Ninh Thuận: Kết quả thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU về phát triển ngành du lịch
07/09/2021 | 09:44Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Thuận vừa tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 10/4/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển ngành du lịch Ninh Thuận đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, gắn với đánh giá kết quả thực hiện Chương trình hành động số 134-CTr/TU ngày 21/6/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Trong những năm qua, thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU và Chương trình hành động số 134-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đạt được nhiều kết quả tích cực; đã mở ra một bước ngoặt đột phá cho ngành du lịch tỉnh phát triển theo hướng xanh, sạch và bền vững. Ngành Du lịch tỉnh đã được tập trung đầu tư và có nhiều khởi sắc. Nhiều loại hình du lịch được đẩy mạnh và tạo được sức hút du khách; không gian du lịch ngày càng được mở rộng. Tốc độ phát triển du lịch của tỉnh có sự chuyển biến rõ nét, tăng trưởng vượt bậc; thu hút nhiều dự án đầu tư du lịch với quy mô lớn, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch ngày càng tăng về số lượng, chất lượng dịch vụ được cải thiện đáng kể; góp phần tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Kết quả thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ đạt được cụ thể như sau:
Kết quả thực hiện các mục tiêu chủ yếu đến cuối năm 2020
Giai đoạn 2012 - 2015: Tổng lượt khách đạt 4.930.000 lượt khách; trong đó: khách quốc tế đạt 300.000 lượt, khách nội địa đạt 4.630.000 lượt; ngành du lịch tỉnh đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, lượt khách tăng trưởng bình quân 16%/năm.
Giai đoạn 2016 - 2020: Tổng lượt khách đạt trên 9.316.000 lượt khách; trong đó: khách quốc tế đạt 312.000 lượt, khách nội địa đạt gần 9.004.000 lượt. Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên hoạt động du lịch giảm mạnh, lượng khách du lịch đến tỉnh đạt 1.176.500 lượt, tăng gấp 1,23 lần so năm 2012; trong đó khách quốc tế đạt 16.600 lượt. Tính chung giai đoạn 2016 - 2020, lượt khách tăng trưởng bình quân đạt 9,7%/năm, thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch tăng trưởng bình quân đạt 3,9%/năm, ngành du lịch đạt 8% GRDP toàn tỉnh.
Về đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch
Công tác quản lý nhà nước về du lịch có nhiều đổi mới, cơ bản đạt được yêu cầu về an toàn, an ninh trật tự tại các địa bàn trọng điểm du lịch của tỉnh. Sự tăng trưởng của du lịch đã tác động lan tỏa đến nhiều ngành, lĩnh vực khác; tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh xuất khẩu tại chỗ thông qua du lịch, giải quyết tốt vấn đề việc làm và an sinh xã hội; góp phần bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc. Việc huy động nguồn lực đầu tư phát triển du lịch được quan tâm chú trọng, trong giai đoạn 2011-2020, tổng vốn đầu tư cho phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh là 23.784 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn từ ngân sách nhà nước là 4.031 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 16,9%; nguồn vốn từ các thành phần kinh tế là 19.753,5 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 83,1%.
Cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược hàng đầu của Việt Nam đồng hành cùng với sự phát triển du lịch của tỉnh; tập trung nguồn lực đầu tư nhiều dự án du lịch quy mô lớn, chất lượng đẳng cấp quốc tế. Đến cuối năm 2020, có 30 dự án lịch được cấp quyết định chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký 19.753,5 tỷ đồng.
Cộng đồng dân cư tại các điểm du lịch đã có sự chuyển biến về nhận thức, ngày một thân thiện hơn với du khách. Người dân đã biết cách kết hợp giữa sản xuất, sinh hoạt văn hoá gắn với phát triển du lịch, nhất là du lịch theo hướng trải nghiệm, du lịch cộng đồng; đã hình thành nhiều sản phẩm du lịch mới như: Làng nho Thái An, vườn trái cây Lâm Sơn, làng sen Mỹ Nghiệp, homestay nhà sàn Bác Ái, Làng bích họa Hòn Thiên...
