Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Ninh Bình: Tăng cường hợp tác để thúc đẩy du lịch phát triển

14/03/2023 | 08:39

Nằm trong vùng Đồng bằng Sông Hồng, địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc của dân tộc, tỉnh Ninh Bình được thiên nhiên ưu đãi, có lợi thế cạnh tranh đặc biệt về du lịch. Nhận diện rõ tiềm năng và lợi thế, trong những năm qua, tỉnh Ninh Bình đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để thúc đẩy du lịch phát triển.

Ninh Bình: Tăng cường hợp tác để thúc đẩy du lịch phát triển - Ảnh 1.

Phố cổ Hoa Lư- điểm du lịch hút khách. Ảnh: PV

Đặc biệt, từ khi Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới đã mở ra cơ hội lớn để du lịch Ninh Bình bứt phá vươn lên. Trong giai đoạn 2010-2019, tốc độ tăng trưởng khách du lịch và doanh thu du lịch của Ninh Bình liên tục tăng. Hai năm (2020-2021) do bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, du lịch Việt Nam nói chung và tỉnh Ninh Bình nói riêng bị thiệt hại nặng nề, tuy nhiên với những biện pháp đầu tư, xúc tiến, quảng bá, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân làm du lịch, hoạt động du lịch của tỉnh năm 2022 có những bước phát triển trở lại, ước đón gần 4 triệu lượt khách du lịch, trong đó có gần 60 nghìn khách du lịch quốc tế, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

2 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh đón khoảng 2,33 triệu lượt khách, trong đó có hơn 90 nghìn khách du lịch quốc tế; doanh thu ước đạt hơn 1.814 tỷ đồng, tăng 6,87 lần so với cùng kỳ năm 2022. Với sự nỗ lực vượt bậc, hình ảnh, thương hiệu du lịch Ninh Bình từng bước được khẳng định khá đậm nét trên bản đồ du lịch Việt Nam và trên thế giới; 3 năm liền (2018-2020) được các tạp chí, chuyên trang du lịch quốc tế bình chọn trong nhóm điểm đến hấp dẫn hàng đầu của Việt Nam và khu vực.

Mới đây, ngày 1/2/2023, Ninh Bình là đại diện duy nhất của Việt Nam và châu Á được bình chọn là một trong 10 điểm đến thân thiện nhất thế giới do ứng dụng đặt phòng Booking tổ chức. Những danh hiệu trên đã khằng định sự yêu mến, hài lòng của du khách trong nước và quốc tế khi đến Ninh Bình.

Để tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế, đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy nhiều ngành, nhiều lĩnh vực cùng phát triển, trong thời gian tới ngành Du lịch phải không ngừng tìm tòi đổi mới, nắm bắt cơ hội phục hồi mạnh mẽ để chuyển sang một giai đoạn phát triển mới.

Ngành cần chú trọng việc nâng cấp và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch có chất lượng cao; tổ chức cơ cấu lại nguồn nhân lực theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại. Cùng với đó, tập trung đổi mới phương pháp xúc tiến, quảng bá và phát triển thương hiệu du lịch Ninh Bình theo hướng dài hạn, chuyên nghiệp và hiệu quả. Đặc biệt cần tăng cường hợp tác du lịch với các tỉnh, thành phố lớn, các trọng điểm du lịch quốc gia và liên kết, hợp tác phát triển du lịch, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng để hình thành và khai thác các sản phẩm du lịch liên tỉnh, liên vùng.

Thời gian qua, Ninh Bình đã tổ chức ký kết nhiều văn bản liên kết, hợp tác về phát triển du lịch, cùng phối hợp tuyên truyền, quảng bá, trao đổi nghiệp vụ du lịch, nhất là đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên môn về lữ hành, khách sạn, chuyển đổi số; tổ chức các hoạt động hỗ trợ khách du lịch.

Phối hợp chặt chẽ trong xây dựng và khai thác sản phẩm du lịch, các loại hình du lịch gắn kết các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng như tour du lịch văn hóa sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa lễ hội. Nhờ thế, du lịch vùng Đồng bằng sông Hồng đã có những chuyển biến tích cực và thu được kết quả đáng mừng, công tác phát triển du lịch có nhiều đổi mới và phát triển; các dịch vụ, sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng, từng bước đưa du lịch vùng Đồng bằng sông Hồng đến với đông đảo du khách trong nước và quốc tế.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, tính liên kết vùng vẫn chưa như mong muốn, còn tồn tại những hạn chế như: một số tài nguyên hấp dẫn mới được phát hiện chưa được tổ chức quản lý, khai thác hiệu quả, sản phẩm du lịch chưa thật phong phú; còn ít tour du lịch liên tỉnh, thành phố trong và ngoài Vùng; quảng bá xúc tiến chưa chuyên nghiệp, nguồn nhân lực du lịch còn thiếu và yếu… Liên kết vùng đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển du lịch.

Nghị quyết số 30-NQ/ TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đã nêu rõ: "Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với các sản phẩm đa dạng, độc đáo, gắn với phát huy giá trị của nền văn minh sông Hồng, chú trọng liên kết giữa ngành Du lịch với các ngành, lĩnh vực khác trong chuỗi giá trị sản phẩm du lịch…".

Để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao trong Nghị quyết số 30, các tỉnh, thành phố trong Vùng cần tăng cường liên kết, hợp tác; trong đó chú trọng việc xây dựng, khai thác sản phẩm đặc thù của các địa phương, đảm bảo mỗi địa phương có một sản phẩm du lịch mang bản sắc riêng làm điểm nhấn trong tổng thể thương hiệu du lịch vùng, gắn phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa địa phương, dân tộc; cùng liên kết quảng bá xúc tiến du lịch để tăng lượng khách và tổng thu du lịch cho các địa phương và toàn Vùng; tạo động lực cho doanh nghiệp du lịch và liên quan triển khai kế hoạch kinh doanh.

Tổ chức các hoạt động kết nối để doanh nghiệp và người làm du lịch các địa phương có cơ hội tìm hiểu dịch vụ, sản phẩm cũng như trao đổi hợp tác cụ thể, thiết thực, phát huy quan hệ hợp tác, tạo các chuỗi sản phẩm có chất lượng, giá trị, thật sự mang tính cạnh tranh và hấp dẫn đối với khách du lịch nhằm đưa liên kết vào trong thực tiễn kinh doanh của ngành du lịch và doanh nghiệp.

Theo Báo Ninh Bình

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×