Ninh Thuận: Sức sống mới cho di sản
04/02/2025 | 08:52Ninh Thuận, vùng đất mang đậm dấu ấn văn hóa, sở hữu nhiều di sản độc đáo từ làng nghề truyền thống, lễ hội dân gian đến các công trình kiến trúc cổ kính. Những giá trị văn hóa này không chỉ góp phần làm phong phú bản sắc vùng miền, mà còn trở thành động lực thúc đẩy phát triển du lịch, đóng góp vào phát triển kinh tế và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.
Nâng tầm di sản gắn với du lịch
Xuân về, tháp Po Klong Garai (TP. Phan Rang - Tháp Chàm) rực rỡ dưới nắng vàng ấm áp, làm nổi bật vẻ cổ kính của những khối đá, dẫn lối du khách đến hành trình khám phá giá trị văn hóa, tôn giáo của đồng bào dân tộc Chăm theo đạo Bàlamôn. Với kiến trúc độc đáo và lịch sử lâu đời, nơi đây trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách thập phương. Nhằm khai thác giá trị di sản văn hóa (DSVH) tháp Po Klong Garai để phát triển du lịch, thời gian qua tỉnh Ninh Thuận chú trọng công tác trùng tu, bảo tồn DSVH gắn với việc quảng bá văn hóa. Theo đó, cùng với việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) tổ chức gắn các chuyến du lịch địa phương; thường xuyên tổ chức các hoạt động trải nghiệm như: Biểu diễn nghệ thuật truyền thống dân tộc Chăm, trình diễn nghệ thuật làm gốm Chăm; triển lãm thủ công mỹ nghệ, qua đó tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch. Ông Thành Nhảy, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Để quảng bá di tích quốc gia đặc biệt tháp Po Klong Garai, Ban quản lý chú trọng phát triển sản phẩm du lịch độc đáo, đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp, tổ chức chương trình giáo dục về giá trị DSVH cho học sinh, sinh viên kết hợp nhiều sự kiện văn hóa Chăm, qua đó bảo tồn và lan tỏa nét đẹp truyền thống văn hóa Chăm đến du khách trong và ngoài nước. Riêng trong năm 2024, tháp Po Klong Garai thu hút 192.716 lượt khách, với gần 61.000 du khách quốc tế, mang lại doanh thu hơn 3,7 tỷ đồng, đạt 148,16% kế hoạch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) địa phương.
Để giữ gìn, phát huy những giá trị DSVH, hằng năm, Sở VH,TT&DL đã thực hiện tốt công tác kiểm kê di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn, đánh giá thực trạng về công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích được xếp hạng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tâm linh của cộng đồng và góp phần quảng bá, phục vụ hoạt động du lịch. Riêng trong năm 2024, Sở VH,TT&DL đã phối hợp với các đơn vị, địa phương thực hiện dự án tu bổ di tích tháp Hòa Lai (Thuận Bắc); tu bổ, phục dựng di tích lịch sử quốc gia Bẫy đá Pi Năng Tắc, xã Phước Bình (Bác Ái)... Ngoài ra, đơn vị đã triển khai nhiều hoạt động tích cực nhằm bảo tồn và phát huy giá trị DSVH phi vật thể “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” - một loại hình nghệ thuật với bề dày lịch sử và kỹ thuật độc đáo, hiện đã được UNESCO ghi danh vào danh sách các di sản cần được bảo vệ khẩn cấp. Theo đó, Sở VH,TT&DL phối hợp với Báo Ninh Thuận, Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Thuận đẩy mạnh tuyên truyền và quảng bá sản phẩm gốm Chăm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các sản phẩm gốm không chỉ là niềm tự hào của người Chăm, mà còn trở thành món quà ý nghĩa trong các sự kiện lớn, góp phần quảng bá văn hóa địa phương. “Nghệ thuật làm gốm Chăm” còn được ưu ái chọn làm tiểu cảnh trưng bày tại vườn hoa xuân, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân và du khách. Những sản phẩm gốm được trưng bày không chỉ mang tính thẩm mỹ, mà còn chứa đựng linh hồn của nghề gốm cổ truyền. Các nghệ nhân làm gốm, với đôi tay tài hoa, không ngừng sáng tạo ra những tác phẩm vừa truyền thống, vừa hiện đại, đáp ứng nhu cầu thưởng lãm và mua sắm của du khách. Tỉnh cũng khuyến khích các nghệ nhân tham gia trình diễn tại các sự kiện văn hóa lớn, đưa nghệ thuật làm gốm Chăm đến gần hơn với công chúng.
Mùa xuân trên đất Ninh Thuận không chỉ là thời điểm giao hòa của đất trời, mà còn là mùa của văn hóa và lễ hội. Sự kết hợp giữa bảo tồn và phát huy giá trị DSVH, một mặt góp phần thúc đẩy KT-XH, mặt khác khẳng định bản sắc độc đáo của Ninh Thuận trên bản đồ du lịch Việt Nam. Trong ánh xuân tràn ngập, những giá trị văn hóa quý báu này sẽ mãi được gìn giữ, là niềm tự hào của thế hệ hôm nay và mai sau.
Ngày 29/11/2022, tại Kỳ họp thứ 17 tại Thủ đô Rabat, Vương quốc Maroc, Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003 của UNESCO đã quyết định ghi danh nghệ thuật làm gốm của người Chăm là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.