Về công tác quy hoạch và phát triển không gian du lịch
Đến nay, tỉnh đã tiến hành xây dựng và ban hành các quy hoạch, đồ án như: Quy hoạch vùng tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030, trong đó định hướng phát triển du lịch qua việc hình thành 04 không gian du lịch trên địa bàn tỉnh; Quy hoạch chung xây dựng khu du lịch ven biển phía Nam tỉnh Ninh Thuận đến năm 2035; Quy hoạch tổng thể phát triển ngành du lịch tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch phát triển dải ven biển của tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020; Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch ven biển phía Nam tỉnh Ninh Thuận đến năm 2035. Triển khai lập quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia Ninh Chữ theo tinh thần Nghị quyết số 115/NQ-CP của Chính phủ.
Các không gian du lịch trên địa bàn tỉnh được quy hoạch gồm 04 khu vực trọng điểm: không gian phía Đông Bắc (dải ven biển từ Bình Tiên - Vĩnh Hy - Ninh Chữ và Vườn Quốc gia Núi Chúa); không gian trung tâm (Khu vực thành phố Phan Rang - Tháp Chàm và vùng phụ cận, dọc Quốc lộ 27); không gian phía Nam (dải ven biển từ Ninh Phước đến Thuận Nam) và không gian phía Tây Bắc (thuộc huyện Bác Ái và Ninh Sơn).
Trong giai đoạn 2017 - 2020 có 05 dự án du lịch đã hoàn thành đưa vào hoạt động, nâng tổng số dự án đang hoạt động trên địa bàn tỉnh là 19 dự án/3.180,8 tỷ đồng, chiếm 14,4% tổng số dự án. Đến cuối năm 2020 trên địa bàn tỉnh có 30 dự án dịch vụ du lịch được cấp Quyết định chủ trương đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký 19.753,5 tỷ đồng; trong đó: có 8 dự án đi vào hoạt động với tổng vốn 612,5 tỷ đồng; có 3 dự án/9.514 tỷ đồng đang triển khai thi công; 19 dự án/9.627 tỷ đồng đang hoàn tất thủ tục pháp lý để triển khai thi công góp phần tăng số lượng cơ sở lưu trú du lịch, đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng của du khách trong nước và quốc tế khi đến Ninh Thuận, đóng góp vào tăng trưởng chung của tỉnh.
Kết quả phát triển các sản phẩm du lịch
Trong những năm qua, công tác xây dựng sản phẩm du lịch luôn được các ngành, địa phương quan tâm đẩy mạnh nhằm khai thác phát huy sự đa dạng, thế mạnh về du lịch của tỉnh; đã tạo được các sản phẩm du lịch phong phú, hấp dẫn thu hút du khách trong nước và quốc tế như: du lịch sinh thái, du lịch biển; du lịch văn hóa lịch sử; du lịch nghỉ dưỡng cao cấp; du lịch thể thao mạo hiểm, kết hợp với các sản phẩm du lịch mang tính bổ trợ thuộc các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, thủy hải sản, chăn nuôi, năng lượng tái tạo.
Về phát triển cơ sở vật chất, kỹ thuật ngành du lịch
Đến cuối năm 2020, tổng số cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh có 179 cơ sở/3.554 phòng, trong đó cơ số phòng có quy mô chất lượng từ 03 sao trở lên chiếm 40%; cơ sở lưu trú tăng 145%, số buồng phòng tăng 116,9% so với năm 2012, cơ bản đáp ứng nhu cầu khi tổ chức các sự kiện, hội nghị, hội thảo quy mô cấp quốc gia. Toàn tỉnh đến cuối năm 2020 có 06 doanh nghiệp đủ điều kiện kinh doanh hoạt động lữ hành, trong đó có 04 doanh nghiệp hoạt động lữ hành quốc tế.
