Ninh Thuận: Du lịch phục hồi, tăng trưởng nhanh
11/07/2023 | 10:49Cùng với tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp có trọng tâm, trọng điểm, biến tiềm năng, lợi thế và dư địa sẵn có thành động lực phát triển. Công tác tổ chức xúc tiến, quảng bá, thu hút đầu tư, hội nghị, hội thảo, phát triển sản phẩm du lịch đạt hiệu quả; công tác quản lý nhà nước về du lịch được quan tâm, tạo động lực cho du lịch phục hồi, phát triển mạnh mẽ.
Trong 6 tháng đầu năm, tổng lượt khách tham quan, nghỉ dưỡng tại tỉnh Ninh Thuân ước đạt 1,71 triệu lượt, tăng 19% so cùng kỳ năm 2022, đạt 63,3% so với kế hoạch. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 20.000 lượt, tăng trên 300% so với cùng kỳ, đạt 100% so kế hoạch; khách nội địa ước đạt 1,69 triệu lượt khách. Thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch đạt khoảng 1.360 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Hương, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Ninh Thuận, cho biết: Với sự phục hồi, tăng trưởng mạnh của ngành du lịch đã tác động đến nền kinh tế của tỉnh. Trong 6 tháng đầu năm 2023, nhu cầu du lịch đến Ninh Thuận tăng cao vào các dịp nghỉ lễ, nghỉ hè. Đặc biệt trong tháng 6/2023, Ninh Thuận tổ chức Lễ đón bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp” và Lễ hội Nho - Vang diễn ra từ ngày 13 đến 18/6/2023. Đây là sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch lớn của tỉnh. Nhiều hoạt động diễn ra tại một số huyện, thành phố trong tỉnh, đã thu hút đông đảo khách tham quan, du lịch, góp phần làm doanh thu hoạt động nhà hàng trong 6 tháng đầu năm tăng 24,33%; lưu trú tăng gấp 2,8 lần cùng kỳ 2022. Doanh thu du lịch lữ hành tăng 328,3%. Doanh thu dịch vụ khác ước đạt 1.561,1 tỷ đồng, chiếm 8,34% và tăng 25,6%...
Để có được kết quả trên, thời gian qua tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng và bền vững. Tập trung kêu gọi các thành phần kinh tế, khuyến khích các doanh nghiệp phát triển, làm mới các loại hình, dịch vụ đa dạng, độc đáo. Đồng thời, gắn với phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc như du lịch nghỉ dưỡng biển; du lịch văn hóa lịch sử; du lịch sinh thái; du lịch nông nghiệp, nông thôn... mang nét đặc trưng riêng của địa phương và có khả năng cạnh tranh cao thu hút du khách trong và ngoài nước. Ngành du lịch tỉnh cũng đã tích cực triển khai công tác ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động phát triển du lịch theo kế hoạch chung của toàn tỉnh như: Xây dựng hệ thống thông tin số du lịch, hệ thống wifi và kiosk miễn phí tại một số khu, điểm du lịch chính, hệ thống hướng dẫn viên du lịch ảo để nhằm mục đích hỗ trợ cho du khách; năng lực vận tải đến các vùng du lịch trọng điểm của tỉnh được tăng cường, cơ sở vật chất kỹ thuật, nhất là cơ sở lưu trú du lịch được đầu tư khá, đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng, lưu trú cho du khách trong và ngoài nước.
Tính đến tháng 6/2023, trên địa bàn tỉnh có 57 dự án du lịch đã được UBND tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 52.514,2 tỷ đồng. Trong đó, có 25 dự án đã hoàn thành, đưa vào hoạt động với tổng vốn đăng ký 3.974,5 tỷ đồng, chiếm 44% số dự án và 32 dự án chưa hoàn thành, chiếm 56%, trong đó có 22 dự án du lịch trọng điểm của tỉnh. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 205 cơ sở lưu trú du lịch và 4.529 phòng. Các doanh nghiệp du lịch trong tỉnh đầu tư, nâng cấp nhiều điểm, khu du lịch nhằm tạo sức lan tỏa, quảng bá hình ảnh du lịch Ninh Thuận, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, giúp cho lịch trình tham quan đến Ninh Thuận thú vị và nhiều trải nghiệm hơn. Cảnh quan thiên nhiên môi trường, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội luôn được giữ vững, tạo môi trường thuận lợi cho việc phát triển du lịch. Đã hình thành một số điểm tham quan du lịch mới, góp phần thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài tỉnh.
Phấn đấu về đích sớm
Để hoàn thành mục tiêu đón 2,7 triệu lượt khách năm 2023, UBND tỉnh đang tập trung chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về công tác phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn gắn với công tác bảo vệ môi trường. Các ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 04-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch Ninh Thuận trở thành ngành kinh tế mũi nhọn giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động quản lý kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh; tập trung tháo gỡ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp du lịch đảm bảo kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả và đúng quy định. Triển khai thực hiện chuyển đổi số trong công tác tuyên truyền, quảng bá xúc tiến du lịch nhằm tập trung mở rộng thị trường du lịch. Đẩy mạnh các hoạt động mời gọi và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc thu hút đầu tư phát triển du lịch; các công trình phát triển kinh tế - xã hội với phát triển du lịch theo quy hoạch, đảm bảo môi trường, tính đồng bộ, tính hiện đại, lâu dài, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương về yếu tố tự nhiên và văn hóa dân tộc, thế mạnh đặc trưng.
Đồng chí Nguyễn Long Biên, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 2687/KH-UBND thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Mục tiêu phát triển du lịch theo hướng toàn diện, cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, với phương châm “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch, đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”. Để thực hiện được điều đó, ngoài việc đa dạng hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch tỉnh quy hoạch rõ khu vực phát triển du lịch chất lượng cao, du lịch phổ thông. Hướng tới hình thành các khu du lịch có quy mô lớn, loại hình độc đáo với chất lượng dịch vụ tốt nhất, có tính cạnh tranh cao. Tăng cường liên kết, kết nối với các tuyến du lịch quốc gia và các địa phương trong khu vực. Xây dựng Ninh Thuận trở thành điểm đến quan trọng trong chuỗi du lịch duyên hải miền Trung; phấn đấu thu hút du khách tăng 7-8%/năm, sớm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.