Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Ninh Bình: Tăng cường công tác quản lý các dịch vụ văn hóa

12/01/2021 | 14:44

Thời gian qua, các dịch vụ văn hóa trên địa bàn tỉnh có sự phát triển nhanh và khá đa dạng, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Tuy nhiên, sự phát triển của các loại hình dịch vụ văn hóa cũng đang đặt ra nhiều khó khăn, bất cập trong công tác quản lý, đòi hỏi sự vào cuộc tích cực, mạnh mẽ của các cơ quan quản lý và ngành chức năng nhằm tạo ra môi trường kinh doanh dịch vụ văn hóa bình đẳng, lành mạnh, đúng pháp luật, góp phần phát triển kinh tế-xã hội.

Ninh Bình: Tăng cường công tác quản lý các dịch vụ văn hóa  - Ảnh 1.

Ban Văn hóa Xã hội (HĐND tỉnh) phối hợp với lực lượng công an kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật tại một số cơ sở kinh doanh Karaoke trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 226 cơ sở kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực văn hóa, nhiều loại hình dịch vụ văn hóa đang hoạt động thường xuyên gồm: Kinh doanh karaoke, vũ trường, kinh doanh băng đĩa ca nhạc, sân khấu, kinh doanh dịch vụ lĩnh vực quảng cáo, hoạt động chiếu phim và những hoạt động diễn ra trong một khoảng thời gian nhất định như: hoạt động quảng cáo, biểu diễn nghệ thuật, triển lãm văn hóa nghệ thuật… Trong quá trình hoạt động, nhìn chung các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa đã cơ bản chấp hành, thực hiện đúng quy định của pháp luật, góp phần phục vụ nhu cầu sinh hoạt và hưởng thụ văn hóa của nhân dân, góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa trên địa bàn tỉnh còn một số hạn chế cần sớm được khắc phục. Cụ thể như: hiện nay, vẫn còn tình trạng một số cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke hoạt động khi chưa xin phép; dừng hoạt động nhưng không thông báo với ngành chức năng theo quy định. Nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke hoạt động không đúng nội dung đã đăng ký, đưa vào hoạt động những phòng không đủ điều kiện cấp phép (không đảm bảo diện tích, trang thiết bị, cơ sở vật chất…). Một số cơ sở hoạt động khi chưa được cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT, không đảm bảo các quy định về an toàn, phòng chống cháy nổ. Trong 2 năm (2019-2020), Sở Văn hóa và Thể thao đã tiến hành kiểm tra tại 24 cơ sở, lập biên bản nhắc nhở yêu cầu cơ sở không được kinh doanh tại 43 phòng hát chưa được cấp phép; Công an tỉnh kiểm tra và xử phạt tại 62 cơ sở, trong đó xử phạt 12 cơ sở vi phạm về hoạt động quá giờ quy định. Cũng trong 2 năm, Công an tỉnh kiểm tra phát hiện 7 cơ sở vi phạm lỗi không có giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT, 18 cơ sở vi phạm về công tác đảm bảo phòng cháy, chữa cháy.

Đáng nói, một số cơ sở kinh doanh karaoke đã biến nơi sinh hoạt văn hóa thành nơi ăn chơi, dung túng cho các tệ nạn xã hội. Năm 2019-2020, Công an tỉnh kiểm tra, xử phạt 4 cơ sở vi phạm về để người khác lợi dụng sử dụng trái phép chất ma túy. Việc quản lý đối tượng người phục vụ trong phòng hát đang vấp phải những chiêu trò tinh vi của các chủ cơ sở như: hầu hết các cơ sở không thực hiện việc quản lý lao động là người phục vụ tại phòng hát theo quy định; nhân viên chỗ ở không ổn định, khi khách có nhu cầu thì được gọi đến, coi là "khách của khách", nên các lực lượng chức năng khó khăn trong kiểm tra, xử lý.

