Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Ninh Bình: Phát triển và quảng bá sản phẩm du lịch bền vững tại các làng nghề truyền thống

12/12/2022 | 08:58

Vừa qua, Hiệp hội Du lịch Ninh Bình phối hợp với Văn phòng UNESCO Hà Nội tổ chức hội thảo phát triển và quảng bá sản phẩm du lịch bền vững tại các làng nghề truyền thống tỉnh Ninh Bình.

Ninh Bình: Phát triển và quảng bá sản phẩm du lịch bền vững tại các làng nghề truyền thống - Ảnh 1.

Các đại biểu tham quan làng nghề thêu ren Văn Lâm (xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư).

Dự hội thảo có đại diện Hiệp hội Du lịch Ninh Bình, đại diện UNESCO Hà Nội, các HTX có sản phẩm OCOP, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh và một số đại biểu có kinh nghiệm thực tiễn trong phát triển du lịch làng nghề ở nhiều tỉnh, thành phố.

Ninh Bình là tỉnh có nhiều làng nghề truyền thống, một số làng nghề tiêu biểu được du khách biết đến như làng nghề chế tác đá mỹ nghệ Ninh Vân, nghề thêu ren Văn Lâm, nghề gốm Bồ Bát, làng nghề mộc Ninh Phong, nghề cói Kim Sơn… Đây là tiềm năng rất lớn để Ninh Bình có thể phát triển loại hình du lịch làng nghề.

Tuy nhiên, hiện nay số làng nghề kết hợp sản xuất với khai thác phát triển dịch vụ du lịch còn ít. Phần lớn các làng nghề chưa được đầu tư cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, khả năng tổ chức, quản lý, vốn, kiến thức thị trường và truyền thông hạn chế.

Trong khi đó, các làng nghề mới chỉ tập trung vào việc truyền thông, quảng bá sản phẩm của mình qua các kênh thương mại, tập trung vào xuất khẩu với các đơn đặt hàng sẵn có của khách hàng mà chưa quan tâm, chú trọng đến phát triển và quảng bá sản phẩm theo kênh du lịch.

Việc kết nối giữa các làng nghề với làng nghề, các làng nghề trong khu vực, giữa làng nghề với đơn vị lữ hành chưa được khai thác hiệu quả, thiếu tính liên kết.

Tại hội thảo, các đại biểu đã chỉ ra lợi thế, khó khăn và xu hướng phát triển của loại hình du lịch làng nghề trong giai đoạn hiện nay. Để phát triển loại hình này cần sự quan tâm, vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, địa phương, sự năng động, đổi mới của các làng nghề.

Với những ý kiến tâm huyết, đề xuất của đại biểu, đặc biệt là hai diễn giả đến từ Hội Khởi nghiệp sáng tạo thành phố Hội An, Trung tâm tư vấn và phát triển du lịch (Trường Đại học Mở Hà Nội) là những gợi ý có tính thực tiễn để Hiệp hội Du lịch tỉnh, các làng nghề, công ty kinh doanh dịch vụ du lịch tham khảo. Qua đó góp phần phát triển và quảng bá sản phẩm du lịch bền vững nhằm khai thác hiệu quả hoạt động du lịch làng nghề tại Ninh Bình.

Du lịch làng nghề là loại hình du lịch văn hóa tổng hợp đưa du khách tới tham quan, cảm nhận các giá trị văn hóa và mua sắm những hàng hóa đặc trưng. Việc phát triển du lịch làng nghề là vô cùng cần thiết vì nó sẽ mang lại nhiều thuận lợi cho cả hoạt động du lịch và sự phát triển của làng nghề, đem lại những lợi ích về kinh tế, xã hội, góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo.

Trước đó, đoàn đã dành thời gian đi khảo sát một số sản phẩm tại làng nghề thêu ren Văn Lâm (xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư) và Hợp tác xã Sinh Dược (xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn).

Theo Báo Ninh Bình

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×