Ninh Thuận tăng cường quảng bá văn hóa, du lịch
01/10/2022 | 08:28Ngày 30/9/2022, UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch tỉnh Ninh Thuận và “Ngày Văn hoá, Du lịch Ninh Thuận tại Hà Nội” năm 2022.
Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch Ninh Thuận tại Hà Nội nhằm giới thiệu sản phẩm du lịch Ninh Thuận tới các nhà đầu tư, doanh nghiệp lữ hành Hà Nội, qua đó đẩy mạnh công tác liên kết, hợp tác phát triển du lịch với thị trường trọng điểm thành phố Hà Nội; đa dạng hóa các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Ninh Thuận; thu hút khách du lịch, góp phần tăng trưởng ngành du lịch Ninh Thuận.
Khai mạc hội nghị, ông Trần Quốc Nam- Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết: Ninh Thuận là một tỉnh giàu tiềm năng, lợi thế khác biệt về du lịch. Về vị trí địa lý, Ninh Thuận nằm trên giao điểm của các trục giao thông quốc gia, có quốc lộ 1 và đường sắt Bắc Nam đi qua. Ninh Thuận cũng có khí hậu ít mưa, nhiều nắng và ít chịu ảnh hưởng gió bão. Đặc biệt, Ninh Thuận có lợi thế lớn nhất đó là bờ biển dài với hơn 105 km, có tuyến đường ven biển đẹp và thuận lợi trong việc kết nối với các điểm đến thuộc dải ven biển của tỉnh.
Ninh Thuận là địa phương có bức tranh văn hóa nhiều màu sắc, đặc biệt có những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể rất độc đáo và nổi tiếng. Đó là nghệ thuật văn hóa Chăm, các làng nghề truyền thống và những phong tục tập quán, nghi lễ tín ngưỡng của người Chăm.
Trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận hiện có 239 di tích, di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 2 di tích Quốc gia đặc biệt (Tháp Pôklông Garai và Tháp Hòa Lai), 18 di sản cấp Quốc gia và 46 di tích, di sản cấp tỉnh. Bên cạnh đó, về tài nguyên du lịch, Ninh Thuận có hai vườn quốc gia là Phước Bình và Núi Chúa, trong đó vườn quốc gia Núi Chúa được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Ninh Thuận cũng có nhiều vùng vịnh và danh lam thắng cảnh phù hợp cho phát triển du lịch, trong đó có vịnh Vĩnh Hy được xếp hạng danh lam thắng cảnh quốc gia, là một trong 8 vịnh đẹp nhất Việt Nam…
Nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường để thu hút đầu tư vào Ninh Thuận, tỉnh cũng đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách ưu đãi về đất đai, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư đăng ký đầu tư kinh doanh tại Ninh Thuận. Tỉnh cũng quan tâm chú trọng công tác lập quy hoạch và triển khai thực hiện quy hoạch, đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư du lịch - Chủ tịch tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam cho biết.
Đến nay, tỉnh có 57 dự án dịch vụ du lịch với tổng vốn đăng ký trên 29.686 tỷ đồng. Toàn tỉnh hiện có 203 cơ sở lưu trú với trên 4.443 phòng; trong đó, số phòng có tiêu chuẩn tương đương 3 sao trở lên chiếm trên 50%.
Ninh Thuận đặt mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu thu hút 3,5 triệu lượt khách, doanh thu ngành du lịch đạt khoảng 2.900 tỷ đồng, đóng góp 13% GRDP và giải quyết việc làm cho 15% lao động toàn tỉnh.
Đến năm 2030, Ninh Thuận xác định du lịch là nền kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững. Phấn đấu đón 6 triệu lượt du khách, doanh thu ngành du lịch đạt khoảng 5.900 tỷ đồng, đóng góp 15% GRDP và giải quyết việc làm cho 20% lao động toàn tỉnh.
Cũng theo UBND tỉnh Ninh Thuận, nhằm phát huy hết tiềm năng và phát triển bền vững ngành du lịch, tỉnh Ninh Thuận cũng định hướng xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch, đặc biệt là những sản phẩm mang tính đặc trưng, tập trung ưu tiên phát triển 3 nhóm sản phẩm chính. Cụ thể, nhóm sản phẩm đặc thù bao gồm: Du lịch nghỉ dưỡng trải nghiệm biển; du lịch văn hóa di sản Chăm; du lịch nông nghiệp công nghệ cao; du lịch sinh thái gắn với Vườn quốc gia Núi Chúa.
Nhóm sản phẩm mới lạ: Du lịch khám phá và vui chơi giải trí Cát - Muối; du lịch săn bắn bán hoang dã; du lịch trải nghiệm đường sắt; du lịch điều dưỡng và chăm sóc sức khỏe.
Nhóm sản phẩm bổ trợ: Du lịch cộng đồng; du lịch vui chơi giải trí và ẩm thực; du lịch tham quan sản xuất năng lượng tái tạo; Thương mại du lịch.
