểm 20 và Azerai La Residence giành được 18 điểm. Việc các khách sạn được đánh giá cao không chỉ là sự khẳng định về chất lượng dịch vụ hàng đầu, mà còn là minh chứng cho sự nỗ lực của toàn thể đội ngũ khách sạn về việc xây dựng thành công hành trình trải nghiệm lưu trú độc đáo và đẳng cấp. Đó cũng là minh chứng cho những bước tiến và sức hút của du lịch miền Hương Ngự.
Khơi thông thị trường quốc tế
Kể từ khi Nhà ga T2 - Cảng HKQT Phú Bài đi vào hoạt động, du lịch Thừa Thiên Huế càng có thêm nhiều tiềm năng để phát triển ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Ngành du lịch Cố đô đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, truyền thông hình ảnh, sản phẩm du lịch địa phương. Đồng thời, tham mưu cho chính quyền tỉnh các chính sách tạo điều kiện thuận lợi, vận động các doanh nghiệp du lịch địa phương có chính sách giá ưu đãi cho các hãng bay và đơn vị lữ hành đưa khách đến Thừa Thiên Huế. Ngành du lịch cũng đang hỗ trợ kết nối và quảng bá cho doanh nghiệp du lịch tỉnh xây dựng các sản phẩm mới, đặc biệt là du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, sự kiện), du lịch làng nghề truyền thống và du lịch tâm linh để bổ trợ thêm cho du lịch di sản…
Theo ông Nguyễn Văn Phúc, Thừa Thiên Huế đang triển khai đề án Festival Bốn mùa nhằm thu hút du khách trong nước và quốc tế xuyên suốt cả năm. Đây là điều kiện thuận lợi và cơ hội tốt cho việc tăng chuyến, mở thêm các đường bay mới đi và đến Cảng HKQT Phú Bài. Qua đó, góp phần quảng bá hình ảnh, khẳng định vị thế và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Chủ trương của Thừa Thiên Huế khi Nhà ga T2 của Cảng HKQT Phú Bài được đưa vào khai thác là phát triển các chuyến bay nội địa; nghiên cứu mở các chuyến bay đến các địa phương khác; ưu tiên mở các chuyến bay đến Singapore, Thái Lan và mở chuyến bay đến các thị trường khác, như: Ma Cao, Đài Loan, tăng cường tần suất các chuyến bay đi và đến Cảng HKQT Phú Bài. Đặc biệt, từ sau khi đón chuyến bay đầu tiên từ Trung Quốc đến Nhà ga T2 - Cảng HKQT Phú Bài đến cuối tháng 10, dự kiến định kỳ sẽ có 4 - 6 chuyến bay/tháng, không chỉ từ thành phố Côn Minh (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) mà còn từ một số thành phố khác của Trung Quốc và số nước Đông Bắc Á.