Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Ninh Bình: Tăng cường sản phẩm du lịch có tính kết nối cao

20/04/2021 | 10:09

Để đạt được mục tiêu đến năm 2030 du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, ngay từ bây giờ ngành Du lịch Ninh Bình cần có những bước đi phù hợp để xây dựng, đổi mới, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch. Trong đó, chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch có tính kết nối với các điểm du lịch trong nước.

Với nguồn tài nguyên du lịch đặc sắc, phong phú và đa dạng, Ninh Bình có điều kiện thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch, từ du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh đến du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm (du lịch MICE). Theo thống kê của ngành Du lịch, hiện toàn tỉnh có 1.821 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 81 di tích cấp quốc gia (3 di tích cấp quốc gia đặc biệt), 301 di tích cấp tỉnh.

Đặc biệt, Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới từ năm 2014 đã có những tác động trực tiếp đến phát triển du lịch của tỉnh. Đó là tiền đề để ngành Du lịch từng bước đầu tư khai thác và phát triển các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù.

Ninh Bình: Tăng cường sản phẩm du lịch có tính kết nối cao - Ảnh 1.

Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới

Theo Trung tâm xúc tiến du lịch và hỗ trợ du khách, Sở Du lịch Ninh Bình, trên cơ sở các tiềm năng du lịch của tỉnh, ngành Du lịch đã xây dựng, khai thác các sản phẩm du lịch chủ yếu bao gồm: du lịch sinh thái tập trung vào các khu hang động Tràng An, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, Vườn Quốc gia Cúc Phương,..; Du lịch Văn hóa tập trung ở Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư, các di tích lịch sử văn hóa thời Đinh, Lê, Nhà thờ đá Phát Diệm,... Du lịch tâm linh tập trung ở chùa Bái Đính, Đền Dâu, Đền Quán cháo...

Sở Du lịch Ninh Bình đã phối hợp với các đơn vị kinh doanh du lịch nghiên cứu, xây dựng và đưa vào khai thác một số tuyến, điểm và sản phẩm du lịch mới như: mở thêm tuyến 2, tuyến 3 Khu du lịch sinh thái Tràng An, điểm du lịch Tuyệt Tịnh Cốc; xây dựng khu du lịch Tam Cốc - Bích Động trở thành điểm sáng về văn minh, văn hóa và an toàn; du lịch làng nghề truyền thống; khảo sát xây dựng và phát triển mô hình du lịch gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn tại làng hoa Ninh Phúc, cánh đồng dứa Đồng Giao, nghề nuôi trai nước ngọt lấy ngọc... nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của du khách.

Đáng chú ý, để kích cầu khách du lịch trong mùa thấp điểm, góp phần quảng bá những giá trị nổi bật của Quần thể danh thắng Tràng An, từ năm 2018 đến nay, hàng năm Sở Du lịch đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức Tuần du lịch Ninh Bình "Sắc vàng Tam Cốc - Tràng An" thu hút hàng trăm nghìn du khách về thăm, tạo nên một sản phẩm mới, độc đáo cho du lịch Ninh Bình.

Với các loại hình du lịch đa dạng, phong phú, mỗi năm, Ninh Bình đón hàng triệu lượt du khách. Tuy nhiên, doanh thu từ du lịch chưa cao, tỷ lệ khách lưu trú qua đêm ít...

Do vậy, để đạt được mục tiêu đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ngay từ bây giờ ngành Du lịch cần có những bước đi phù hợp để xây dựng, đổi mới, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch.

Trước hết, hiện thực hoá mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tổng lượt khách đến tham quan tại các khu, điểm du lịch đạt 8,5 triệu lượt, doanh thu ước đạt 8.000 tỷ đồng, góp phần tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo cho gần 28.700 lao động, ngành Du lịch cần tăng cường công tác quản lý của Nhà nước. Trong đó chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động du lịch về vị trí, vai trò của du lịch đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và công tác bảo tồn tài nguyên du lịch, góp phần phát triển du lịch bền vững.

Đồng thời, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố trong việc tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, văn minh du lịch tại các khu, điểm du lịch, các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng dân cư phát triển du lịch.

Mặt khác, tăng cường liên kết hợp tác với các tỉnh, thành phố lớn trong hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch. Nghiên cứu thị trường, xây dựng và tổ chức các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch có trọng tâm trọng điểm, gắn với các sự kiện văn hóa, lễ hội, hội chợ, hội nghị, hội thảo tại các tỉnh, thành phố; chú trọng xây dựng hình ảnh, thương hiệu điểm đến Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An. Quan tâm quảng bá xúc tiến du lịch ở nước ngoài. Hàng năm tổ chức Tuần Du lịch Ninh Bình, chủ đề "Sắc vàng Tam Cốc-Tràng An".

Trung tâm xúc tiến du lịch và hỗ trợ du khách, Sở Du lịch Ninh Bình cho biết thêm, để chuẩn bị cho Năm Du lịch Quốc gia 2021, thời gian tới ngành Du lịch Ninh Bình sẽ mời các chuyên gia du lịch về Ninh Bình để nghiên cứu, xây dựng các sản phẩm du lịch có tính kết nối với các điểm du lịch trong nước. Trong đó, đặc biệt chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch về đêm để đảm bảo “chuỗi khép kín” trong khai thác các sản phẩm du lịch thế mạnh của tỉnh.

Cùng với đó, tổ chức đón các đoàn doanh nghiệp lữ hành, cơ quan báo chí đến Ninh Bình nghiên cứu, khảo sát xây dựng sản phẩm du lịch Ninh Bình giới thiệu cho khách du lịch. Ngoài ra, vận động các doanh nghiệp kinh doanh du lịch chủ động đầu tư, nâng cao chất lượng, đa dạng các loại hình dịch vụ tại cơ sở, nhằm tạo ra những sản phẩm đa dạng, đặc sắc, có sức hấp dẫn và sức cạnh tranh cao.

Theo Báo Tài nguyên & Môi trường

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×