Ninh Thuận: Tháo gỡ vướng mắc, tạo cơ chế thuận lợi để phát triển du lịch
07/03/2024 | 10:00Ông Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận vừa giao Sở TN&MT, Sở NN&PTNT, Sở Xây dựng, các Sở, ngành, địa phương liên quan rà soát các dự án du lịch vướng mắc pháp lý, để có hướng tháo gỡ; đồng thời sớm tổ chức thanh tra toàn diện dự án Ninh Chữ Sailing Bay và Khu nghỉ dưỡng cao cấp Aminia Ninh Chữ do chậm tiến độ kéo dài.
Kiên quyết xử lý dự án chậm tiến độ
Theo Sở KH&ĐT tỉnh Ninh Thuận, tính đến đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh có 56 dự án du lịch đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (còn hiệu lực), với tổng vốn đăng ký 52.469,2 tỉ đồng. Trong đó, có 23 dự án đã đưa vào hoạt động, chiếm 41,1%; 20 dự án đang triển khai thi công, chiếm 35,77% và 13 dự án đang hoàn tất thủ tục đầu tư, chiếm 23,2%.
Tuy nhiên, vẫn còn một số dự án du lịch trọng điểm, động lực triển khai còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu tiến độ đề ra; một số dự án du lịch đang triển khai gặp khó khăn, vướng mắc nên tiến độ triển khai chậm.
Trong đó, dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp Aminia – Ninh Chữ đã được UBND tỉnh Ninh Thuận cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2011. Dự án có quy mô đạt chuẩn 5 sao với khách sạn, 36 căn villa, khu dịch vụ…Sau nhiều lần cấp đổi giấy chứng nhận đầu tư, dự án được gia hạn tiến độ hoàn thành đưa vào hoạt động vào tháng 6-2020.
Tuy nhiên, sau khi xây dựng một số công trình dở dang, dự án này đã ngừng thi công từ năm 2020 đến nay. Năm 2022, Sở KH&ĐT tỉnh Ninh Thuận đã có kết luận thanh tra và xử phạt hành chính chủ đầu tư 70 triệu đồng về lĩnh vực kế hoạch và đầu tư. Sở TN&MT cũng có kết luận thanh tra dự án này chậm tiến độ sử dụng đất 16 tháng.
Đối với dự án Ninh Chữ Sailling Bay, dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2008. Đến năm 2020, UBND tỉnh Ninh Thuận ra quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án với tổng số vốn gần 2.390 tỉ đồng, tiến độ thực hiện 36 tháng.
Sở KH&ĐT tỉnh Ninh Thuận cho biết, trong số 56 dự án du lịch hiện nay thì có tới 22 dự án trọng điểm của tỉnh, có hai dự án đã tổ chức kiểm tra, đề xuất xử lý ngừng hoạt động là dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp Aminia – Ninh Chữ của Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Aminia Ninh Chữ và dự án Ninh Chữ Sailing Bay của Công ty CP Ninh Chữ Bay.
Sở KH&ĐT tỉnh Ninh Thuận cho biết, hai dự án trên đã bị xử phạt vi phạm hành chính về tiến độ vào năm 2019, nhưng tiếp tục vi phạm chậm tiến độ nên thuộc trường hợp ngừng hoạt động theo Luật Đầu tư. Ngoài hai dự án trên, Sở KH&ĐT tỉnh Ninh Thuận cho biết có tám dự án du lịch khác đã giao đất, đang triển khai xây dựng còn trong tiến độ nhưng chậm.
Những dự án này cũng có khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, quy hoạch xây dựng… cần hỗ trợ tháo gỡ, đôn đốc tiến độ. Sở KH&ĐT tỉnh Ninh Thuận cũng đề xuất tổ chức thanh tra, kiểm tra xử lý đối với những dự án vi phạm tiến độ về đất đai. Đồng thời, tháo gỡ những vướng mắc cho các dự án dự chưa được giao đất, giải phóng mặt bằng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trịnh Minh Hoàng đề nghị, các cơ quan chức năng trong quá trình rà soát nếu thấy đủ điều kiện thì cho ngừng hoạt động dự án Ninh Chữ Sailing Bay và Khu nghỉ dưỡng cao cấp Aminia - Ninh Chữ và báo cáo UBND tỉnh để có bước xử lý tiếp theo. Đồng thời thề xuất các phương án cụ thể để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn về các thủ tục cho các dự án để triển khai kịp thời.
Du lịch là ngành kinh tế quan trọng
Ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Ninh Thuận cho biết: Năm 2023, tổng lượt khách tham quan, nghỉ dưỡng đến tỉnh Ninh Thuận đạt 2.900.000 lượt khách (tăng 20,8% so cùng kỳ, đạt 107,4% so với kế hoạch); trong đó, khách quốc tế đạt 40.000 lượt khách (tăng 239% so cùng kỳ, đạt 200% so với kế hoạch), khách nội địa ước đạt 2.860.000 lượt; thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch đạt 2.300 tỷ đồng.
Mục tiêu năm 2024, tỉnh Ninh Thuận phấn đấu đón trên 3,2 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế 100 ngàn lượt; doanh thu từ hoạt động du lịch 2,5 nghìn tỉ đồng. Triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển du lịch Ninh Thuận đến năm 2025 trở thành ngành kinh tế quan trọng phát triển mạnh.
Nghị quyết 04 Tỉnh ủy Ninh Thuận đề ra, đến năm 2025, phấn đấu thu hút 3,5 triệu lượt khách, trong đó: khách quốc tế chiếm khoảng 12-13%; doanh thu ngành du lịch đạt khoảng 2.900 tỉ đồng, đóng góp 13% GRDP và giải quyết việc làm cho 15% lao động của toàn tỉnh.
Tỉnh Ninh Thuận rà soát sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách dù phù hợp để thu hút đầu tư phát triển du lịch, tạo sự đột phá về phát triển hệ thống cơ sơ vật chất, hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch. Ưu tiên nguồn lực cho công tác quy hoạch, đào tạo nguồn nhân lực du lịch, công tác nghiên cứu thị trường, xúc tiến quảng bá, phát triển sản phẩm du lịch, bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch.
Tiếp tục ban hành chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tại các địa phương có tiềm năng phát triển; khuyến khích, tạo điều kiện phát triển các điểm, khu du lịch có tiềm năng thu hút khách du lịch; phát triển du lịch làng nghề, nhất là các nghề truyền thống như: dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, gồm Bàu Trúc…