Ninh Thuận: Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
08/04/2024 | 16:59Theo Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh phấn đấu đến năm 2030, du lịch (DL) Ninh Thuận phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, theo hướng “Bền vững - Chất lượng cao - Độc đáo”, đóng góp 15% GRDP toàn tỉnh. DL Ninh Thuận trở thành điểm đến đặc biệt hấp dẫn, có năng lực cạnh tranh cao so với khu vực và cả nước. Tập trung nguồn lực đầu tư phát triển Khu DL quốc gia Ninh Chữ trở thành điểm đến của du khách.
Để ngành DL tăng tốc và phát triển hiệu quả theo Quyết định số 1319/QĐ-TTg, tỉnh đang tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp có trọng tâm, trọng điểm, biến tiềm năng, lợi thế và dư địa sẵn có thành động lực phát triển mạnh mẽ; xây dựng, phát triển thương hiệu DL Ninh Thuận, xây dựng quy hoạch các khu, điểm DL trọng điểm đồng thời mở rộng phân khúc khách theo sản phẩm chuyên đề, sớm đưa DL trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Theo đó, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành DL theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng và bền vững. Tập trung kêu gọi các thành phần kinh tế, khuyến khích các doanh nghiệp phát triển, làm mới các loại hình, dịch vụ đa dạng, độc đáo; gắn với phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc như: DL nghỉ dưỡng biển; DL văn hóa lịch sử; DL sinh thái; DL nông nghiệp, nông thôn; DL golf; DL ẩm thực... mang nét riêng của địa phương và có khả năng cạnh tranh cao, thu hút du khách trong và ngoài nước.
Dành nguồn lực thích hợp từ ngân sách nhà nước gắn với nguồn lực từ khu vực tư nhân theo hình thức đối tác công - tư để đầu tư hạ tầng đô thị Tp. Phan Rang - Tháp Chàm hướng đến trở thành đô thị DL; hạ tầng Khu DL quốc gia Ninh Chữ và các khu vực DL thuộc dải ven biển từ Bình Tiên - Vĩnh Hy đến Cà Ná - Mũi Dinh. Đầu tư bến cảng thủy nội địa chuyên dùng tại khu vực Bình Tiên - Vĩnh Hy, Ninh Chữ, Cà Ná; các hạng mục DL của dự án cảng tổng hợp Cà Ná; nâng cấp, cải thiện hạ tầng và chất lượng dịch vụ tại ga Tháp Chàm và Bến xe tỉnh; hạ tầng DL sinh thái tại Vườn quốc gia Núi Chúa và Phước Bình để phát huy các tiềm năng DL, hình thành các điểm đến đẳng cấp quốc tế. Đồng thời, dành nguồn lực để tôn tạo, bảo tồn và phát triển cơ sở vật chất tại các làng nghề điển hình, có giá trị khai thác DL cao, nhằm kết hợp quảng bá giá trị văn hóa, lịch sử gắn với thương hiện sản phẩm truyền thống để trở thành những điểm nhấn quan trọng về DL của tỉnh. Cải tạo, nâng cấp và đầu tư, phát triển các thiết chế văn hóa phù hợp với nhu cầu phát triển DL. Phát triển đồng thời các khu DL cộng đồng, DL văn hóa, di sản, DL sinh thái rừng gắn với các khu DL cấp tỉnh, gồm các khu: Khu DL hồ Tân Giang, hồ Sông Trâu, hồ Sông Sắt với các loại hình DL độc đáo, đa dạng, phù hợp với cảnh quan thiên nhiên, khí hậu và bản sắc của từng khu vực.
Đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến DL, phối hợp tổ chức các sự kiện văn hóa DL liên vùng, liên tỉnh như hành trình DL biển Nam Trung Bộ, tứ giác phát triển DL Phan Rang - Đà Lạt - Nha Trang - Phan Thiết; hợp tác DL 9 tỉnh duyên hải miền Trung, 6 tỉnh Nam Trung Bộ với Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, TP. Hà Nội, Hồ Chí Minh trong xúc tiến, quảng bá sản phẩm.