Trong lĩnh vực hoạt động quảng cáo còn nhiều bất cập, đó là tình trạng quảng cáo không xin phép, quảng cáo không đúng nội dung cấp phép diễn ra phổ biến, nhất là tại các tuyến đường trung tâm, các khu điểm du lịch, cửa hàng, cơ sở kinh doanh. Trên các tuyến đường tại trung tâm huyện, thành phố có tình trạng biển hiệu quảng cáo của các hộ kinh doanh hai bên đường khá dày đặc, nhấp nhô, cao thấp trên mái nhà, đường phố; thậm chí có những biển hiệu bao trùm cả mặt trước của ngôi nhà, bít hết mặt tiền, không theo quy cách nhất định, khi có sự cố hỏa hoạn xảy ra sẽ khó khăn cho công tác cứu hộ, cứu nạn. Nhiều biển hiệu quảng cáo sử dụng khá nhiều nguồn điện, đèn trong biển nguy cơ phát sinh hỏa hoạn trong trường hợp chập điện, mưa dông, sấm sét… Tại các điểm, khu du lịch còn tình trạng biển hiệu, bảng quảng cáo có chữ tiếng Việt kích thước nhỏ hơn chữ tiếng nước ngoài, vị trí chữ tiếng Việt đặt chưa đúng quy định. Bên cạnh đó, có nhiều cơ sở vi phạm về treo băng rôn và bảng quảng cáo khi chưa được chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền; còn quảng cáo bằng loa phóng thanh gắn trên xe ô tô tại đô thị. Tình trạng quảng cáo, rao vặt viết, dán ở các cột điện, gốc cây, tường rào, khu vực công cộng… còn phức tạp, ảnh hưởng đến cảnh quan, mỹ quan đô thị.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa của các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương chưa thường xuyên và liên tục. Chính quyền địa phương ở một số nơi chưa thực sự quan tâm trong chỉ đạo việc quản lý dịch vụ văn hóa; còn tư tưởng giao khoán cho ngành chuyên môn. Việc tham mưu, tổ chức thực hiện công tác quản lý hoạt động dịch vụ văn hóa ở một số đơn vị văn hóa cấp huyện còn hạn chế, còn tình trạng trông chờ cơ quan quản lý cấp trên, chưa thường xuyên kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm theo thẩm quyền. Nhận thức của một số chủ cơ sở kinh doanh còn thấp, chỉ chú trọng về lợi nhuận, chưa quan tâm đến quản lý, nhắc nhở nhân viên và khách hàng trong việc chấp hành các quy định của pháp luật trong quá trình kinh doanh. ý thức chấp hành các quy định trong hoạt động dịch vụ văn hóa của một số cá nhân, tổ chức thực hiện hoạt động dịch vụ văn hóa còn hạn chế. Trong khi đó, chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm về lĩnh vực karaoke, vũ trường còn thấp, chưa đủ sức giáo dục, răn đe… dẫn đến công tác xử lý vi phạm hành chính chưa cao, gặp nhiều khó khăn.

Thực tế trên đòi hỏi cần phải có sự vào cuộc tích cực, mạnh mẽ hơn nữa từ cơ quan quản lý Nhà nước, lực lượng chức năng cũng như sự tham gia có hiệu quả của người dân để hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa đảm bảo theo đúng pháp luật, góp phần nâng cao mức hưởng thụ tinh thần của nhân dân. Trong đó công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung, các quy định về kinh doanh dịch vụ văn hóa nói riêng cần phải tiếp tục đẩy mạnh, có giải pháp tổng thể giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh, thiếu niên, xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư. Đồng thời tiếp tục quan tâm đào tạo, sử dụng, bố trí cán bộ làm công tác văn hóa các cấp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tăng cường công tác cải cách hành chính, nhất là việc cấp phép hoạt động kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực văn hóa. Bên cạnh đó, lực lượng Công an tỉnh, Sở Văn hóa và Thể thao cần phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan tăng cường kiểm tra, có biện pháp đấu tranh, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm. UBND các huyện, thành phố cần tăng cường chỉ đạo công tác quản lý hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa, nhất là đối với cấp xã. Phối hợp chỉ đạo, kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý nghiêm những sai phạm theo thẩm quyền trong lĩnh vực quản lý dịch vụ văn hóa...

Theo Báo Ninh Bình

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×