Ninh Bình tổ chức nhiều sự kiện, hoạt động văn hóa để thu hút khách du lịch
19/03/2025 | 15:37Việc khai thác lợi thế văn hóa để phát triển du lịch không đơn thuần là thu hút du khách mà còn nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị di sản của cha ông. Xác định rõ điều đó, những năm qua, Ninh Bình đã tổ chức nhiều sự kiện, hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống. Qua đó, gia tăng trải nghiệm, tạo điểm nhấn, níu chân du khách.

Biểu diễn múa rối nước tại phố cổ Hoa Lư không chỉ là một loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc của Việt Nam mà còn là nhịp cầu kết nối du khách với nét đẹp văn hóa và giá trị lịch sử của vùng đất, con người cố đô Hoa Lư.
Biểu diễn múa rối nước vào dịp cuối tuần tại phố cổ Hoa Lư là một trong những hoạt động ý nghĩa, giúp du khách cảm nhận rõ hơn nét đẹp văn hóa, giá trị lịch sử của vùng đất, con người cố đô Hoa Lư. Cùng với đó, là những tích trò dân gian gắn với các bài đồng dao, làn điệu chèo cổ, diễn tích cờ lau tập trận, khao quân, để kể câu chuyện lịch sử hào hùng của dân tộc

Du khách rộn ràng hòa mình vào điệu nhảy sạp truyền thống
Cùng với tổ chức nhiều những sự kiện văn hóa, thì với gần 400 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê, nổi bật là các lễ hội truyền thống, nghệ thuật trình diễn, diễn xướng dân gian, Ninh Bình có lợi thế lớn phát triển du lịch kết hợp trải nghiệm văn hóa, cảnh sắc thiên nhiên. Nhiều sản phẩm được khai thác phát triển như: du lịch văn hóa tâm linh qua các di tích - danh thắng, lễ hội dân gian; văn hóa làng nghề, các loại hình văn hóa, nghệ thuật truyền thống, các trò chơi dân gian tại các khu, điểm du lịch. Đây cũng là yếu tố quan trọng, tạo nền tảng, tính hấp dẫn cho phát triển du lịch về đêm, níu chân du khách lưu trú dài ngày.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc. Đặc biệt, Nghị quyết số 105/2023 của HĐND tỉnh về việc ban hành Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 – 2030 đã tạo lực đẩy quan trọng cho các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp. Trong đó, hỗ trợ với mức 50 triệu đồng cho thành lập mới và 30 triệu đồng cho việc duy trì hoạt động của đội văn nghệ, câu lạc bộ văn nghệ quần chúng tại các địa phương để phục vụ khách du lịch, đã tạo lực lượng nòng cốt trong việc gìn giữ, truyền tải nét đẹp văn hóa quê hương.

Vẻ đẹp thơ mộng của Tam Cốc mùa lúa chín hút hồn du khách
Những thương hiệu như: tốp 10 địa điểm thân thiện nhất thế giới, tốp 10 điểm đến có trải nghiệm cuốn hút nhất thế giới đã cho thấy sức hút của du lịch miền đất cố đô. Điều này cũng khẳng định hiệu quả phát triển du lịch từ khai thác các giá trị di sản văn hóa. Qua đó, vừa thu hút, vừa quảng bá tinh hoa nghệ thuật truyền thống của quê hương đến du khách trong nước và quốc tế./.