Đồng thời, tỉnh Ninh Thuận còn ưu tiên kêu gọi các dự án đầu tư ở vùng trọng điểm phát triển du lịch phía Bắc, phía Nam và trung tâm Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm để hình thành hệ thống khách sạn tại khu vực bãi biển Bình Sơn, trung tâm thương mại, các khu giải trí phức hợp kết hợp nghỉ dưỡng, lưu trú; các khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp ven biển…
Ông Trần Quốc Nam cho biết: “Trong thời gian tới, du lịch Ninh Thuận sẽ có bước đột phá trong thu hút khách du lịch tại thị trường TP.HCM, các tỉnh lân cận và các tỉnh miền Tây. Nhất là trong dịp hè sắp đến với chương trình “Du lịch an toàn - Trải nghiệm thú vị”.
Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch - Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, Ninh Thuận nên ưu tiên xây dựng, phát triển một số sản phẩm du lịch nổi trội, độc đáo, có lợi thế cạnh tranh để mang lại trải nghiệm hấp dẫn cho du khách sau thời gian dài bị tác động bởi dịch COVID-19 như: Du lịch nghỉ dưỡng biển gắn với các khu resort cao cấp, sang trọng, mang tính cá nhân hóa cao; du lịch văn hóa gắn với di sản Chăm; du lịch nông nghiệp công nghệ cao; du lịch sinh thái gắn với Vườn quốc gia Núi Chúa; du lịch điều dưỡng và chăm sóc sức khỏe....
Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch đề nghị Ninh Thuận cần đẩy mạnh liên kết, hợp tác trong khu vực với Hà Nội và các trung tâm du lịch lớn theo cơ chế linh hoạt, thực chất, có sự tham gia của cơ quan quản lý với vai trò dẫn dắt, định hướng; tham gia của doanh nghiệp lữ hành, nhà đầu tư để phát triển sản phẩm kết nối, bổ trợ lẫn nhau, hình thành các tour, tuyến hấp dẫn phục vụ khách du lịch; tham gia của đơn vị, hãng thông tấn, truyền thông để hợp tác giới thiệu quảng bá du lịch, tiếp cận thị trường quốc tế; chia sẻ kinh nghiệm phát triển du lịch.
Tổng cục Du lịch sẽ luôn đồng hành, ủng hộ các địa phương, điểm đến và doanh nghiệp, trong đó có tỉnh Ninh Thuận trong các hoạt động nhằm thúc đẩy sự tạo điều kiện cho ngành du lịch phục hồi và phát triển bền vững.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội - Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, thời gian vừa qua, Ninh Thuận đã trở thành điểm đến được các công ty du lịch của Hà Nội đánh giá cao và được du khách trong nước và quốc tế quan tâm, đặc biệt là các chương trình trải nghiệm dịch vụ năm sao tại các resort cao cấp như Amanoi, Anise Villa, TTC Ninh Thuận… Sở Du lịch Hà Nội đã tổ chức các đoàn khảo sát bao gồm các doanh nghiệp lữ hành tới Ninh Thuận để tìm hiểu thị trường, liên doanh liên kết, kết nối giao thương. Đặc biệt những năm gần đây, tỉnh Ninh Thuận cũng thường xuyên tổ chức các chương trình sự kiện, quảng bá, giới thiệu hình ảnh con người và du lịch tại Hà Nội, thu hút sự quan tâm của nhân dân Thủ đô và du khách cũng như truyền thông, báo chí trong nước và quốc tế.
Ông Nguyễn Mạnh Quyền đề xuất tăng cường liên kết du lịch giữa Hà Nội với Ninh Thuận để xây dựng sản phẩm, dịch vụ liên tuyến giữa hai địa phương với các vùng, nhằm tận dụng tiềm năng du lịch hiện có của mỗi địa phương. Đồng thời, thường xuyên trao đổi, xúc tiến và quảng bá để đẩy nhanh tiến độ phục hồi du lịch; đẩy mạnh hợp tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch, nhất là nhân lực chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế nhằm từng bước nâng cao sức cạnh tranh du lịch của các địa phương.
Trong các ngày từ 30/9-2/10, UBND tỉnh Ninh Thuận sẽ tổ chức Ngày văn hóa, du lịch Ninh Thuận tại Hà Nội năm 2022. Trong khuôn khổ sự kiện, sẽ có nhiều hoạt động văn hóa, quảng bá du lịch phong phú như: biểu diễn nghệ thuật hát, múa, giới thiệu nhạc cụ và giao lưu múa truyền thống; Trình diễn, hướng dẫn thực hiện nghệ thuật làm gốm Bàu Trúc, dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp; Trưng bày hình ảnh đẹp về Ninh Thuận. Bên cạnh đó còn có 51 gian hàng trưng bày, giới thiệu về sản phẩm đặc thù, sản phẩm OCOP, sản phẩm du lịch, ẩm thực của Ninh Thuận./.