Ninh Thuận: Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nhân lực ngành Du lịch
15/08/2022 | 15:42Nghị quyết số 04-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Thuận về phát triển du lịch (DL) Ninh Thuận trở thành ngành kinh tế mũi nhọn giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030 đặt ra chỉ tiêu đến năm 2025 phấn đấu thu hút 3,5 triệu lượt khách, đến năm 2030 thu hút 6 triệu lượt khách và giải quyết việc làm cho 20% lao động trong tỉnh. Để đạt được chỉ tiêu trên, việc phát triển nguồn nhân lực phục vụ DL là một trong 8 nhiệm vụ trọng tâm của ngành.
Ngành DL tỉnh Ninh Thuận hiện đang trong giai đoạn thu hút đầu tư và bước đầu có bước phát triển. Từ năm 2012 đến nay đã có 5 dự án đi vào hoạt động, 5 dự án đã triển khai thi công, 20 dự án đang trong quá trình chuẩn bị thi công và 5 dự án được chấp thuận địa điểm. Tỉnh đã thu hút được rất nhiều nhà đầu tư lớn như: Crystal Bay, Tecco, Trường Thành, T&T... đầu tư vào lĩnh vực DL. Với số lượng lớn các dự án như trên, nhu cầu nhân lực phục vụ ngành DL là rất lớn. Theo số liệu thống kế, tính đến tháng 2-2020, tổng số lao động trực tiếp trong ngành DL tỉnh ta khoảng 2.200 người, có sự gia tăng liên tục, trung bình mỗi năm tăng thêm 175 người; lực lượng lao động gián tiếp ước tính hơn 6.000 người.
Đánh giá về nguồn nhân lực phục vụ ngành DL, bà Nguyễn Thị Loan, Trưởng phòng Hành chính nhân sự Công ty TNHH Khu DL Hoàn Mỹ cho rằng, với 2 khu resort gồm Hòn Cò - Cà Ná và Hoàn Mỹ, đơn vị cần trên 220 lao động chính thức. Tuy nhiên, việc tuyển dụng khá khó khăn, có quá ít lao động đáp ứng được yêu cầu doanh nghiệp đặt ra, nhất là đối với các vị trí trưởng bộ phận hay cấp quản lý. Thực tế này bắt buộc doanh nghiệp phải tìm kiếm, tuyển lao động từ các tỉnh, thành phố khác đến, song kết quả cũng không như kỳ vọng. Nhiều vị trí phải tuyển đi tuyển lại nhiều lần, trải qua thời gian dài đào tạo, ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Cùng chung quan điểm, bà Nguyễn Thị Diệu Thùy, đại diện tuyển dụng nhân sự Khu nghỉ dưỡng Amanoi Ninh Thuận, nhận xét: Thiếu và yếu là thực trạng của nhân lực ngành DL hiện nay. Là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực DL nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế, đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao, nhiều năm qua đơn vị tuyển dụng rất nhiều vị trí nhưng số người trúng tuyển ít. Đến với chúng tôi, ngoài một số vị trí yêu cầu bắt buộc phải biết sử dụng thành thạo tiếng Anh, chúng tôi chỉ cần lao động có thái độ tốt, tinh thần cầu thị sẽ được tiếp nhận và hỗ trợ đào tạo nhưng cũng gặp khó. Theo bà Thùy, với đặc thù của ngành DL là lấy sự hài lòng của khách hàng làm thước đo đánh giá chất lượng, chúng tôi rất cần những lao động chuyên nghiệp, đức tính chân thật, song không mấy người đáp ứng được những yêu cầu cơ bản này.
Nhằm đảm bảo số lượng, chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực cạnh tranh, đưa ngành DL nhanh chóng phục hồi và phát triển sau đại dịch COVID-19, hướng tới trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, cuối tháng 6 vừa qua, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực DL giai đoạn 2022-2025. Theo đó, từ nay đến năm 2025, tỉnh ta đặt mục tiêu đào tạo 50 lao động trình độ đại học, 240 lao động trình độ cao đẳng, 200 lao động trình độ trung cấp, 1.090 lao động trình độ sơ cấp thuộc các chuyên ngành quản trị khách sạn, quản trị dịch vụ DL và lữ hành. Đồng thời, sẽ có khoảng 1.680 lao động phục vụ tại các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình có đăng ký hoạt động kinh doanh DL trên địa bàn tỉnh được bồi dưỡng nghiệp vụ bàn, buồng phòng, lễ tân, hướng dẫn viên DL, chế biến món ăn, pha chế, điều dưỡng, điều dưỡng y tế và làm đẹp...
Đồng chí Phạm Thị Thanh Hường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch, cho biết: Thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ sở đào tạo nghề trong và ngoài tỉnh tổ chức 18 lớp đào tạo và đào tạo lại về nghiệp vụ DL cho 700 học viên là những nhân viên đang làm việc tại các nhà hàng, khách sạn, các khu DL, điểm DL trong tỉnh. Trường Cao đẳng Nghề Ninh Thuận cũng đã mở thêm ngành Quản trị khách sạn và đào tạo được 810 sinh viên. Nhiều cuộc thi kỹ năng phục vụ, thuyết minh viên... cũng được tổ chức nhằm nâng cao chất lượng nhân lực ngành DL. Ngoài ra, các cơ sở lưu trú, kinh doanh dịch vụ DL đã chủ động mời giáo viên đào tạo tại chỗ cho trên 600 học viên để nâng cao trình độ nghiệp vụ. Nhờ vậy, đến nay có 62,27% lao động của ngành DL được đánh giá có thái độ thân thiện, mang tới sự hài lòng cho du khách. Thực hiện Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực DL giai đoạn 2022-2025 của UBND tỉnh, Sở đã giao cho Trung tâm Thông tin xúc tiến DL chủ trì, phối hợp với đơn vị chức năng, các cơ sở đào tạo trong và ngoài tỉnh tiếp tục mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ DL. Yêu cầu đặt ra là nội dung bồi dưỡng phải sát với nhu cầu thực tiễn, đảm bảo học viên có thể ứng dụng kiến thức vào công việc.