Về công tác xúc tiến quảng bá du lịch
Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư phát triển du lịch được quan tâm tổ chức thực hiện, nổi bật là tổ chức các Hội nghị xúc tiến đầu tư theo chuyên đề, đối thoại trực tiếp với các nhà đầu tư tiềm năng. Trong giai đoạn 2012 - 2020, tỉnh đã tham gia trên 30 đợt xúc tiến đầu tư, trong đó có 10 đợt xúc tiến đầu tư tại nước ngoài; tham giá 20 hội nghị hợp tác, xúc tiến đầu tư trong nước do các Bộ ngành Trung ương tổ chức. Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương tổ chức trên 78 các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch mang tầm khu vực, quốc gia và quốc tế gắn với các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, nổi bật là Lễ hội Nho và Vang Ninh Thuận, Ngày hội Văn hóa dân tộc vùng đồng bào Chăm, Ngày hội Văn hóa Raglai, Giải Lướt ván diều KTA Châu Á, giải đua ôtô - Mô tô địa hình trên cát tại Mũi Dinh,… nhằm quảng bá, giới thiệu đến bạn bè, dù khách trong nước và quốc tế những nét văn hoá, điểm đến du lịch, hình ảnh và quê hương Ninh Thuận.
Về phát triển nguồn nhân lực
Công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch được các cấp, các ngành quan tâm. Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành "Đề án đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành du lịch tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2016-2020". Trên cơ sở đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ trì phối hợp với các Sở, ban, ngành, các cơ sở đào tạo trong và ngoài tỉnh tổ chức 18 lớp đào tạo và đào tạo lại về nghiệp vụ du lịch cho hơn 700 học viên là những nhân viên đang làm việc tại các nhà hàng, khách sạn, các khu du lịch, điểm du lịch trong tỉnh; tổ chức 02 lớp/200 học viên tập huấn "Nâng cao nhận thức xã hội về du lịch" và 06 lớp/250 học viên tập huấn, bồi dưỡng về kiến thức du lịch cộng đồng. Riêng đối với hệ dài hạn, trong giai đoạn 2012-2020, Trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận đã tổ chức 27 lớp/810 học viên nghề Quản trị khách sạn.
Giai đoạn 2012 - 2020, đã tổ chức gần 100 lớp đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ du lịch (nghiệp vụ bếp, bàn, buồng, quản lý nhà hàng - khách sạn, thuyết minh viên, du lịch cộng đồng; đào tạo tiếng Nga, tiếng Nhật, tiếng Anh,...) cho 3.921 học viên là những nhân viên đang làm việc tại các nhà hàng, khách sạn, các khu du lịch, điểm du lịch và người dân tham gia tổ chức hoạt động du lịch cộng đồng.
Một số nhiệm vụ trọng tâm phát triển du lịch Ninh Thuận trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong thời gian tới
Trong điều kiện chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, để thực hiện mục tiêu phát triển du lịch theo hướng toàn diện, cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2025, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh; xây dựng Ninh Thuận trở thành điểm đến quan trọng trong chuỗi du lịch duyên hải miền Trung; thu hút du khách tăng 7-8%/năm. Ninh Thuận sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như:
Tiếp tục tuyên truyền, quán triệt và triển khai sâu rộng các quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển du lịch theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và Nhân dân nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của phát triển du lịch.
Ban hành và tập trung chỉ đạo thực hiện đạt kết quả Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030.
Hoàn thành xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển du lịch Ninh Thuận giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch chung về xây dựng khu du lịch quốc gia Ninh Chữ. Cơ cấu lại ngành du lịch ứng phó với tình hình diễn biến của dịch bệnh, biến đổi khí hậu; đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động du lịch.
Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác thông tin, quảng bá xúc tiến du lịch; tập trung phát triển sản phẩm du lịch đi vào chiều sâu, tiếp tục hình thành các sản phẩm du lịch mới, đặc thù có sức cạnh tranh cao.
Tiếp tục có cơ chế thu hút đầu tư du lịch, đẩy mạnh phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch, nhất là thu hút đầu tư du lịch trọng điểm có đẳng cấp cao; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư để đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án du lịch.
Nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch; đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch. Tăng cường liên kết, hợp tác với các địa phương trong phát triển du lịch,…
Với mục tiêu, tầm nhìn mới, hy vọng du lịch Ninh Thuận sẽ có thương hiệu, trở thành điểm đến hấp dẫn, thân thiện, an toàn đối với du khách trong nước và quốc tế trong thời gian tới./.