Ninh Bình: Tiếp tục nâng cao chất lượng phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa
03/09/2021 | 11:19Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" được phát động từ năm 2000. Qua hơn 20 năm triển khai thực hiện, phong trào ngày càng phát triển, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, khơi dậy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, cống hiến của nhân dân, phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo và nội lực của nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh.
Quán triệt sâu sắc quan điểm "văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội", trong những năm qua, các cấp, các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm "nâng tầm văn hóa" và thực hiện tốt phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa".
Các nội dung chính của phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" được triển khai thực hiện gắn với các phong trào thi đua, các cuộc vận động khác, đặc biệt là cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Xây dựng gia đình văn hóa đã trở thành phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp, tác động tích cực đến từng gia đình, khơi dậy truyền thống tương thân tương ái, uống nước nhớ nguồn, lòng yêu nước, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân.
Qua đó, nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp được bảo tồn, phát huy; đạo đức, gia phong của gia đình, dòng họ được gìn giữ, tinh thần đoàn kết cộng đồng ngày càng lan tỏa. Phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị văn hóa được triển khai với nhiều nội dung cụ thể, thiết thực. Cùng với việc thực hiện các tiêu chí xây dựng cơ quan văn hóa, các cơ quan, đơn vị quan tâm xây dựng môi trường làm việc văn minh, tiến bộ, xây dựng tác phong làm việc dân chủ, kỷ cương, đề cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
Phong trào xây dựng khu dân cư văn hóa, xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị được triển khai sâu rộng, gắn việc thực hiện các tiêu chí văn hóa của khu dân cư với xây dựng thực hiện hương ước, quy ước, quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng văn hóa giao tiếp, ứng xử văn minh; giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, an toàn giao thông; xây dựng trật tự, mỹ quan đô thị và thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội.
Số lượng, chất lượng các danh hiệu văn hóa được công nhận ngày càng nâng cao, năm 2020 có 89,33% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa; có 90,83% làng, thôn, xóm, phố đạt danh hiệu văn hóa; có 77,88% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt danh hiệu văn hóa. Đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 106/119 xã (đạt 89,08%) được công nhận xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; có 13/24 phường, thị trấn (đạt 54,17%) được công nhận danh hiệu đạt chuẩn văn minh đô thị, 100% khu dân cư xây dựng hương ước, quy ước.
Kết quả qua hơn 20 năm thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" đã khẳng định vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền; sự phối hợp tích cực, đồng bộ với nhiều giải pháp của các cơ quan, ban, ngành; sự nỗ lực, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân. Trong giai đoạn 2021-2025, Ban Chỉ đạo phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" tỉnh đề ra phương hướng, nhiệm vụ đưa phong trào tiếp tục phát triển đi vào chiều sâu, thực chất. Để phong trào ngày càng lan tỏa sâu rộng, các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức trong cộng đồng về vị trí, vai trò của văn hóa; tạo sự đồng thuận cao trong xã hội về thực hiện các phong trào văn hóa.
Tiếp tục quan tâm duy trì, thực hiện nâng cao chất lượng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", tập trung củng cố, nâng cao chất lượng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, xã, phường văn hóa, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa. Trong đó quan tâm xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, có nền nếp, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, vợ chồng hòa thuận, anh em đoàn kết, thương yêu nhau.
Phát huy và đề cao sự nêu gương của người lớn trong gia đình và xã hội để giáo dục thế hệ trẻ học tập và noi theo. Xây dựng và nhân rộng mô hình gương người tốt việc tốt; mô hình dân vận khéo; phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo; vận động nhân dân tích cực đóng góp xây dựng kết cấu hạ tầng; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, bảo vệ môi trường; đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; thực hiện nếp sống văn minh đô thị, nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội…
Đồng thời tiếp tục hoàn thiện xây dựng các thiết chế văn hóa thể thao, đẩy mạnh khai thác tối đa công năng của các công trình văn hóa, đặc biệt là hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân được tiếp cận, tham gia nhiều hơn các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao.
Từ đó góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong cộng đồng dân cư, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tạo động lực cho sự phát triển nhanh và bền vững của tỉnh nhà.